1. Thơ ca :
Ðây là thể loại phát triển thành cao trào mạnh hơn cả với nhiều thành tựu nổi bật. Truyền thống yêu thơ của dân tộc và đặc điểm lịch sử cụ thể của chín năm kháng chiến đã quyết định thực tế ấy. Thơ ca tiếp tục gắn bó với đời sống buồn vui, lúc hạnh phúc cũng như khi gian lao, vất vả của con người Việt Nam. Nhà phê bình Hoài Thanh đã có nhận xét xác đáng: Hầu hết những người mang ba lô lặng lẽ đi trên các nẻo đường kháng chiến trong một quyển sổ tay nào đó thế nào cũng có ít bài thơ... Trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta, tiếng súng, tiếng nhạc, tiếng thơ cùng hòa điệu. (Nói chuyện thơ kháng chiến).
1) Có thể nhận thấy sự khởi sắc của thơ giai đoạn này, trước hết, qua khảo sát phong trào và lực lượng sáng tác. Từ sau Cách mạng tháng Tám, thơ không còn là vương quốc riêng của các nhà thơ chuyên nghiệp. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp đồng thời cũng giải phóng cho nhà thơ, trong cuộc đời cũng như trong sáng tạo nghệ thuật. Sự gặp gỡ giữa lý tưởng Cách mạng và lý tưởng thẩm mỹ của dân tộc là điều kiện khách quan cho sự xuất hiện hình mẫu người nghệ sĩ kiểu mới. Có thể nói : không có thế hệ nhà thơ kiểu mới thì không có thơ ca Cách mạng. Giờ đây, anh cán bộ chính trị, anh cán bộ quân sự, anh công an, anh bình dân học vụ, anh thông tin, anh hỏa thực, các chị phụ nữ, các em thiếu nhi, hết thảy đều làm thơ. (Hoài Thanh - Nói chuyện thơ kháng chiến).
Không khí quần chúng sôi nổi một mặt tạo điều kiện thử thách và khẳng định các tài năng trẻ, mặt khác, góp sức cùng cao trào cách mạng tác động mạnh mẽ vào tâm tư tình cảm của các nhà thơ lãng mạn, giúp hồn thơ họ hồi sinh.
Với kinh nghiệm và tài năng đã được khẳng định, đóng góp của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Huy Cận,... tuy chưa thật sự là hơi thở mãnh liệt của thời đại nhưng vẫn có ý nghĩa sâu sắc : khơi gợi lòng yêu nước, hào khí đấu tranh và lòng tự hào dân tộc. Việc hầu hết các nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ Mới tìm đến với Cách mạng, tiếp tục phát huy năng lực sáng tạo, luôn có mặt ở vị trí hàng đầu trận tuyến văn nghệ Cách mạng là một hiện tượng đặc sắc. Ðiều đó chứng tỏ tính ưu việt, sức hấp dẫn mạnh mẽ của chế độ mới và đường lối văn nghệ Cách mạng.
- Ở năm đầu sau Cách mạng, thơ tập trung thể hiện niềm vui lớn của dân tộc, ca ngợi Ðảng và Bác Hồ, ca ngợi con người mới, chế độ mới. Nổi bật nhất phải kể đến Tố Hữu với Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt, Hồ Chí Minh ;... Xuân Diệu với hai trường ca Ngọn quốc kỳ và Hội nghị non sông.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hòa vào lòng người hăm hở trên trận tuyến chung, có đội ngũ chỉnh tề, khỏe khoắn của các nhà thơ. Mấy năm đầu, nhiều thi sĩ còn gặp khó khăn. Tâm hồn họ chưa hòa nhịp kịp với đời sống kháng chiến sôi nổi, sống động. Các nhà thơ vẫn còn vương vấn với những thi đề quen thuộc, những tình cảm tiểu tư sản xốc nổi, đậm màu sắc anh hùng cá nhân ; cách biểu hiện sáo mòn,... Sương mù của bầu trời tinh thần cũ giờ vẫn còn lẩn quẩn trong vườn thơ Cách mạng, biểu hiện ở những Ðạo rớt, Mộng rớt, Buồn rớt,.... Giữa cảm xúc thơ trong Ngày về (Chính Hữu), Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Tây tiến (Quang Dũng) với tình cảm chân chất, phơi phới lạc quan trong tư thế anh hùng thời đại mới của quần chúng - còn một khoảng cách nhất định. Bởi lẽ, một khi nhận thức lý trí chưa thật sự hóa thành rung động tình cảm chân thành thì hình tượng nghệ thuật khó có sức lay động mạnh mẽ.
Thực tế kháng chiến đã thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và củng cố lập trường tư tưởng của các nhà thơ, giúp họ ngày càng gần gũi, gắn bó với nhân dân. Lớp trước cách mạng dần bắt kịp và hòa nhập vào đời sống mới. Bên cạnh đó, các nhà thơ trẻ không ngừng tự khẳng định bằng sáng tác có giá trị. Những tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này : Việt Bắc (Tố Hữu) ; Nhớ, Ðất nước (Nguyễn Ðình Thi) ; Bài ca vỡ đất, Bao giờ trở lại (Hoàng Trung Thông) ; Ðồng chí (Chính Hữu) ; Nhớ (Hồng Nguyên) ; Thăm lúa (Trần Hữu Thung) ; Ðêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ) ; Dọn về làng (Nông Quốc Chấn) ; Nhớ máu (Trần Mai Ninh)....
- Một trong những thành tựu thơ ca kháng chiến nổi bật là sáng tác của Bác Hồ. Người làm thơ vừa để cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân (Thơ tặng các cháu thiếu nhi, Khuyên thanh niên, Tặng các cụ du kích, Gửi nông dân), vừa nhằm thỏa mãn một phần nhu cầu đời sống tinh thần phong phú của mình (Cảnh rừng Việt Bắc, Cảnh khuya, Nguyên Tiêu, Báo tiệp, Thu dạ, Ðăng Sơn). Những sáng tác này góp phần làm nổi rõ ở Bác một tâm hồn nghệ sĩ hết sức tinh tế, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước và con người Việt Nam.
chân thực và sinh động hiện thực kháng chiến hoành tráng. Lần giở những trang thơ, có thể gặp lại bước đường của lịch sử. Khác với thơ lãng mạn trước đó, thơ ca kháng chiến phát triển trên nền hiện thực tâm trạng của nhân dân. Từ chỗ thơ Mới chỉ bộc lộc cái Ðẹp trong từng con người riêng lẻ, trường cảm xúc giờ đây được mở rộng ; phạm vi phản ánh cũng bao gồm từ nơi sâu kín tâm hồn người cho tới khoảng rộng bao la của cả đất nước, dân tộc. - Các thi sĩ đã đưa được không khí thời đại mới mẻ, khỏe khoắn vào thơ. Khuynh hướng sử thi ngày càng nổi rõ. Thơ tập trung thể hiện tâm tình phơi phới tin yêu, lạc quan, tự tin, tự hào của người Việt Nam được giải phóng ; những ước mơ, khát vọng cháy bỏng ; những sắc thái tình cảm cao cả trong cuộc chiến đấu tuy gian khó nhưng vô cùng anh dũng.
- Cảm hứng thơ chủ yếu hướng ngoại, chú ý nhiều đến tình cảm công dân nên ít nói tới con người trong đời sống riêng tư. Tình yêu lứa đôi cũng như mọi cung bậc tình cảm khác đều được cảm nhận thông qua tình đồng chí. Do đó, trong khi mặt chói sáng của hiện thực được phản ánh sinh động thì chiều sâu đời sống, ở đó có nỗi buồn mất mát, chia lìa - chất bi tráng - lại chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, sự phiến diện ở đây là tự giác và cần thiết. Hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết hi sinh cái riêng tư, vì vận mệnh đất nước. Thơ ca không thể đứng ngoài sự hi sinh vĩ đại ấy. Không có gì quí hơn độc lập tự do, các nhà thơ sẽ chẳng được ngợi ca nếu chỉ
chuyên tâm sáng tác nhiều thơ mà để nước mất, dân nô lệ một lần nữa. - Nhân vật trữ tình trong thơ kháng chiến nghĩ suy và hành động chủ yếu hướng về số phận tổ quốc. Các nhà thơ đặc biệt khơi gợi, đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức làm chủ và quyết tâm xả thân (Ðất nước - Nguyễn Ðình Thi ; Bao giờ trở lại - Hoàng Trung Thông ; Bên kia sông Ðuống - Hoàng Cầm ; Ðôi mắt người Sơn Tây - Quang Dũng).
Tình yêu nước, trước hết, được thể hiện rất đậm nét qua tình cảm đối với những con người trong kháng chiến. Ðó là những con người vừa bình thường, chân chất vừa phi thường, chói sáng. Truyền thống cha ông và khí phách của giai cấp vô sản được kết tinh ở người anh hùng thời đại mới. Tiêu biểu hơn cả là hình ảnh người Vệ quốc quân. Tầm cao tư tưởng và chiều sâu tâm hồn của hình tượng người Việt Nam được tập trung làm nổi bật ở hai phương diện : phẩm chất cách mạng tốt đẹp và tình nghĩa quân dân thắm thiết.
Ðặc biệt, tình yêu nước còn được thể hiện đầy xúc động qua lòng kính yêu Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Rất nhiều bài thơ hay về Bác : Hồ Chí Minh, Sáng tháng Năm (Tố Hữu) ; Ảnh cụ Hồ, Thơ dâng Bác (Xuân Diệu) ; Bộ đội ông Cụ (Nông Quốc Chấn); Ðêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ). Tất cả góp phần xây lên hình tượng cao đẹp về lãnh tụ, đó là một con người tài năng kiệt xuất, có lòng nhân ái mênh mông và lối sống giản dị, khiêm tốn.
3) Nghệ thuật biểu hiện của thơ ca 1945-1954 cũng có những vận động, biến chuyển mới - trên cơ sở phát huy thành tựu của thời kỳ trước - để tương ứng với nội dung tư tưởng, tình cảm mới. Dưới ánh sáng của quan niệm nghệ
thuật cách mạng, yêu cầu về tính đại chúng, tính dân tộc được đặc biệt chú trọng.
- Thể thơ ngày càng phong phú. Các thể thơ cổ (thất ngôn tứ tuyệt, bát cú, cổ phong) hiện diện bên cạnh những tìm tòi mới mẻ (thơ không vần, phá thể, hợp thể, tự do). Những thể truyền thống như lục bát, ngũ ngôn được sử dụng phổ biến.
- Hình tượng thơ, cảm hứng thơ không còn màu sắc yêng hùng, lãng mạn của những năm đầu kháng chiến ; trở nên gần gũi, bình dị, phù hợp với quan niệm về người anh hùng thời đại mới.
- Ngôn ngữ thơ chuyển dần từ tình trạng hoa mỹ, cầu kỳ, tượng trưng, ước lệ sang đời thường, tự nhiên, phong phú đến vô cùng. Lời ăn tiếng nói của quần chúng hàng ngày được chú ý vận dụng trong quan niệm thẩm mỹ mới mẻ. ( Thơ ca kháng chiến chống Pháp đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Không ít tác phẩm sẽ bất tử với thời gian. Tuy nhiên, xét trên đại thể, vì là thời kỳ mở đầu của nền văn học mới, nên không thể tránh khỏi một số hạn chế nhất định. Cảm xúc rất tinh nhạy, mãnh liệt nhưng đôi khi lại chưa sâu, chưa chín ; thành ra thơ thường có sức vang xa, ít vọng sâu. Mặt khác, nhiệt tình công dân và cảm xúc nghệ thuật ở người nghệ sĩ không phải lúc nào cũng đạt đến độ hài hòa cần thiết.
2. Truyện ký :
1) Hiện thực cách mạng là mảnh đất màu mỡ, vô tận. Mẫu người lý tưởng của thời đại mới dần khẳng định trên khắp các lĩnh vực đời sống. Truyện ký có điều kiện tốt để phát triển, vạm vỡ hẳn lên với hai chặng cụ thể như sau : - 1946-1948 : thời kỳ nhận đường. Văn nghệ sĩ đang trong quá trình vận động, giải quyết dứt khoát những ám ảnh cũ để đến với nhân dân, với kháng chiến. Sáng tác chủ yếu là ký : Nhật ký (Nguyễn Huy Tưởng) ; Ở rừng (Nam Cao) ; Một đêm vào tề, Tháp Rùa giữa rừng (Nguyễn Tuân). Một số truyện ngắn nổi bật : Làng (Kim Lân) ; Ðôi mắt (Nam Cao).
- 1949-1954 : thời kỳ được mùa, đánh dấu bằng nhiều tác phẩm đặc sắc, ở nhiều thể loại. Ký : Trận phố Ràng (Trần Ðăng) ; Voi đi (Siêu Hải) ; Ðường vui, Tình chiến dịch (Nguyễn Tuân) ; Ngược sông Thao (Tô Hoài) ; Ký sự Cao lạng (Nguyễn Huy Tưởng); Truyện ngắn : Thư nhà (Hồ Phương); Truyện Tây Bắc (Tô Hoài); Xây dựng (Nguyễn Khải) ;... Tiểu thuyết Xung kích (Nguyễn Ðình Thi) ; Vùng mỏ (Võ Huy Tâm) ; Con trâu (Nguyễn Văn Bổng);....
2) Truyện, ký thời kỳ này thể hiện một khuynh hướng tiếp cận, khám phá đời sống mới mẻ, cả ở bề rộng lẫn bề sâu.
sự đổi thay về quan niệm sống và sáng tác (Ngày đầy tuổi tôi cách mạng, Lột xác - Nguyễn Tuân) ; cuộc đấu tranh giằng co giữa hai khuynh hướng cũ - mới trong việc nhận đường (Ðôi mắt - Nam Cao). Một số tác phẩm trở lại với đề tài xã hội tăm tối trước 1945, nhằm đánh tan ảo tưởng vào trật tự cuộc sống cũ và giáo dục lòng yêu mến chế độ mới (Lò lửa và địa ngục - Nguyên Hồng ; Mò sâm banh - Nam Cao; Vợ nhặt - Kim Lân ; Truyện Tây Bắc - Tô Hoài). Càng về sau, đề tài của văn xuôi càng phong phú hơn, bao quát hầu hết các vấn đề nổi cộm của đời sống : chiến đấu và sản xuất, phản đế và phản phong, tiền tuyến và hậu phương, nỗi đau mất mát và niềm vui chiến thắng,...
- Cuộc sống chiến đấu, nổi bật lên hình tượng người lính cụ Hồ là mảng đề tài tập trung nhiều tâm huyết của các nhà văn. Vẻ đẹp chân chính toát ra từ hình tượng là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. (Một lần tới thủ đô, Trận phố Ràng, Một cuộc chuẩn bị - Trần Ðăng; Ðường vui, Tình chiến dịch - Nguyễn Tuân; Ký sự Cao Lạng - Nguyễn Huy Tưởng ; Xung kích - Nguyễn Ðình Thi ; Thư nhà - Hồ Phương).
- Nông thôn và người nông dân kháng chiến được phản ánh trong tầm tư tưởng mới, vừa truyền thống vừa hiện đại. Con người mới trong sản xuất, xây dựng được chú ý phát hiện và đề cao (Làng - Kim Lân ; Con trâu - Nguyễn Văn Bổng).
- Hình tượng con người mới trong văn xuôi 1945-1954 có những đặc điểm khá nổi bật. Lần đầu tiên trong văn học, lớp lớp con người bình thường, chân chất xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau (trí thức, nông dân, công nhân) được xây dựng thành nhân vật trung tâm. Họ tượng trưng cho sự quật khởi đầy ý thức của giai cấp và tiêu biểu cho sức mạnh, vẻ đẹp của dân tộc, thời đại. Thông qua hình tượng đám đông, văn học làm rõ những nét tính cách, tâm lý chung rất dân tộc và cách mạng : thủy chung tình nghĩa không chỉ với gia đình, người thân, làng xóm mà cả với đất nước, quê hương ; không chỉ yêu nước, căm thù giặc trên cơ sở tình dân tộc, nghĩa đồng bào mà còn mở rộng đến ý thức vô sản ở tầm quốc tế.
Mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh đã khác trước. Con người không còn là nạn nhân đáng thương hoặc phản kháng tự phát trước hoàn cảnh mà đã xuất hiện trong tư thế chủ nhân chân chính, giác ngộ ngày càng sâu sắc, tự giải phóng mình và góp phần giải phóng dân tộc, giai cấp (Xung kích, Vùng mỏ, Con trâu, Truyện Tây Bắc).
3) Thể loại của văn xuôi cũng có những phát triển đáng ghi nhận. Nếu trong mấy năm đầu, ký và truyện ngắn chiếm ưu thế, thì dần về sau, xuất hiện những thể loại dài hơi hơn như truyện vừa, tiểu thuyết. Theo đó, khả năng bao quát hiện thực - biểu hiện sự trưởng thành của văn xuôi kháng chiến - được khẳng định.