2 Thu nhập bình quân 1 ngườ
2.2. Thực trạng hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp ngành xây dựng TT-Huế sau cổ phần hoá
Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, các doanh nghiệp ngành Xây dựng đã và đang chủ động, tích cực tham gia vào tiến trình chung của cả nước trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Ngày 7/11/2006, Việt Nam đã được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sự kiện này đã đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập, mở ra cả cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế cả nước nói chung và các doanh nghiệp ngành Xây dựng nói riêng. Việc Việt Nam gia nhập WTO đem lại cho doanh nghiệp ngành Xây dựng cơ hội mở rộng thị trường, thu hút, tiếp nhận và chuyển dịch các nguồn lực đầu tư, tài chính; tiếp cận nhanh chóng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hiện đại và học tập những kinh nghiệm, kỹ năng quản lý tiên tiến từ các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành xây dựng cũng phải đối mặt với không ít các thách thức khi nước ta gia nhập WTO, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài. Theo đánh giá của Bộ xây dựng, các doanh nghiệp ngành xây dựng còn bị hạn chế về năng lực tài chính, trình độ quản lý điều hành dự án, trình độ cán bộ quản lý, kỹ thuật, đặc biệt là hiểu biết về pháp luật và các thông lệ quốc tế, thiếu công nghệ thiết bị tiên tiến, thiếu thông tin về thị trường khu vực và thế giới, trình độ tổ chức thi công còn hạn chế; khả năng sử dụng nguồn lực, thiết bị, máy móc, nhân công chưa cao, sự hợp tác giữa các nhà thầu trong nước chưa chặt chẽ, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm vật liệu xây dựng còn kém so với các sản phẩm nhập ngoại về mẫu mã, chất lượng và giá bán sản phẩm, một số sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài nhưng khối lượng chưa nhiều, chưa thường xuyên... Một số doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng và chuẩn bị thật tốt cho việc nghiên cứu thị trường, phân tích đánh giá đúng năng lực và khả năng cạnh tranh của đơn vị mình để xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đảm bảo cho sự phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp xây dựng Thừa thiên Huế cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình quản lý (cổ phần hoá, công ty mẹ, công ty con...) so với các doanh nghiệp cùng ngành trong nước thì quy mô các doanh nghiệp xây dựng của Tỉnh nhìn chung còn quá nhỏ, đặc biệt về vốn, kỹ thuật công nghệ, năng lực cạnh tranh rất thấp. Nói
như vậy không có nghĩa là quá trình chuyển đổi các doanh nghiệp không có những tiến bộ đáng khích lệ. Đứng trên góc độ vi mô thì các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đổi mới phương thức quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sản xuất.
Căn cứ vào biểu phân tích số liệu về vốn và lao động tại ba doanh nghiệp qua các năm đặc biệt là so sánh thời điểm trước và sau cổ phần hoá có thể nhận thấy rõ: Giá trị tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu tăng lên đáng kể. Trong tài sản thì nổi bật là giá trị tài sản cố định tăng lên đáng kể do các doanh nghiệp xây dựng có đặc thù là giá trị vốn cố định chiếm tỷ trọng lớn. Trong thời điểm sau cổ phần hoá đã tập trung đầu tư đổi mới TSCĐ, nâng cao năng lực thi công và công suất sản xuất. Cách thức tăng lợi nhuận của các công ty trong ngành dựa chủ yếu vào tăng trưởng doanh số và các công ty thường sử dụng đòn bẩy hoạt động để tăng lợi nhuận, bởi có rất ít “độc quyền giá” và lợi nhuận biên tế ở mức thấp. Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế thì lợi nhuận biên tế của ngành vật liệu xây dựng chỉ ở mức 5%, do đó để gia tăng lợi nhuận, các công ty thực hiện bằng cách đẩy mạnh doanh số bán. Nhưng khi thực hiện điều này thì cũng có nghĩa rằng, các công ty vật liệu xây dựng sẽ phải sản xuất ở quy mô lớn và do đó, chi phí cố định sẽ bị đẩy lên cao. Lúc này, chi phí cố định cao trở thành vấn đề sống còn đối với các công ty. Chỉ công ty nào có chi phí cố định thấp hơn so với đối thủ ở cùng một quy mô sản xuất thì mới có thể gia tăng lợi nhuận và vượt qua khó khăn trong thời kỳ nền kinh tế suy thoái. Chi phí thấp sẽ là thế mạnh kinh tế của ngành, công ty nào có chi phí sản xuất thấp sẽ tạo được ưu thế cạnh tranh bền vững.