Lưu Bị hỏi:
- Giao quyền là thế nào? Vì sao cần giao quyền? Trần Đăng nói:
- Cái gọi là "giao quyền" chính là một kiểu quản lý thông qua người khác để hoàn thành công việc. Vậy vì sao phải giao quyền? Bởi một người dù anh hùng tới đâu, cứ cho là có ba đầu sáu tay đi, thì cũng chỉ là một cá nhân. Hạng Võ có anh hùng không, từ đầu đến chân là anh hùng, vậy mà cuối cùng phải chết dưới tay Lưu Bang. Vì vậy, nhà quản lý giỏi và người giỏi quản lý không giống nhau. Làm một người quản lý trác việc, anh ta tất phải tăng sức mạnh cho tập thể.
Lưu Bị chợt tỉnh ngộ, gật đầu, nói:
- Giờ nghĩ lại thấy Hán Cao tổ đánh đâu thua đấy, mà càng bị vây hãm lại càng mạnh thì thật là thần kỳ. Trần Đăng nói:
- Lưu Bang thắng ở điểm nào? Tôi có một quyển Sử ký, trong đó có đoạn đối thoại giữa Lưu Bang và Hàn Tín rất sinh động, đáng để suy ngẫm.
Lưu Bị đón lấy sách, giở phần "Hoài Âm hầu liệt truyện", trong đó chép: Nhà vua hỏi:
- Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân? Tín nói:
- Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười vạn. Nhà vua hỏi:
- Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu? Tín nói:
- Thần thì càng nhiều càng tốt! Nhà vua cười:
- Càng nhiều càng tốt thì sao lại bị ta bắt? Tín nói:
- Bệ hạ không thể cầm quân, nhưng giỏi khiển tướng, vì vậy Tín mới bị bệ hạ bắt… Lưu Bị buông sách, cảm thán:
- Trước kia tôi từng đọc qua đoạn này mà không để ý. Nay mới thấy đặc biệt sâu sắc. Hoá ra Hán Cao tổ thu được thiên hạ toàn là nhờ vào hai chữ "khiển tướng "!
Trần Đăng nói:
- Hai chữ "khiển tướng", ý tứ chính là giỏi bổ nhiệm. "Biết người" là tiền đề để "dùng người", "dùng người" là mục đích của "biết người". Anh làm lãnh đạo của bọn tôi, không chỉ cần giỏi nhìn người mà còn cần giỏi dùng người. Cái gọi là giỏi dùng người, kỳ thực chính là nghệ thuật giao quyền.