XÃ VẠN TRẠCH, HUYỆN BỐ TRẠCH, TỈNH QUẢNG BÌNH 3.1 THỰC TRẠNG CHUNG VỀ NGHÈO ĐÓI CỦA NÔNG DÂN XÃ 3.1.1 Tình hình chung về nghèo đói của xã năm 2009
Xóa đói giảm nghèo là một mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của Xã Vạn Trạch nói riêng. Trong những năm qua thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Đảng bộ và nhân dân xã Van Trạch đã cùng với huyện tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, đề án trọng điểm về kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo như: chương tình phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, xuất khẩu lao động, hỗ trợ về nhà ở và hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ về y tế khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, miễn giảm đóng học phí cho các học sinh thuộc diện hộ nghèo… Các chương trình được thực hiên có trọng tâm, trọng điểm, với lộ trình và hướng đi cụ thể. Vì vậy về cơ bản đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt ở nông thôn, đời sống đại bộ phận người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiện nay không còn hộ đói, kết quả thực hiện qua 3 năm 2007 – 2009 được thể hiện ở bảng 3.1
Bảng 3.1: Tình hình hộ nghèo của xã qua 3 năm 2007- 2009
TT Chỉ tiêu ĐVT Năm 2007 Năm 2008 Năm 2009
1 Số hộ nghèo Hộ 288 253 199
2 Tổng số hộ Hộ 1.487 1.544 1.582
3 Tỷ lệ hộ nghèo % 19,37 16,39 12,58
(Nguồn số liệu UBND xã)
Qua bảng 3.1 ta thấy rằng, từ năm 2007 – 2009 số hộ nghèo trong toàn xã giảm 89 hộ (chiếm 30,90%), từ 288 hộ (chiếm 19,37%) năm 2007 xuống còn 253 hộ (chiếm 16,39%) năm 2008 và còn 199 hộ (chiếm 12,58%) năm 2009. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo còn tương đối cao, nhưng so với những điều kiện và khả năng của xã thì kết quả thu được là một kết quả đáng khích lệ. Trong thời gian tới công tác giảm nghèo của xã còn gặp phải một số khó khăn nhất định, đòi hỏi các cấp lãnh đạo địa phương cũng như
nhân dân trong xã cần nỗ lực hơn nữa để công tác giảm nghèo trong xã ngày càng có kết quả cao hơn.
3.1.1.1 Năng lực sản xuất của hộ nông dân
* Đất đai: Trong nông nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu, đặc biệt và không thể thay thế được, nó tham gia vào quá trình sản xuất với tư cách vừa là tư liệu lao động vừa là đối tượng lao động. Đất đai bị hạn chế về mặt diện tích nhưng khả năng sản xuất của đất thì vô hạn nếu chúng ta biết quản lý và sử dụng một cách hợp lý. Vì vây, trong sản xuất nông nghiệp phải biết tận dụng đất đai và khai thác sử dụng đất đai sao cho có hiệu quả, nhất là nâng cao hệ số sử dụng ruộng đất, mặt khác phải đầu tư thâm canh sao cho vừa nâng cao năng suất cây trồng, vừa bồi bổ tăng độ phì nhiêu cho đất, chống bạc màu, xói lở và hạn chế sử dụng quá mức các loại chất hóa học làm đất bị bạc màu, ô nhiễm. Do đó, việc quản lý sử sụng tài nguyên đất đai một cách hợp lý, có hiệu quả và mang tính khoa học là một vấn đề bức thiết luôn được Nhà nước và các cấp chính quyền hết sức quan tâm.
Để biết rõ hơn quy mô và tình hình sử dụng đất đai của các hộ gia đình ở xã Vạn Trạch, chúng ta nghiên cứu bảng số liệu sau đây:
Bảng 3.2: Tình hình đất đai của các nhóm hộ điều tra năm 2009 (ĐVT m2/hộ)
Chỉ Tiêu Hộ Nghèo Hộ không nghèo
1. Đất trồng lúa 1.290 1.552
2. Đất màu/đất vườn 723 2.020
3. Đất trồng cây lâu năm 0 9.467
4. Đất Lâm nghiệp 0 16.533
5. Đất nuôi trồng thủy sản 0 0
Tổng diện tích đất NN/hộ 2.013 29.572
(Nguồn số liệu điều tra năm 2009)
Qua bảng 3.2 ta thấy rằng: Bình quân đất nông nghiệp của các hộ nghèo là rất thấp 2.013 m2/hộ trong khi bình quân chung của toàn xã là 13.534m2/hộ, các hộ không nghèo thì diện tích đất nông nghiệp bình quân trên hộ là 29.572m2/hộ. Trong đó bình quân diện tích đất trồng lúa của hộ nghèo là 1.290m2/hộ, diện tích đất trồng lúa của hộ không nghèo bình quân là 1.552m2/hộ. Lý do của sự chênh lệch trên là do các hộ nghèo
phần lớn là các hộ có ít nhân khẩu, mới tách hộ hoặc có đông nhân khẩu nhưng trong hộ có nhiều nhân khẩu sinh ra sau thời điểm phân chia lại ruộng đất nên không có đất. Bình quân đất hoa màu, đất vườn của các hộ nghèo cũng rất ít so với hộ không nghèo, trung bình hộ nghèo có 723m2/hộ đất màu và đất vườn, trong khi đó các hộ các hộ không nghèo đất vườn và hoa màu bình quân mỗi hộ là 2.020m2/hộ. Các hộ nghèo hầu như không có đất trồng cây lâu năm và đất lâm nghiệp, trong khi diện tích đất trồng cây lâu năm của hộ không nghèo bình quân là 9.467m2/hộ, đất lâm nghiệp bình quân là 29.572m2/hộ. Lý do là do các hộ nghèo thường là hộ mới thành lập nên không có đất lâm nghiệp và đất trồng cây lâu năm hoặc các hộ không có khả năng sản xuất, gia đình nghèo khó nên đã sang nhượng lại cho hộ không nghèoc.
Như vậy, qua điều tra khảo sát giữa nhóm hộ nghèo và nhóm hộ không nghèo ta thấy rằng hộ nghèo ít đất hơn là do đất đai nông nghiệp ở nước ta được chia theo nghị đinh 64/CP ngày 27/9/1993 của chính phủ nên những người sinh trước năm chia đất mới có đất, những người sinh sau thì không có đất, còn những người chết sau mốc chia đất thì đất vẫn không bị lấy lại. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng thừa hoặc thiếu đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến ở khắp các địa phương ở nước ta trong đó có xã Vạn Trạch. Các hộ mới tách ra, hộ có nhiều nhân khẩu sinh ra sau thời điểm chia đất thường thiếu đất và thường là hộ nghèo. Vì vậy cần nghiên cứu để có quy hoạch lại đất đai một cách hợp lý giúp tạo sự công bằng trong phân chia đất đai cho các hộ nông. Tạo điều kiện cho người thiếu đất có đất để sản xuất.
* Nhân khẩu, lao động và trình độ học vấn:
Bất cứ một chương trình phát triển kinh tế xã hội nào của một đất nước cũng như của một địa phương, thành hay bại thường xuất phát từ một số yếu tố cơ bản như: tài nguyên thiên nhiên, vốn, công nghệ và con người. Trong tất các các yếu tố đó con người là nhân tố quan trọng nhất quyết định tất cả các yếu tố còn lại. Các yếu tố tài nguyên thiên nhiên, vốn, công nghệ mới chỉ giữ được vai trò cần thiết quan trọng, chứ chưa thể quyết định sự phát triển kinh tế xã hội của một địa phương nếu như chất lượng lao động còn thấp. Có thể nói, trình độ lao động hay chất lượng của nguồn nhân lực là yếu tố quyết định nhất cho sự phát triển kinh tế xã hội. Trình độ nghề nghiệp của người lao động thấp thì tài nguyên, vốn và công nghệ cũng sẽ trở thành lãng phí, và tất yếu dẫn
đến hiệu quả kinh tế thấp. Do đó, yêu cầu tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực chính là đầu tư cho phát triển, một việc làm hết sức cần thiết trong lúc này và cho lâu dài về sau. Vạn Trạch là một xã có 89,90% nông hộ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, việc bố trí sử dụng lao động một cách hợp lý là một trong những cơ sở quan trọng để cải thiện đời sống của các hộ nông dân trong xã, tạo ra thu nhập và nâng cao mức sống của người dân trong xã, đặc biệt đối với các hộ nghèo thì điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực hơn. Để thấy rõ hơn thực trạng nhân khẩu và lao động của các hộ nông dân xã Vạn Trạch chung ta cùng nghiên cứu bảng 3.3.
Bảng 3.3: Tình hình nhân khẩu và lao động của các hộ điều tra. Chỉ tiêu ĐVT Hộ nghèo Hộ không nghèo
Tổng số hộ điều tra Hộ 35 15
Tổng số nhân khẩu các hộ điều tra Khẩu 152 67
Tổng số lao động LĐ 71 43
Trình độ học vấn của chủ hộ % 100 100
1. Chủ hộ không biết chữ % 11,43 100
2. Học vấn cấp I % 51,43 100
3. Học vấn cấp II % 31,43 46.67
4. Học vấn cấp III % 5,71 53.33
Một số chỉ tiêu bình quân
BQNK/hộ Khẩu 4,34 4,47
BQLĐ/hộ LĐ 2,02 2,87
BQ số người không có khả năng LĐ, thường
xuyên ốm đau, người già yếu/hộ Người 0,51 0,13
(Nguồn số liệu điều tra thực tế năm 2009)
- Đặc điểm quy mô nhân khẩu:
Đặc điểm chung của nước ta hiện nay là quy mô nhân khẩu của hộ nghèo thường cao hơn quy mô nhân khẩu của các hộ không nghèo. Nhưng thực tế điều tra ở Xã Vạn Trạch cho thấy kết quả ngược lại, những hộ nghèo thường có bình quân nhân khẩu/hộ nhỏ hơn hộ không nghèo.
Qua bảng số liệu ta thấy bình quân nhân khẩu hộ nghèo là 4,34 nhân khẩu, nhóm hộ không nghèo có bình quân nhân khẩu/hộ là 4,47 nhân khẩu cao hơn nhóm hộ nghèo 1,03 lần. Nguyên nhân của tình trạng trên là do các hộ nghèo phần lớn là các hộ hộ mới
thành lập, các vợ chồng trẻ mới có 1 - 2 con hoặc là các hộ già cả, tàn tật neo người vì vậy mà các hộ nghèo ở xã có bình quân nhân khẩu/hộ thấp hơn hộ không nghèo. Hộ không nghèo thường là các hộ thành lập lâu hơn, có điều kiện phát triển kinh tế hơn, nhóm hộ này đông nhân khẩu, họ làm nhiều nghề kiếm sống do đó thu nhập gia đình cao hơn, hơn nữa họ có kinh nghiệm, phương tiện làm ăn, đất đai nhiều hơn nên họ thoát nghèo. Tuy nhiên, do cũng có những hộ nghèo trong hộ có 8 - 9 nhân khẩu nên làm cho tỉ lệ bình quân nhân khẩu chung của nhóm hộ nghèo tuy thấp hơn nhóm hộ không nghèo nhưng cũng không thấp hơn nhiều.
- Tình hình lao động của nhóm hộ điều tra:
Lao động là hoạt động có mục đích của con người thông qua công cụ lao động tác động vào giới tự nhiên nhằm tạo ra của cải vật chất phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của con người. Do đó, sử dụng nguồn lao đông như thế nào cho hợp lí không những là điều kiện quan trọng nhằm tăng khối lượng, chất lượng sản phẩm sản xuất ra mà còn là điều kiện quan trọng nhằm phân công lao động xã hội, đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và các ngành sản xuất khác. Đối với hộ nông dân, sử dụng tốt nguồn lao động là cơ sở để nâng cao thu nhập và mức sống.
Qua bảng số liệu ở trên ta thấy: BQLĐ/hộ của nhóm hộ nghèo là 2,02 LĐ/hộ trong khi đó BQLĐ/hộ của nhóm hộ không nghèo là 2,87 LĐ/hộ, cao hơn 1,42 lần.. Số nhân khẩu không có khả năng lao động, người thường xuyên bị ốm đau bệnh tật của nhóm hộ nghèo là 0.51 người/hộ trong khi đó số lượng người này ở nhóm hộ không nghèo chỉ 0,13 người/hộ, chỉ bằng 0,25 lần so với hộ nghèo. Những con số này cho thấy ở nhóm hộ nghèo số lượng lao động bình quân/hộ thấp hơn nhóm hộ không nghèo nhiều, không những vậy số lượng người không có khả năng lao động, người thường thường xuyên bị ốm đau ở nhóm hộ nghèo cao hơn so với nhóm hộ không nghèo, điều này làm tăng gánh nặng về số người ăn theo ở những hộ nghèo, làm cho hộ nghèo đã nghèo càng thêm nghèo, đây là một trong những nguyên nhân gây ra nghèo đói ở những hộ nghèo.
Nguyên nhân của tình trạng này cũng như đã nói ở trên, nhóm hộ nghèo là những hộ mới thành lập ít nhân khẩu hoặc nhiều nhân khẩu nhưng người ăn theo nhiều, hoặc hộ già cả, người tàn tật. Còn những hộ không nghèo có quy mô hộ gia đình lớn hơn,
nhiều lao động, gia đình ít ốm đau, ít con nhỏ chỉ cần có đủ phương tiện làm ăn là họ có thể thoát nghèo được.
Một điều đáng chú ý nữa là việc sử dụng lao động ở xã còn nhiều bất cập. Vào mùa cày bừa, gieo cấy thu hoạch chính (vụ đông xuân và vụ hè thu) thi cường độ lao động của lao động cao, người nông dân phải làm việc vất, tất bật nhưng vào thời điểm trước và sau thời gian sản xuất đó thì người nông dân lại thiếu việc làm. Vì vậy, một số lượng lớn lao động phải đi nơi khác tìm việc làm.
- Trình độ học vấn của hộ nông dân:
Trình độ học vấn của người lao động là yếu tố quan trọng giúp cho người lao động nắm bắt được các khoa học kỹ thuật, sáng tạo và vận dụng chúng vào sản xuất và phát triển kinh tế. Là một xã chủ yếu làm nghề nông, thu nhập của người dân trong xã chủ yếu phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp. Trình độ học vấn của người dân chưa được đồng đều. Các kỹ năng, kỹ thuật và kinh nghiệm làm ăn chưa được mở rộng. Người nông dân chưa thực sự được tiếp cận hết những kinh nghiệm làm ăn giỏi. Đặc biệt là hộ nghèo, nghèo nên không có điều kiện học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật để phục vụ sản xuất cũng như đời sống. Do đó hiệu quả sản xuất không cao, thu nhập thấp nảy sinh ra nghèo đói.
Để thấy rõ hơn thực trạng về trình độ học vấn của các hộ nông dân ta tiến hành nghiên cứu bảng số liệu 3.3. Qua bảng số liệu ta thấy rằng: trình độ học vấn của những chủ nhóm hộ nghèo chủ yếu là cấp I (chiếm 51,43%) và cấp II (chiếm 31,43%), số lượng người không biết chữ cũng tương đối nhiều chiếm tới 11,43%, đặc biệt là số lượng chủ hộ có trình độ học vấn cấp III rất ít chỉ có 5,71%. Trong khi đó, ở nhóm hộ không nghèo thì phần lớn chủ hộ có trình độ học vấn là cấp II (chiếm 46,67%), cấp III (chiếm 53,33%) và 100% hộ không nghèo đã tốt nghiệp tiểu học. Không có chủ hộ nào thuộc nhóm hộ không nghèo là không biết chữ. Nguyên nhân của tình trạng này là do hầu hết các chủ hộ của nhóm hộ nghèo đều xuất phát từ các gia đình đông con trước đây hoặc họ xuất phát từ các hộ trước đây nghèo khó không có điều kiện học hành nên thường có trình độ học vấn thấp hơn. Những chủ hộ thuộc hộ không nghèo nhờ có trình độ học nên có thể tiếp thu các kinh nghiệm, tích luỹ được kỹ năng, kỹ thuật làm ăn nên có thể sản xuất có hiệu quả hơn, đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó. Vì vậy, để giúp
các hộ nghèo có thể thoát khỏi cảnh nghèo khó cần phải giúp họ nâng cao nhận thức, trình độ nhất là kiến thức làm ăn, khoa học kỹ thuật. Đây là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo cho các hộ nông dân ở địa phương.
* Tình hình trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất:
Tư liệu sản xuất là điều kiện cần thiết để tổ chức sản xuất, là yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất của các nông hộ, nó ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động và giá trị sản xuất được tạo ra. Công cụ lao động chủ yếu của người nông dân là trâu bò, cày bừa thủ công, cuốc xẻng… những công cụ này chủ yếu là do các nông hộ tự trang bị lấy. Do điều kiện kinh tế mỗi nhóm hộ nhau nên mức độ trang bị công cụ lao động cũng khác nhau. Thông thường những hộ không nghèo thì có điều kiện hơn, công cụ lao động đầy đủ hơn, hiện đại hơn. Còn những hộ nghèo thì thường thiếu công cụ lao động, trang bị công cụ lao động thô sơ chủ yếu là thủ công thậm chí một số hộ nghèo còn không có