THÀNH LẬP TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI

Một phần của tài liệu Đề tài ‘‘Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Bắc Phi, thực trạng và giải pháp’’ (Trang 57 - 58)

I. CÁC GIẢI PHÁP Ở CẤP VĨ MÔ

I.5. THÀNH LẬP TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI

Với ý nghĩa là một cơ cấu thương mại hiện đại, các Trung tâm thương mại (TTTM) Việt Nam ở nước ngoài sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao khả năng thâm nhập trực tiếp vào thị trường. Năm 2002, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thương mại đã thực hiện công tác chuẩn bị cho việc thành lập các Trung tâm Thương mại, trực thuộc Cục Xúc tiến thương mại, tại Mỹ, Nga và các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (Dubai), với những nhiệm vụ như : quảng bá hình ảnh quốc gia và thương hiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại nước ngoài; Cung cấp thông tin, tư vấn và hướng dẫn các doanh nghiệp nước ngoài phát triển kinh doanh với Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch; Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu; Đại diện cho Cục Xúc tiến Thương mại tại nước ngoài để duy trì và phát triển quan hệ hợp tác nghiệp vụ với các cơ quan xúc tiến thương mại và các tổ chức hữu quan của nước sở tại.

Tính đến 7/2004, Trung tâm thương mại tại Mỹ và Dubai đã được khai trương và đi vào hoạt động.

Từ nay đến năm 2006 cần xúc tiến thành lập một Trung tâm như thế này ở Bắc Phi, trước hết ưu tiên lựa chọn địa bàn Ai Cập.

Trong việc thành lập và duy trì hoạt động của TTTM ở Bắc Phi nói riêng và Châu Phi nói chung, cần chú ý một số giải pháp sau:

- Do việc thành lập TTTM ở Bắc Phi sẽ đòi hỏi vốn đầu tư và kinh phí hoạt động lớn, sự hỗ trợ ban đầu về tài chính của Nhà nước là hết sức cần thiết. Về lâu dài, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia hoặc tự mình thành lập TTTM.

- Định hướng phát triển TTTM ở Bắc Phi phù hợp với chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại với Châu Phi nói riêng.

- Bên cạnh việc xúc tiến xuất khẩu, TTTM ở Bắc Phi cũng cần quan tâm thỏa đáng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu.

- Quan tâm đầu tư thỏa đáng khâu nhân sự cho TTTM. Do đặc thù của Bắc Phi là một địa bàn mới, còn nhiều khó khăn, ngay từ đầu phải đảm bảo tính chuyên nghiệp của nhân sự được cử đi quản lý TTTM và có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Về khía cạnh này, cũng cần có biện pháp khai thác tiềm năng của cộng đồng người Việt ở nước sở tại.

- Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết trong việc thành lập TTTM ở Bắc Phi theo các hình thức thích hợp.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước, thông qua mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao và Thương vụ của ta ở Bắc Phi, cần đề xuất và tạo điều kiện cho các nước Bắc Phi, đặc biệt là Ai Cập, thành lập Trung tâm thương mại của nước mình, hoặc một cơ cấu thương mại tương tự, tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đề tài ‘‘Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Bắc Phi, thực trạng và giải pháp’’ (Trang 57 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w