Để vấn đề xét xử những tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng thuê tàu chuyến thông qua trọng tài hoặc toà án có hiệu quả, Khi kiện tụng các bên cần lưu ý những vấn đề sau:
+ Xác định đúng trọng tài hoặc toà án có thẩm quyền để nộp đơn kiện cho kịp thời Việc xác định đúng nơi kiện tụng, đảm bảo thời gian kiện tụng là việc làm đầu tiên hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với người đi kiện. Một đơn kiện chỉ có giá trị và được trọng tài hay toà án chấp nhận xét xử khi người đi kiện gửi đúng nơi, đúng lúc của hợp đồng thuê tàu và các điều ước có liên quan. Nếu đơn kiện gửi đến trọng tài hay toà án không có thẩm quyền xét xử hoặc đơn kiện gửi quá muộn so với thời gian quy định thì cũng chẳng có trọng tài, toà án nào chấp nhận giải quyết, hoặc trọng tài, toà án có chấp nhận xét xử thì kết quả phán quyết cũng sẽ bị bác bỏ hay khó được các bên thi hành.
Đối với những tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thuê tàu chuyến, không giải quyết được bằng phương pháp hoà giải, thường các bên sẽ kiện tụng nhau thông qua các trọng tài hay toà án như sau:
- Nếu trong hợp đồng thuê tàu, trọng tài hay toà án xét xử được quy định cụ thể thì đó chính là nơi các bên sẽ gửi đơn kiện.
- Nếu trong hợp đồng thuê tàu không quy định trọng tài hay toà án xét xử khi có tranh chấp xảy ra thì chọn trọng tài hay toà án nào là do hai bên nhất trí chỉ định. Thường các bên chọn trọng tài hay toà án nước bị cáo hay toà án, trọng tài nước thứ ba trung lập.
- Nếu trong hợp đồng thuê tàu không quy định trọng tài hay toà án xét xử mà hai bên lại không nhất trí được việc chỉ định trọng tài hay toà án nào, trường hợp này người đi kiện có thể kiện tại toà án nơi xảy ra tranh chấp...
Nhìn chung, khi thụ lý một vụ kiện dân sự thương mại hàng hài có yếu tố nước ngoài, một trong những cơ sở pháp lý để trọng tài hay toà án mỗi nước xác định thẩm quyền xét xử của mình là phải xem xét bên nào đã thực thi quyền lực thực tế để khởi kiện (người xin bắt giữ tàu – hàng)... hoặc nơi mà tài sản đang được tranh chấp ở nước mình hay nước khác và nơi xảy ra hư hỏng tổn thất ở đâu... Cũng cần phải lưu ý công việc xác định thẩm quyền xét xử vụ kiện có yếu tố nước ngoài khác hẳn với việc xác định hệ thống pháp luật được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Một bên dựa vào các dấu hiệu được pháp luật trong nước hoặc điều ước quốc tế quy định để quy định thẩm quyền xét xử của toà án nước mình. Một bên căn cứ vào sự lệ thuộc của quy phạm xung đột pháp luật để tìm ra các hệ thống pháp luật của nước có liên quan được áp dụng. Việc xác định thẩm quyền xét xử là hành vi tố tụng luôn được thực hiện trước khi giải quyết xung đột.
+ Vấn đề trọng tài, toà án quy định trong hợp đồng thuê tàu chuyến và vận đơn theo hợp đồng thuê tàu chuyến
Khi chuyên chở hàng hoá bằng tàu chuyến chúng ta cần phân biệt hợp đồng thuê tàu (Charter Party) và vận đơn thuê tàu chuyến (Bill of Ladingto Charter Party). Hai loại chứng từ này đều liên quan đến hàng hoá chuyên chở nhưng lại có sự khác nhau. Theo thông lệ hàng hải quốc tế và Bộ luật Hàng hải Việt Nam (điều 61-1) hợp đồng thuê tàu là cơ sở pháp lý xác định trách nhiệm và nghĩa vụ giữa người thuê tàu và người chuyên chở. Theo luật hàng hải quốc tế cũng như điều 81-3 bộ luật Hàng Hải Việt Nam thì vận đơn là cơ sở pháp lý điều chỉnh quan hệ giữa người chuyên chở và người nhận hàng ở cảng đến.
Như vậy khi hàng hoá được bán theo điều kiện CIF hoặc CFR; nhận trách nhiệm vận chuyển hàng hoá, người chuyên chở sẽ trở thành chủ thể của hai mối quan hệ pháp lý khác nhau và độc lập với nhau. Người nhận hàng nhận vận đơn từ người bán hàng, trên vận đơn có quy định trách nhiệm của người chuyên chở (người phát hành vận đơn) với người nhận hàng ở cảng đến (người cầm giữ vận đơn). Vận đơn này độc lập với hợp đồng thuê tàu, trừ trường hợp hai bên quy định rõ trong vận đơn có ghi chúvà đưa nội dung hợp đồng thuê tàu vào đó. Vì vậy, mặc dù người cầm giữ vận đơn có thể nhận biết qua vận đơn rằng có tồn tại một hợp đồng thuê tàu như thế, nhưng khi vận đơn đã chuyển cho người nhận hàng thì nó sẽ tạo ramột hợp đồng mới ràng buộc người chuyên chở và người có vận đơn theo các điều kiện đã ghi trên vận đơn.
Thông thường trong hợp đồng thuê tàu chuyến quy định nếu có tranh chấp sẽ giải quyết tại trọng tài hay toà án nước nào; ngược lại trong vận đơn cũng có điều
khoản nói rõ khi có tranh chấp sẽ giải quyết ở đâu và theo luật nào. Như vậy không thể lấy điều khoản trọng tài hay toà án trong hợp đồng thuê tàu để giải quyết phát sinh từ vận đơn hoặc ngược lại, trừ trường hợp vận đơn có quy định áp dụng điều khoản trọng tài hay toà án của hợp đồng thuê tàu. Vì điều khoản trọng tài hay toà án trong hai chứng cứ pháp lý này điều chỉnh hai loại quan hệ và chủ thể pháp lý khác nhau.
Gần đây, ngày càng có nhiều vụ tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thuê tàu chuyến giữa chủ hàng Việt Nam với chủ tàu nước ngoài được khởi kiện tại toà án Việt Nam. Nhiều chủ tàu nước ngoài cho rằng toà án Việt Nam không đủ thẩm quyền xét xử vì trên các vận đơn do họ phát hành đều ghi sẵn điều khoản tài phán (Jurisdiction clause) rằng: “Tranh chấp nếu có phát sinh từ vận đơn sẽ được giải quyết bằng trọng tài hoặc toà án nơi người chuyên chở có trụ sở kinh doanh chính” Vậy toà án Việt Nam có đủ thẩm quyền xét xẻ không?
Chúng ta đều biết, vận đơn là do các hãng tàu in thành mẫu để sử dụng trong kinh doanh. Nội dung vận đơn được quy định sẵn nên mang tính đơn phương, áp đặt. Điều khoản tài phán quy định như vậy đã thể hiện sự độc quyền. Mục đích nhằm giành quyền xét xử cho toà án nơi mà chủ tàu có trụ sở và gạt bỏ thẩm quyền của toà án nước khác mà lẽ ra theo luật lệ của nước đó họ cũng có thẩm quyền xét xử để giải quyết các tranh chấp từ vận đơn theo hợp đồng thuê tàu. Ngày nay, xu hướng nói chung của các nước, kể cả những nước có chế định luật Hàng hải lâu đời như Anh, Pháp, Mỹ... cũng đều cho rằng các quy định như vậy sẽ làm phương hại đến quyền lợi chính đáng của chủ hàng khi mua hàng theo điều kiện CIF, CRF vì họ không phải là người trực tiếp ký kết hợp đồng thuê tàu với chủ tàu.
Từ lý luận cũng như thực tiễn những vụ kiện đã xét xử tại Việt Nam cho thấy, mặc dù vận đơn của các chủ tàu quy định đơn phương quyền tài phán, song toà án Việt Nam căn cứ vào luật pháp Việt Nam, nhất là bộ luật dân sự và pháp lệnh thủ tục tố tụng dân sự hoàn toàn có thẩm quyền xét xử các vụ kiện phát sinh từ hợp đồng thuê tàu khi điều khoản tài phán vận đơn không dẫn chiếu tới.
+ Hồ sơ khiếu kiện phải được chuẩn bị đầy đủ và theo đúng quy định của quy chế trọng tài hay toà án nơi sẽ tiến hành việc xét xử.
Hồ sơ khiếu kiện chính là cơ sở để trọng tài hay toà án xét xử, vì vậy việc chuẩn bị đầy đủ và theo đúng quy định của quy chế trọng tài hay toà án nơi xét xử là việc làm không thể thiếu được, nó đảm bảo cho việc giải quyết có hiệu quả những tranh chấp. Một bộ hồ sơ khiếu kiện nếu thiếu chứng từ sẽ không đủ bằng chứng chứng minh cho các yêu sách của người đi kiện, do vậy các yêu sách của người đi kiện có thể bị bác bỏ và việc giải quyết sẽ không mang lại kết quả cho người đi kiện.
Ví dụ: Bộ hồ sơ khiếu kiện người chuyên chở về tổn thất đến hàng hoá trong quá trình xếp dỡ và vận chuyển thì ngoài đơn khiếu kiện, các chứng từ liên quan đến
hàng đến tàu...dứt khoát phải có các chứng từ như: Vận đơn hoàn hảo (clean Bill of Lading); Biên bản hàng tổn thất được lập với tàu (Cargo Outturn Report); Biên bản giám định hàng tổn thất (Survey Report)...
Hoặc bộ hồ sơ khiếu kiện người thuê tàu về việc chậm giao hàng so với thời gian quy định của hợp đồng thuê tàu thì ngoài các chứng từ theo quy định dứt khoát phải có các chứng từ là bằng chứng chứng minh sự chậm trễ của người thuê tàu như: Giấy báo tàu đến (Notice of arrival); thông báo sẵn sàng để xếp (Notice of Readiness to load) đã được trao và chấp nhận; Biên bản sự kiện (Statement of facts); Bảng tính thời gian xếp dỡ (Time sheet)...
Để lập được bộ hồ sơ chứng từ khiếu kiện đầy đủ làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thuê tàu, các bên phải thu thập tất cả các tài liệu, giấy tờ, chứng từ biên bản... đã được lưu giữ trong quá trình thực hiện hợp đồng. Một bộ hồ sơ khiếu kiện đầy đủ phải lập bao gồm những chứng từ gì là tuỳ thuộc vào nội dung tranh chấp cũng như những yêu sách được đưa ra trước trọng tài hoặc toà án.
Để đảm bảo sự đầy đủ và chính xác của các chứng từ trong bộ hồ sơ khiếu kiện, trước khi lập, người đi kiện phải tìm hiểu kỹ và nắm chắc những quy định của quy chế trọng tài, luật tố tụng của toà án nơi xét xử.
Trong hồ sơ khiếu kiện thông qua trọng tài hay toà án để giải quyết những tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thuê tàu chuyến, chúng ta thường gặp những loại chứng từ sau:
- Đơn thư khiếu kiện - Hợp đồng thuê tàu
- Vận đơn theo hợp đồng thuê tàu
- Các chứng từ liên quan đến hàng hoá chuyên chở như: hoá đơn thương mại, bảng kê khai chi tiết hàng, các giấy chứng nhận phẩm chất, số lượng, trọng lượng, xuất xứ...
- Các chứng từ liên quan tới vận chuyển, xếp dỡ hàng hoá như: Biên bản kiểm đếm; sơ đồ hầm tàu, sơ đồ xếp hàng, biên bản kết toán giao nhận...
- Các chứng từ liên quan đến tàu như: giấy chứng nhận cấp hạng; nhật ký của tàu; danh sách thuyền viên...
- Các chứng từ có liên quan đến tranh chấp …
* Thận trọng trong việc lựa chọn tài viên và luật sư bào chữa
Khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quy trình thực hiện hợp đồng thuê tàu chuyến thông qua trọng tài hoặc toà án, việc lựa chọn trọng tài viên, tìm kiếm luật sư bào chữa trước hội đồng trọng tài và toà án là vấn đề hết cần sức cần thiết của cả người đi kiện và người bị kiện. Một trọng tài viên vô tư, thông thạo pháp luật và nghiệp vụ liên quan tới vụ kiện; một luật sư bào chữa có uy tín, sắc sảo, có kinh nghiệm trong xử lý tình huống… sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới quá trình xét xử.
Thực tế xét xử qua trọng tài hoặc toà án ở Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy nhiều vụ kiện tụng đã phải kéo dài không thể chấp nhận được và cũng có những vụ trọng tài và toà án đã phải thất bại trước việc xét xử. Về nguyên nhân thì có nhiều song trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nguyên nhân do sự yếu kém của trọng tài viên, luật sư bào chữa và cả các thẩm phán trong xét xử.
Sau đầy là các ví dụ minh hoạ qua khảo sát:
- Một chủ hàng tranh chấp với chủ tàu vì hàng hoá bị tổn thất trong quá tình chuyên chở đã đưa ra trọng tài kinh tế nhà nước để xét xử đòi bồi thường. Một trọng tài viên đã bác bỏ khiếu nại của chủ hàng và tuyên bố “Vì chủ hàng không cấp vận đơn cho lô hàng đó nên khiếu nại bị bác bỏ”
- Khi thuê tàu chuyến chở hàng hoá, hầu như các nước đều sử dụng mẫu hợp đồng GENCON trong đó có Việt Nam. Vì vậy khi thuê tàu, chủ tàu và chủ hàng chỉ cần thoả thuận những điều khoản chủ yếu, còn các điều khoản khác ghi “theo hợp đồng GENCON”. Một chủ tàu và chủ hàng có tranh chấp từ hợp đồng đã đưa nhau ra trọng tài kinh tế xin phán xử song trọng tài lại tuyên bố “Việt Nam không áp dụng bộ luật GENCON”.
- Một tàu chở lô hàng than gáo dừa cùng cao su tấm do thuyền trưởng chất xếp tồi dẫn đến hàng bị cháy. Khi đưa nhau ra trọng tài thì trọng tài lại phán “Đây là hàng nguy hiểm dễ cháy nên chủ hàng phải bồi thường cho chủ tàu”.
Việc bắt giữ tàu ở Việt Nam không phải là chuyện mới song có một toà án thay vì ra lệnh bắt giữ tàu lại ra quyết định: “Kê biên bảo thủ tài sản”. Lẽ ra chỉ cần ra quyết định ngắn gọn “Lệnh bắt giữ tàu Writ of arrest”...
Những ví dụ trên đây đã phản ánh trình độ yếu kém của trọng tài viên, của thẩm phán về chuyên môn trong thụ lý và xét xử kiện. Theo ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Chiến (Đoàn luật sư Hà Nội) đăng trên báo Thanh niên số 60 ngày 1/3/2002 thì “...trình độ của các thẩm phán trong xét xử án kinh tế rất đáng phải bàn. Tỷ lệ xử án và huỷ án kinh tế là lớn nhất trong các loại án huỷ sửa. Tôi biết một số thẩm phán có tỷ lệ án bị huỷ đạt đến ...100%”. Có những vụ kiện, chưa nói đến sự đúng sai trong các phán quyết của các cơ quan xét xử, chỉ thấy sự kéo dài quy trình tố tụng hiện hành đã khiến người đi kiên, người bị kiện ngán ngẩm. Điển hình ở Việt Nam là vụ sử kiện giữa DASACO (Công ty sản xuất – kinh doanh Sài Gòn Dakla) với Bảo Minh liên quan tới con tàu Romashka chở bột mỳ từ cảng Bombay về Sài Gòn tháng 1/1996, tại Toà kinh tế Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đầu năm 1997, DASACO phát đơn kiện, cuối tháng 10/1999 toà sơ thẩm mới được mở, ngày 11/7/2001 có phán quyết cuối cùng của toà phúc thẩm. Rồi bản án cũng lại không được thi hành do có quyết định “Hoãn thi hành” của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để “xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm”. Chưa hết vừa dứt thời hạn 3 tháng thì lại có quyết định thêm 3 tháng nữa của Toà án nhân dân tối cao... Một
vụ kiện nữa cũng đáng ghi nhận tại Toà án tối cao Anh có liên quan đến chủ tàu và chủ hàng Việt Nam như đã đề cập ở chương II, đó là vụ tàu MOLAVENTURE đâm va tàu GARNET của Việt Nam. Vụ kiện kéo dài đến 6 năm (1982-1988) mới chấm dứt hợp đồng nhưng lại không đạt được kết quả qua xét xử mà lại qua thương lượng giữa hai bên vì cả hai đã quá mệt mỏi.
Tóm lại, trình độ trọng tài, Luật sư, thẩm phán ảnh hưởng rất lớn đến kết quả xét xử,vì vậy các bên khi khiếu kiện cần thạn trọng trong việc tìm kiếm, lựa chọn.
+ Khi phiên xét xử của trọng tài hay toà án được mở, các bên - người đi kiện cũng như người bị kiện cần phải có mặt hoặc uỷ quyền cho luật sư để phát biểu, tranh cãi bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.
Kinh nghiệm cho thấy trong suốt quá trình xét xử của trọng tài hoặc toà án, việc có mặt của những người có liên quan (nguyên cáo - bị cáo) cũng có ảnh hưởng tới kết quả của việc xét xử. Trong xét xử, muốn buộc tội được nhau, hai bên hoặc luật sư của hai bên phải thể hiện được chính kiến của mình qua phát biểu, tranh cãi, lập luận... Nếu không có mặt đây chính là điều bất lợi khi xét xử và nhiều trường hợp phải gánh chịu những trách nhiệm không có hoặc quá lớn so với thực tế tranh chấp