V. Nhân vật, di tích tiêu biểu
2. Thất bại của nhà Hồ
Trong lúc nhà Hồ đang ra sức xây dựng đất nước thì lại có một thế lực khác lại vận động để lật đổ nhà Hồ. Có người tên là Trần Thiêm Bình, tự xưng là con của vua Trần Nghệ Tông, vượt biên giới sang Trung Hoa, tố cáo với nhà Minh việc họ Hồ cướp ngôi nhà Trần. Nhà Minh nhân cớ ấy cũng muốn xuất thân đánh họ Hồ.
Hồ Quý Ly biết tin nên tăng cường phòng thủ. Ông cho đắp thành Đa Bang (Ba Vì, Hà Nội), đóng cọc gỗ trong lòng sông Bạch Hạc và chia quân đi trấn giữ các nơi hiểm yếu.
Năm 1406, nhà Minh sai tướng cùng 5.000 quân đưa Trần Thiêm Bình về nước. Hồ Quý Ly cho quân chận đánh quân Minh ở Chi Lăng, bắt được Thiêm Bình, đem giết đi rồi một mặt sai sứ sang nhà Minh biện bạch việc Thiêm Bình nói dối, xin theo lệ tiến công như cũ, một mặt cho tăng cường phòng thủ, mộ thêm lính, đóng cư ở phía Nam sông Nhị Hà dài đến hơn 700 dặm.
Nhà Minh cử các danh tướng như Mộc Thạnh, Trương Phụ, Lý Bân đem hai đạo quân sang đánh nhà Hồ. Hai đạo quân ấy vượt biên giới tới đóng ở bờ Bắc sông Bạch Hạc. Biết rằng lòng dân còn luyến tiếc nhà Trần, tướng nhà Minh sai viết kịch kể tội nhà Hồ, tuyên truyền là quân Minh sang để lập nhà Trần lên làm vua. Hịch được khắc vào các tấm ván nhỏ và thả trôi sông. Quân Việt bắt được, lòng chiến đấu tan rã, vì thế quân Minh đi đến đâu thắng đến đấy. Hồ Quý Ly phải vào cố thủ trong thành Đa Bang (Ba Vì, Hà Nội), nhưng không bao lâu sau, Trương Phụ vào Mộc Thạnh phá được thành Đa Bang, Hồ Quý Ly phải chạy lên Hoàng Giang rồi về Nghệ An, đến cửa Kỳ La (Cửa Nhượng, Hà Tĩnh) thì bị quân Minh bắt được. Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương cùng gia quyến bị đưa về Kim Lăng (Trung Hoa, 1407). Trong số người bị bắt, có con trưởng của Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng, một nhà sáng chế ra súng thần công và là tác giả của tác phẩm "Nam Ông Mộc Lục", viết về 31 nhân vật nổi tiếng trong lịch sử của Đại Việt. Sau này, nhờ Hồ Nguyên Trừng dâng lên cho Hoàng đế nhà Minh cách thức chế súng thần công, mà cha con Hồ Quý Ly được thả và sinh sống tại Trung Hoa cho đến chết. Triều Hồ đã thất bại dù có nhiều cải cách tiến bộ. Những cải cách của Hồ Quý Ly đụng chạm đến hầu hết các giai tầng xã hội, nhất là tầng lớp quý tộc với các phép hạn điền, hạn nô. Vì thế phản ứng của tầng lớp này rất quyết liệt. Những biện pháp kinh tế của Hồ Quý Ly lại chưa có thời gian để trở thành hiện thực nên chưa lôi kéo được quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, việc cướp ngôi nhà Trần đã làm bất bình giới nho sĩ từng thấm nhuần tư tưởng trung quân ái quốc. Do đó nhà Hồ đã không động viên được sự đoàn kết toàn dân, cuộc chiến chống Minh vì thế thất bại.