IV. Kỹ thuật của tác giả
LỊCH ĐẠI PHỤ THẦN
THÁI UÝ TRUNG TUỆ VÕ LƯỢNG CÔNG (Chuyện Mục Thận)
(Chuyện Mục Thận)
Xét Sử ký và đời truyền: Ông họ Mục tên Thận, lấy việc chài lưới bắt cá làm nghề sinh nhai.
Thời xưa Lý Thái Tông có quan Thái sư Lê Văn Thịnh nuôi được một người gia nô người Đại Lý, giỏi về thuật chú ảo, hay biến hóa mây mù, khiến người thực hóa ra hình beo, cọp. Văn Thịnh dỗ dành nó mà học được thuật ấy rồi thiết kế giết đứa ở ấy đi, mưu tính viêc tiếm ngôi vua.
Một hôm vua Nhân Tông ngự ra Dâm Đàm xem cá; thuyền rồng thung dung, mái chéo khoan nhặt, lượn chơi trên hồ rất vui vẻ, hốt nhiên thấy mây ù kéo đến trên mặt hồ mù mịt, đối diện không trông thấy nhau, vẳng nghe tiếng cọc chèo vùn vụt lướt mù tiến đến, thấp thoáng có một con hổ lớn đang há mồm nhe răng như muốn cắn, vua trông thấy cả kinh. Lúc bấy giờ Mục Thận đang vung lưới bắt cá, trông thấy rõ ràng mới nói “việc gấp rồi”, lập tức vung lưới chụp bắt được con hổ lớn, lại hóa ra là Lê Văn Thinh. Vua truyền lấy giây sắt trói lại, cũi gỗ giam vào, rồi đẩy lên thượng lưu sông Thao.
Vua khen Mục Thận có đại công bảo hộ, phong ông làm Đô Uý Tướng Quân, quan giai lần lần tới Phụ Quốc Tướng Quân. Ông mất, vua tặng chức Thái Uý, dựng từ đường và tạc tượng ông mà phụng sự.
Đền thờ ông rất linh dị, có con mãng xà ở trong lỗ cột đền, mỗi khi đến ngày sóc vọng có kỳ tế lễ, nó từ dưới đá tảng bò lên, khoanh tròn mà nằm; nhân dân vãng lai chẳng lấy gì làm kinh hãi, nhưng người nào tà uế mà vào trong đền thì liền bị nó cắn; đêm tối, nó lại chui xuống lỗ cột mà ở. Đến nay, từ vũ thêm trang nghiêm, thôn dân phụng làm Phúc thần.
Niên hiệu Trùng Hưng năm thứ tư, sắc phong Trung Tuệ Công. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Võ Lượng.
Tiếm bình
là hồ Dâm Đàm. Triều Lê tránh tên huý vua đổi ra là Tây Hồ, một đầm nước lớn ở thành Đại La vậy. mỗi khi đến mùa thu, nước lụt đã rút thì nước hồ trong xanh, cùng với trời một sắc; rải các triều đều lấy hồ ấy làm nơi du ngoạn. Đang khi mù phép đầy trời, long nhan thất sắc, dầu cho có nghìn cỗ xe, muôn thớt ngựa, cũng khó bề đối phó. Mục Lang chỉ là một người kẻ chài, đối với quốc gia chưa từng được hưởng một chức quan nhỏ, một hột lương kho, mà đến khi Thiên tử lâm nạn thì hăng hái chẳng nghĩ đến mình, bắt hồ mạnh giữa sóng to, quét mù yêu ở mờ tối, khiến cho ông vua có dị tướng, dưới trán có hai chữ “thất tinh”, được dũ áo trở mặt phương nam bảy mươi năm, thì công khó của ông biết chừng nào vậy.
Lấy tư cách một kẻ giang hồ nhàn tản, sinh sống bằng nghề chài lưới, một mai từ chỗ thôn quê lên chỗ miếu đường, ông cởi tơi nón mà đội mão hiên miễn. Sống thì làm quan Thái Uý, chết thì được phong Phúc Thần, há chẳng phải rồng mây gặp hội, cá nước vầy duyên, nghìn năm một thưở, vua sáng tôi ngay hay sao? Nên chi khuất phục được con mãng xà lớn ở gốc đại thụ, sáng chầu tối nghỉ thì cũng chẳng lấy gì làm lạ vậy.
Nay miếu ở trong hạt huyện Quảng Đức, phường Võng Thị, đền thờ chính túc, đồ thờ sum nghiêm, cùng với đền Kim Ngưu phường Tây Hồ đối diện.
Triều nhà Lê vẫn để quốc tế, gần đây có Phạm Tiến Sỹ ở Đông Bình, soạn thảo lời Sắc gia phong, có câu: “Vãi lưới dày ở trong hồ, hóa hổ, kẻ gian thần nát óc. Quét mây mù ở trên đỉnh, cỡi rồng, vị thiên tử mở mày”, truyền nhau lấy làm một câu hay, nhưng đó cũng chỉ chép việc thực mà thôi.
Lê Văn Thịnh tội nên xử trảm, vua lại tha mà chỉ phạt lưu, chính hình như thế thật là lầm lỗi. Người đời sau có bài thơ rằng:
Quăng lưới rồi hay bắt hổ thần. Trong người chẳng sợ đứa gian nhân. Nghìn tầng mù đặc ngang thuyền quét; Một chú hùm yêu dọc mái vần. Tiếng sóng muôn đời hào dũng khái; Công đầu một thưở vọng minh quân. Đến nay di miếu còn oanh liệt. Hương hỏa nghìn thu thượng đẳng thần.
LỊCH ĐẠI PHỤ THẦN