- Thông tin về kết quả kiểm toán, các kết luận và các báo cáo theo Luật.
Thực trạng chất lượng kiểm toán và tiến độ thực hiện kiểm toán hiện nay của KTNN
TCKT cập nhật: 30/03/2009
Điều 13 Luật KTNN quy định “KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, “Hoạt động kiểm toán nhà nước phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”. Đứng trước những thách thức và các nhiệm vụ nặng nề như trên, đòi hỏi chất lượng kiểm toán ngày càng phải được nâng lên. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành kể từ khi Luật KTNN được thông qua, lãnh đạo KTNN đã ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo nhằm không ngừng đưa hoạt động của ngành đi vào nề nếp, thông qua đó góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán (như: Quyết định số 556/QĐ-KTNN ngày 11/7/2007 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN; Quyết định số 2/2007/QĐ-KTNN ngày 26/6/2007 ban hành Hệ thống Mẫu biểu Hồ sơ kiểm toán; Quyết định số 3/2007/QĐ-KTNN ngày 26/7/2007 ban hành Quy chế công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; Công văn số 574/KTNN-TH ngày 23/7/2007 về tăng cường kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán…), nhờ đó chất lượng kiểm toán năm 2007 ngày được nâng cao, cụ thể:
- Các đơn vị đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo có hiệu quả quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán nên nhiều kế hoạch kiểm toán có chất lượng tốt, bám sát được mục tiêu kiểm toán năm, thể hiện khá rõ nét việc đổi mới cách thức tổ chức kiểm toán, phương pháp kiểm toán, coi trọng và dành nhiều thời gian cho kiểm toán tổng hợp, mở rộng mẫu kiểm toán, tập trung nhiều hơn đến những vấn đề quản lý vĩ mô, cơ chế chính sách…
- Hội đồng cấp Vụ bước đầu phát huy tác dụng nên chất lượng kiểm tra, soát xét báo cáo kiểm toán trước khi phát hành có sự chuyển biến mạnh, giảm thiểu sai sót, góp phần đẩy nhanh tiến độ phát hành (tính đến 29/2/2008, số lượng các báo cáo kiểm toán đã phát hành bình quân là 68 ngày, giảm 9 ngày so với năm 2006)
- Đã phát hiện kiến nghị xử lý về tài chính trên 11.000 tỷ đồng trong đó tăng thu NSNN trên 2.700 tỷ đồng; giảm chi NSNN trên 1.600 tỷ đồng…
Mặc dù chất lượng kiểm toán đã được nâng lên rõ rệt, đóng góp tích cực vào việc tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, minh bạch hóa nền tài chính quốc gia, song so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao, nhất là trong điều kiện thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Luật KTNN, Luật Phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chất lượng kiểm toán của KTNN vẫn còn nhiều hạn chế, được thể hiện qua một số nội dung sau:
(1) Khá nhiều kế hoạch kiểm toán tổng quát, chất lượng chưa cao và còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng kiểm toán của KTNN.
(2) Báo cáo kiểm toán còn một số hạn chế so với yêu cầu và mục tiêu kiểm toán đã đề ra, cụ thể:
- Về nội dung báo cáo: các báo cáo kiểm toán chưa đưa ra được ý kiến đánh giá rõ ràng và toàn diện về tính trung thực, hợp lý của các số liệu quyết toán của đơn vị được kiểm toán; Nhiều báo cáo kiểm toán viết còn mang tính liệt kê, mô tả công việc của đơn vị phải làm hoặc mô tả số báo cáo của đơn vị; một số báo cáo còn đưa ra những kết luật thiếu bằng chứng thuyết phục…; Chưa thực sự phát huy được vài trò là công cụ mạnh của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát các nguồn lực tài chính nhà nước và trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí… - Về trình bày báo cáo: Nhiều báo cáo kiểm toán trình bày dài dòng, liệt kê quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách của đơn vị, không có ý kiến đánh giá nhận xét của đoàn kiểm toán…;
(3) Quy mô hoạt động kiểm toán của KTNN còn rất hạn chế so với yêu cầu phải được kiểm toán hàng năm đối với các cơ quan đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước là rất lớn, nhất là lĩnh vực kiểm toán ngân sách do đó phầnnào dh tới chất lượng hoạt động của KTNN nói chung và chất lượng kiểm toán nói riêng…; (4) Việc triển khai kiểm tra và tổng hợp kết quả thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán còn chậm.
(5) Hoạt động kiểm toán chuyên đề mới bắt đầu tiếp cận và triển khai ở quy mô nhỏ (nằm 2006 và 2007 mỗi năm mới triển khai được 1 cuộc, năm 2008 theo kế hoạch thực hiện 2 cuộc), vì vậy chưa có điều kiện đi sâu, giải đáp các vấn đề bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội về những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, và tìa sản nhà nước, nhất vấn đề thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng…
(6) Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các Đoàn kiểm toán về thực hiện quy chế, quy trình…của KTNN, nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán chưa được thường xuyên, liên tục, chưa tập trung vào các sản phẩm do KTV tạo ra (như các bằng chứng kiểm toán, biên bản xác nhận số liệu kiểm toán, biên bản kiểm toán…), mà chủ yếu vẫn là kiểm soát việc tuân thủ về hồ sơ mẫu biểu kiểm toán…
Tiến độ thực hiện kiểm toán hiện nay của Kiểm toán nhà nước
Qua kết quả tổng hợp tiến độ kiểm toán năm 2007 cho thấy thời gian phát hành bình quân 1 cuộc kiểm toán là 68 ngày, quá 23 ngày so với Luật KTNN. Nguyên nhân của những tồn tại trên gồm:
- Nguyên nhân khách quan: một số báo cáo thực hiện không đảm bảo đúng tiến độ quy định của Luật KTNN do còn nhiều văn bản hướng dẫn của các ngành còn chưa cụ thể, rõ ràng nên trong quá trình kiểm toán không có sự thống nhất giữa Đoàn Kiểm toán với đơn vị được kiểm toán dẫn đến cần phải trưng cầu ý kiến của các chuyên gia thuộc các Bộ, ngành có liên quan để đưa ra kết luận, kiến nghị cuối cùng.
- Nguyên nhân chủ quan:
(1) Sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, công tác tổng hợp lập báo cáo kiểm toán của các đơn vị còn chậm, bình quân toàn ngành là 21 ngày (chậm 01 ngày so với Luật);
(2) Báo cáo kiểm toán đã hoàn thành dự thảo, đã được Lãnh đạo KTNN xét duyệt theo đúng quy định của Luật KTNN (bình quân là 8,7 ngày, giảm 1,3 ngày so với quy định của Luật KTNN), song việc hòan thiện cuối cùng để trình phát hành còn bị kéo dài (thời gian trình phát hành bình quân của 1 báo cáo sau khi đã được xét duyệt lên tới trên 30 ngày), bình quân trình phát hành (kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị) của toàn ngành trên 56 ngày. (3) Việc hoàn thiện cuối cùng để trình phát hành, còn khá nhiều đơn vị chưa quan tâm đúng mức, nên vẫn còn quá nhiều sai sót cần phải chỉnh sửa dẫn đến việc trình Lãnh đạo KTNN xem xét, ký phát hành còn mất nhiều thời gian.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán và tiến độ thực hiện kiểm toán hiện nay của KTNN.
Nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của Luật KTNN, Luật Phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, KTNN cần tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm sau:
Nhiệm vụ trước mắt:
+ Năm 2008 cần tiếp tục chú trọng đổi mới cách thức kiểm toán, nhất là công tác thu thập, trao đổi thông tin, tổ chức kiểm toán, phương pháp kiểm toán, tập trung nhân lực và dành nhiều thời gian cho công tác kiểm toán tổng hợp, phấn đấu rút ngắn thời gian kiểm toán và đẩy nhanh tiến độ phát hành báo cáo kiểm toán theo đúng thời gian quy định của Luật KTNN. Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm của các Trưởng đoàn kiểm toán (kể cả các thành viên có liên quan), đến việc kiểm toán không đúng mục tiêu, phạm vi kiểm toán…từng bước gắn công tác này với việc bình xét thi đua khen thưởng, công tác tổ chức cán bộ…
+ Xác định trọng tâm công tác kiểm toán là đưa ra được ý kiến đánh giá rõ ràng và toàn diện về tính trung thực, hợp lý của các số liệu quyết toán của đơn vị được kiểm toán đã xác định trong kế hoạch kiểm toán được duyệt… + Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của KTV. Chú trọng tự kiểm soát của các KTNN chuyên ngành và khu vực theo chức trách, nhiệm vụ của Kiểm toán trưởng, Trưởng, Phó đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán…
Nhiệm vụ lâu dài:
+ Từng bước đa dạng hóa các loại hình kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước. Hoàn thiện công tác kiểm toán báo cáo tài chính, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, cung cấp dữ liệu tin cậy cho Chính phủ trong công tác điều hành, Quốc hội và HĐND các cấp trong xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách và công tác giám sát;
+ Tiêu chuẩn hóa, chính quy hóa và chuyên nghiệp hóa để nâng cao chất lượng công tác kiểm toán. Xây dựng, ban hành và áp dụng hệ thống chuẩn mực, quy trình kiểm toán, quy chế, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ…; tạo dựng niềm tin của công chúng và xã hội đối với hoạt động kiểm toán...;
+ Hiện đại hóa tổ chức và hoạt động kiểm toán. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ và phương pháp kiểm toán tiên tiến vào hoạt động của KTNN…;
+ Tăng cường phân công, phân cấp cho các đơn vị tham mưu và các KTNN chuyên ngành khu vực trong công tác kiểm toán. Phân cấp quản lý phải thực hiện theo nguyên tắc gắn chế độ trách nhiệm với quyền hạn được giao theo từng chức trách quản lý và nhiệm vụ cụ thể, tránh chung chung, đùn đẩy khi cần xem xét và quy kết trách nhiệm
Về tổ chức bộ máy:
Tăng cường năng lực, củng cố và phát triển theo hướng chuyên môn hóa theo chức năng, nhiệm vụ được giao cho các đơn vị; bổ sung thêm nhân sự để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu kiểm toán NSĐP.
Về công tác tổ chức và cán bộ:
Cần có quy chế tôn vinh những người có công, thu hút người tài; bố trí, sử dụng đúng những người có năng lực; khuyến khích những người năng động, sáng tạo, có sáng kiến, có ý tưởng mới trong công tác. Mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Đổi mới, triển khai đồng bộ các khâu: đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Xây dựng quy trình và quy chế luân chuyển cán bộ trong từng đơn vị và trong toàn ngành…
Vũ Văn Họa (Tạp chí Kiểm toán) Tapchiketoan.com
http://www.tapchiketoan.com/kiem-toan/kiem-toan-nha-nuoc/thuc-trang-chat-luong-kiem-toan-va-tien-do-thuc-hien-kiem-toan-hien-nay-cua-3.html toan-va-tien-do-thuc-hien-kiem-toan-hien-nay-cua-3.html