Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH HẢI QUAN (Trang 43 - 50)

- Về thành phần và đặc điểm của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại:

2.3.2.Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế

* Hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại của ngành Hải quan còn bộc lộ một số hạn chế, đó là:

- Công tác hoạch định, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn của ngành Hải quan về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại còn hạn chế và chưa đồng bộ giữa các lực lượng nghiệp vụ trong ngành. Có những lĩnh vực thì chồng chéo, nhiều lực lượng cùng tiến hành làm, có những lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức hoặc bị bỏ sót.

- Về nhận thức và tổ chức thực hiện hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại: Một số đơn vị Hải quan địa phương chưa quan tâm chú trọng tới công tác phòng ngừa, mới chỉ tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn bắt giữ; chưa quan tâm xây dựng các phương án, kế hoạch và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để chủ động nắm tình hình tổ chức lực lượng đấu tranh có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Vì vậy hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại còn xảy ra nhiều, tính chất quy mô còn nghiêm trọng; chưa đánh trúng được nhiều các đường dây buôn lậu lớn, có tổ chức, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.

- Về công tác cán bộ:

+ Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa đáp ứng và theo kịp yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là đối với một số lĩnh vực nghiệp vụ khó, phức tạp như: Thu thập xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan, quản lý rủi ro, kiểm tra xuất xứ hàng hóa, xác định trị giá, kiểm tra tại doanh nghiệp.... Những yếu kém bộc lộ trước tiên là trong khâu kiểm tra xuất xứ. Tại nhiều đơn vị, cán bộ công chức hải quan còn hạn chế về kiến thức liên quan đến xuất xứ hàng hoá (mã số mã vạch) nên mắc lỗi rất sơ đẳng, như trên nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hiện xuất xứ của một nước, nhưng C/O lại xác định xuất xứ của một nước khác. Có trường hợp do hạn chế về hiểu biết của cán bộ hải quan về mặt hàng, công nghệ sản xuất nên không phát hiện được các nghi vấn về hàm lượng trị giá của thép lá cán nguội chủ yếu được hình thành từ nguyên liệu và ở công đoạn cán nóng.Yếu kém nữa trong công tác kiểm hoá hải quan là vấn đề nắm vững chính sách, pháp luật của cán bộ, công chức hải quan, trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư, các khái niệm “linh kiện”, “nguyên liệu”, “vật tư”, đôi khi cán bộ hải quan áp dụng miễn thuế chưa chính xác trong các trường hợp này. Hay trong công tác

kiểm tra và tham vấn xác định trị giá, do kiến thức của cán bộ thừa hành còn hạn chế nên công tác này lại hiệu quả chưa cao dẫn đến áp lực đối với việc áp dụng biện pháp nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan, do hàng hóa đã lưu thông trên thị trường...

+ Chưa có chế độ, chính sách cụ thể đối với cán bộ, công chức thuộc lực lượng kiểm soát hải quan (mới chỉ có chế độ, chính sách đối với cơ sở bí mật, cộng tác viên của ngành Hải quan). Thực tế này phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả nghiệp vụ, trong đó có công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

+ Còn xảy ra hiện tượng cán bộ Hải quan vi phạm kỷ luật, tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của ngành, điển hình là các vụ buôn lậu điện thoại di động của công ty Đông Nam trước đây; vụ buôn lậu lá thuốc lá của công ty Thiên Lợi Hòa tại Lào Cai hay vụ buôn lậu gỗ của công ty Nam Nguyên tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2007 vừa qua.

- Về công tác thu thập, xử lý thông tin: Nhìn chung việc triển khai công tác thu thập, xử lý thông tin phục vụ công tác quản lý hải quan nói chung và hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại chưa đạt hiệu quả cao:

+ Kho thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành Hải quan còn bất cập, chưa hoàn thiện và đầy đủ, nhất là các thông tin về doanh nghiệp tham gia hoạt động hoạt động xuất nhập khẩu như: Quá trình hoạt động, tuân thủ pháp luật, cá nhân chủ chốt của doanh nghiệp, việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp hay thông tin về hàng hóa xuất nhập khẩu hoặc các thông tin về đối tác thương mại của các doanh nghiệp trong nước, thông tin về chính sách thương mại,... điều này phần nào đã làm hạn chế tới công tác quản lý hải quan nói chung và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại nói riêng.

+ Ngành Hải quan chưa chủ động đối với nguồn thông tin phục vụ công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại từ nước ngoài. Hiện nay, thông tin chủ yếu chỉ dừng ở mức độ trao đổi theo yêu cầu của từng vụ việc cụ thể trên cơ sở thỏa thuận hợp tác của Hải quan Việt Nam với Hải quan các nước, vùng lãnh

thổ. Tuy nhiên, chất lượng thông tin từ nguồn này không cao do nội dung trả lời thường chung chung và không đạt yêu cầu về thời gian. Vì vậy, hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn còn hạn chế, đặc biệt là các thông tin phục vụ chống gian lận thương mại qua giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu.

+ Việc chuyển giao, kết nối thông tin giữa các lực lượng nghiệp vụ tại các cấp trong ngành Hải quan thực hiện chưa thường xuyên, còn có tình trạng cát cứ thông tin.

- Việc xử lý các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại, hành vi tiếp tay cho bọn buôn lậu chưa nghiêm, chưa đủ tác dụng răn đe, có trường hợp còn được bỏ qua. Tình trạng muốn xử lý hành chính cho đơn giản, nhanh chóng còn diễn ra phổ biến.

- Các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất hạ tầng nói chung và phục vụ công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại nói riêng còn nhiều hạn chế:

+ Chưa có địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung; các trang thiết bị phục vụ kiểm tra, kiểm soát công khai trong quá trình làm thủ tục Hải quan như hệ thống máy soi (hành lý, cơ thể), camera, trang thiết bị - công cụ hỗ trợ phục vụ kiểm tra thực tế hàng hóa,.. chưa đáp ứng yêu cầu.

+ Phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên dùng công cụ hỗ trợ cho công tác đấu tranh chống buôn lậu vừa thiếu, vừa yếu. Phần lớn các tầu, thuyền, ca nô của ngành Hải quan tuy chưa cao tuổi, nhưng đã lạc hậu về kỹ thuật - khai thác ảnh hưởng khả năng hoạt động tuần tra kiểm soát công khai, dài ngày hoặc hoạt động trong điều kiện sóng, gió to, thời tiết khắc nghiệt.

+ Kinh phí phục vụ hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại mặc dù nhà nước đã có quy định cụ thể (kể cả việc đảm bảo hoạt động nghiệp vụ thường xuyên và chi thưởng theo vụ việc) nhưng trên thực tế công tác thanh quyết toán các khoản chi nghiệp vụ đặc thù còn gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ, chứng từ theo quy định.

- Nguyên nhân khách quan

+ Hệ thống Luật pháp, các chế độ chính sách quản lý kinh tế của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện do vậy còn nhiều bất cập, sơ hở, thiếu đồng bộ tạo ra những kẽ hở cho các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, thực trạng này được chứng minh qua những vụ việc lách luật để gian lận trốn thuế ngày càng nhiều và phổ biến. Việc xây dựng, ban hành một số văn bản hướng dẫn dưới luật chậm chễ, không phù hợp với thực tế đôi khi còn trái ngược, mâu thuẫn với nhau. Thực tế nêu trên đã làm cho các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung, trong đó có ngành Hải quan trong một số lĩnh vực nghiệp vụ gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện, ví dụ:

Quy định của Luật Hải quan về địa bàn hoạt động hải quan đã làm hạn chế đối với công tác chống buôn lậu của ngành Hải quan, cụ thể là: Luật Hải quan quy định lực lượng Kiểm soát hải quan được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra để thu thập thông tin trong ngành và ngoài ngành, trong nước và nước ngoài để phục vụ công tác phòng, chống buôn lậu; mặt khác cũng quy định về địa bàn hoạt động hải quan lại rất bó hẹp trong phạm vi khu vực làm thủ tục hải quan.

Hiện nay, Chính phủ ban hành nhiều Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan, trong lĩnh vực thương mại,.... tuy nhiên, những hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, thương mại, sở hữu trí tuệ không xác định rõ hành vi nào là hành vi buôn lậu, hành vi nào là hành vi vận chuyển trái phép để làm căn cứ xác định một hành vi vi phạm pháp luật là tái phạm để xem xét đến khả năng xử lý hình sự.

Các Bộ, Ngành chậm ban hành danh mục quản lý hàng hóa chuyên ngành (theo mã HS) theo quy định tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP dẫn đến ngành Hải quan gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm thủ tục Hải quan cũng như trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Hành lang pháp lý phục vụ công tác trao đổi, chia sẻ thông tin nghiệp vụ giữa ngành Hải quan với các Bộ, Ngành chưa hoàn thiện. Chủ yếu thực hiện

trao đổi thông tin theo từng yêu cầu của từng vụ việc cụ thể hoặc theo các quy chế thỏa thuận công tác riêng biệt, thực tế này dẫn đến kho thông tin, dữ liệu thống nhất phục vụ các hoạt động tác nghiệp còn thiếu, nghèo nàn.

+ Theo lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam sẽ giảm dần thuế suất đối với một số dòng thuế và dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan dẫn đến lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách xuất nhập cảnh; các hoạt động đầu tư, gia công, sản xuất xuất khẩu,... gia tăng mạnh mẽ. Song song với xu thế này các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại với những phương thức mới với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt mang tính quốc tế cũng xuất hiện tại Việt Nam.

+ Chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước còn hạn chế chưa đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại trên thị trường quốc tế; giá thành hàng hóa sản xuất trong nước cao hơn so với mặt bằng cùng loại do nước ngoài sản xuất. Khi hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt nam thì tình trạng thất nghiệp gia tăng và là hệ quả tất yếu có tác động ngược trở lại làm cho xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, một bộ phận hàng hóa sản xuất trong nước không được kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng, còn để lưu thông trên thị trường nhiều loại hàng hoá chất lượng kém, thậm chí hàng giả trong nội địa sản xuất cũng không ít, do đó càng làm cho công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, trong điều kiện nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi nên một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh Nhà nước chi phối, độc quyền hoặc được Nhà nước bảo hộ, thực tế này dẫn đến tình trạng chây ỳ, tùy tiện trong kinh doanh, chưa kích thích sản xuất phát triển. Do vậy, khi có chênh lệch về giá cả giữa thị trường trong nước và nước ngoài thì hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gia tăng. Chẳng hạn như thời gian vừa qua, có sự chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam và Campuchia thì hoạt động xuất lậu xăng dầu diễn ra phổ biến và ồ ạt, khi giá xăng dầu chênh lệch ít thì hoạt động xuất lậu xăng dầu lại giảm đi đáng kể.

+ Do đặc thù về địa lý của các tuyến biên giới, đặc biệt là tuyến biên giới đường bộ và tuyến biên giới biển đa dạng, phức tạp nên công tác đấu tranh chống buôn lậu của các ngành chức năng nói chung và của ngành Hải quan nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương giáp biên còn buông lỏng quản lý cho nên đã tạo điều kiện cho hoạt động buôn lậu phát triển, thậm chí còn làm ngơ trước các hiện tượng cả làng biên giới làm "cửu vạn" cho bọn buôn lậu vì quan niệm là "vì kế sinh nhai của bà con". Ngoài ra, nghiêm trọng hơn còn có một số địa phương vì lợi ích cục bộ đã đã ban hành một số văn bản trái thẩm quyền, trái quy định như: cho phép miễn thuế nhập khẩu; cấp phép cho hàng hoá xuất, nhập khẩu thương mại qua lối mở; cấp phép cho phương tiện thuộc đối tượng tạm nhập tái xuất trái thẩm quyền...đã tạo điều kiện cho các hoạt động buôn lậu, gian lận trốn thuế, điển hình điển hình là vụ buôn lậu lá thuốc lá của Công ty Thiên Lợi Hòa tại tỉnh Lào Cai thời gian vừa qua. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Nguyên nhân chủ quan

+ Trong một thời gian dài, một bộ phận cán bộ lãnh đạo các cấp, các Ngành (trong đó có ngành Hải quan) chưa nhận thức một cách đầy đủ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chưa thấy hết được mức độ nghiêm trọng cũng như tác hại đối với nền kinh tế trong nước. Một số ý kiến lại cho rằng hiện tượng này tồn tại song song với cơ chế thị trường, với chính sách mở cửa về kinh tế nên không thể ngăn chặn triệt để.

Từ sự nhận thức đó đã dẫn đến chưa coi trọng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chưa quyết liệt trong việc bố trí lực lượng, phương tiện, kinh phí cần thiết đẩy mạnh triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan như: Nắm tình hình; sưu tra; lưu trữ hồ sơ cá nhân, đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới,...Hiện tượng đó, một phần do nhận thức hạn chế của cá nhân nhưng cũng một phần do tư tưởng cục bộ, địa phương.

+ Một số đơn vị trong ngành Hải quan thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ chưa tốt dẫn đến một số bộ phận cán bộ, Đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái đạo đức, chạy theo lợi ích vật chất, đồng tiền trước mắt nên đã bị buôn lậu móc nối, thậm chí có trường hợp trực tiếp tham gia buôn lậu.

+ Hoạt động phối hợp giữa các đơn vị trong lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, gian lận thương mại; giữa lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, gian lận thương mại và các lực lượng nghiệp vụ khác trong ngành Hải quan ở từng cấp còn nhiều hạn chế như: Việc cung cấp, trao đổi thông tin về đối tượng, hàng hoá, vụ việc... giữa các Chi cục Hải quan với Đội Kiểm soát hải quan, giữa các Cục Hải quan địa phương và Cục Điều tra chống buôn lậu chưa thường xuyên, chính xác. liên tục. Công tác phối, kết hợp trong các vụ phát hiện, kiểm tra, điều tra, xác minh các hành vi vi phạm pháp luật Hải quan chưa đạt hiệu quả cao, có lúc, có nơi còn thiếu đồng bộ, còn xảy ra tình trạng thiếu tin tưởng lẫn nhau, thậm chí vô hiệu hoá hoạt động của nhau giữa lực lượng các cấp làm ảnh hưởng đến kết quả bắt giữ, xử lý vi phạm.

+ Sự phân định trách nhiệm trong công tác chống buôn lậu tại từng địa bàn, từng khu vực giữa lực lượng chống buôn lậu của Cục Điều tra chống buôn lậu với lực lượng chống buôn lậu của Hải quan địa phương chưa được rõ ràng. Chức năng tham mưu, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) đối với Hải quan địa phương chưa thể hiện rõ nét. Chính vì vậy công tác chỉ huy, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo chưa sâu, chưa kịp thời.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH HẢI QUAN (Trang 43 - 50)