Sau khi dự án được cấp Giấy phép đầu tư, có dự án triển khai ngay công việc đầu tư, có dự án phải đợi một thời gian, có dự án không thực hiện đầu tư. Vì vậy, tiếp tục theo dõi và hỗ trợ dự án sau khi cấp Giấy phép đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài.
Nếu dự án chưa triển khai ngay, nhà đầu tư quay về nước một thời gian. Cơ quan quản lý theo dõi dự án phải giữ mối liên hệ thường xuyên với nhà đầu tư nước ngoài, thu thập thông tin để hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư tiến hành triển khai dự án. Nếu dự án không tiếp tục thực hiện đầu tư, cơ quan quản lý phải phân tích nguyên nhân để có kế hoạch hỗ trợ. Nếu nguyên nhân chính không thực hiện dự án do nhà đầu tư không có khả năng tài chính thì kêu gọi đối tác khác trong nước và nước ngoài tham gia, hoặc tăng vốn đầu tư phía Lào liên doanh.
Hỗ trợ nhà đầu tư trong giai đoạn triển khai và thực hiện dự án: Do sự khác biệt về văn hóa, do phải tiết kiệm chi phí kinh doanh, không thuê tổ chức tư vấn, nên việc triển khai dự án đầu tư thường gặp một số khó khăn. Lúc này, việc hỗ trợ nhà đầu tư là một trong những công việc hết sức quan trọng giúp cho dự án thực hiện hoàn thành và đi vào hoạt động. Những công việc hỗ trợ trong giai đoạn này bao gồm: Thủ tục cấp đất, thẩm định thiết kế kỹ thuật, đấu thầu, nhập khẩu và chuyển giao máy móc thiết bị, tuyển dụng đào tạo lao động, thủ tục điều chỉnh Giấy phép đầu tư (nếu có). Những công việc cụ thể:
- Cung cấp thông tin về hồ sơ thủ tục, về chi phí, lệ phí
- Tạo điều kiện thuận lợi để đền bù, giải phóng mặt bằng (nếu có)
- Tuyên truyền đến người dân tại vùng dự án để họ hiểu và có thái độ hợp tác tốt trên các mặt an ninh trật tự, môi trường,..
- Yêu cầu các chính quyền cấp xã, cấp huyện nơi dư án thực hiện tạo điều kiện giúp đỡ và hợp tác với nhà đầu tư.
- Xây dựng kênh thông tin phản hồi thường xuyên giữa nhà đầu tư với các cơ quan quản lý các dự án đã được cấp phép, chẳng hạn như Sở Kế hoạch và Đầu tư hay Ban quản lý KCN tỉnh. Các cơ quan này sẽ có trách nhiệm tiếp nhận, phát hiện các yêu cầu, vướng mắc của nhà đầu tư và báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc các Bộ chuyên ngành. Đặc biệt chú ý đến cán bộ đảm nhận công việc này phải có năng lực và tinh thông ngoại ngữ.