Kết luận chương

Một phần của tài liệu marketing trực tiếp và việc ứng dụng vào việt nam (Trang 81 - 83)

Việt Nam, thị trường mới với trên 80 triệu dân tuy không lớn nhưng cũng được nhiều doanh nghiệp trên thế giới hướng tới với tốc độ phát triển cao và nhiều cơ hội kinh doanh còn bỏ ngỏ. Cạnh tranh đã và sẽ còn khốc liệt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, với rất nhiều người Việt Nam sùng ngoại. Hơn nữa, cuộc sống công nghiệp đã và đang tác động không nhỏ tới phong cách sống, hành vi mua sắm và tiêu dùng của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Marketing trực tiếp đã và đang được các doanh nghiệp đưa vào ứng dụng ở các mức độ khác nhau và đem lại ít nhiều hiệu quả cho họ. Tận dụng sự phát triển của kinh tế xã hội, sự thay đổi trong hành vi mua sắm và tiêu dùng, marketing trực tiếp với các biểu hiện cụ thể như bưu chính marketing, telemarketing, marketing qua truyền hình tương tác và

137

internet marketing... chắc chắn còn được các doanh nghiệp sử dụng bởi nó phù hợp với thời đại và cuộc sống công nghiệp.

Những ưu và nhược điểm của marketing trực tiếp nói chung, của từng công cụ marketing trực tiếp nói riêng đã được các doanh nghiệp nhận ra. Khả năng tiếp cận khách hàng ở nhiều nơi mà không bị phụ thuộc và thời gian và không gian, với chi phí thấp và thông tin đầy đủ là những điểm mạnh cơ bản mà marketing trực tiếp đem lại cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, marketing trực tiếp cũng còn một số hạn chế như nó không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của từng doanh nghiệp mà nó phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế xã hội nơi thị trường mà doanh nghiệp kinh doanh, phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng thông tin và phụ thuộc không nhỏ vào thói quen tiêu cùng của khách hàng.

Internet marketing và thương mại điện tử được xem là tương tự nhau nếu xét trên góc độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh và tiếp cận thị trường. Và nó cũng chính là công cụ được ứng dụng nhanh và nhiều nhất hiện nay bên cạnh telemarketing. Các công cụ khác như marketing qua email, qua điện thoại hay thậm chí marketing qua truyền hình cũng đã và đang là những phương thức kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn trong áp dụng. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa hiểu hết bản chất của marketing trực tiếp cũng như những lợi ích và bất lợi của marketing trực tiếp. Chính vì thế, họ chưa tạo điều kiện cho phát triển marketing trực tiếp tại doanh nghiệp của mình.

Trước cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang dần dần áp dụng một số công cụ cơ bản của marketing trực tiếp như bưu chính marketing, telemarketing, marketing qua truyền hình tương tác và đặc biệt là internet marketing. Các sản phẩm như văn phòng phẩm, mỹ phẩm, dịch vụ, hàng tiêu dùng mau hỏng và các sản phẩm đầu vào cho quá trình sản xuất tiếp theo (mua từ nhà cung cấp quen thuộc) đã và đang được nhà cung cấp áp dụng marketing trực tiếp. Hoạt động marketing trực tiếp được các doanh nghiệp thực hiện với cả khách hàng tổ chức và khách hàng người tiêu dùng. Hoạt động marketing trực tiếp được các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá tương đối tích cực cả về hiệu quả lẫn khả năng áp dụng. Tuy nhiên, do khả năng ứng dụng marketing trực tiếp phụ thuộc không chỉ vào các yếu tố chủ quan của doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào những ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, đặc biệt là hành vi và thói quen mua hàng của khách hàng nên hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa thực sự an tâm đầu tư cho marketing trực tiếp, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở dữ liệu khách hàng. Những khó khăn mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong quá trình đưa

138

marketing trực tiếp vào ứng dụng tại Việt Nam nêu trên có thể chưa thực sự cụ thể nhưng hy vọng nó sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp cân nhắc việc đưa marketing trực tiếp ứng dụng vào hoạt động kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển của thế giới, marketing trực tiếp đã, đang và sẽ là một trong những công cụ marketing được các doanh nghiệp áp dụng nhằm tiếp cận thị trường toàn cầu, cùng với các công cụ khác của marketing, giúp thiết lập mối quan hệ dài hạn với khách hàng từ khắp mọi nơi trên thế giới mà không phụ thuộc vào thời gian và không gian làm việc.

Tất nhiên, để áp dụng thành công marketing trực tiếp, cần có những điều kiện cả về khách quan lẫn điều kiện chủ quan của chính doanh nghiệp. Những điều kiện mà các doanh nghiệp xác định có thể đúng theo đánh giá chủ quan của họ. Tuy nhiên, trên cơ sở những đánh giá của các doanh nghiệp, NCS hy vọng các nhà quản lý kinh tế có thể một mặt đầu tư nhiều hơn, mặt khác có thể cho phép các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động marketing trực tiếp nhằm tiếp cận không chỉ với các khách hàng Việt Nam mà cả các khách hàng ở các thị trường khác một cách hiệu quả hơn. Đó mới chính là mục tiêu của marketing trực tiếp, cho dù, các khách hàng nước ngoài ở rất xa và họ chưa từng tận mục sở thị doanh nghiệp và sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp.

Một phần của tài liệu marketing trực tiếp và việc ứng dụng vào việt nam (Trang 81 - 83)