Từ các kết quả thu được trên đây, có thể đi đến những nhận xét sau: Với cùng tỷ lệ dung môi/nguyên liệu như nhau là 30/1 (v/w) thì:
- Phương pháp ngâm chiết tốn nhiều thời gian (12 h nếu chiết 3 lần) nhưng hiệu suất chiết không cao (72,5%). Tuy nhiên, phương pháp này không cần đầu tư trang thiết bị nên có thể áp dụng ở các cơ sở sản xuất nhỏ.
- Phương pháp siêu âm rút ngắn thời gian chiết đáng kể (60 phút cho 3 lần chiết) nhưng vẫn đạt hiệu suất chiết rất cao (96,8%). Phương pháp này đòi hỏi đầu tư thiết bị siêu âm và chi phí điện năng do đó chỉ áp dụng ở trong phòng thí nghiệm hay các cơ sở sản xuất hiện đại.
Tuy nhiên, cả 2 phương pháp chiết nói trên đều là phương pháp chiết gián đoạn, các công đoạn tách chiết phải thực hiện thủ công do đó ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người lao động và môi trường, yêu cầu chi phí nhân công cao.
- Phương pháp chiết bằng Soxhlet có nhiều ưu điểm: đây là phương pháp chiết liên tục, tự động hóa, ít ảnh hưởng sức khỏe người lao động và môi trường, đồng thời cho hiệu suất chiết cao nhất, kinh tế nhất.
Nhược điểm của phương pháp này yêu cầu thời gian chiết dài hơn phương pháp siêu âm (4 h so với 60 phút). Phương pháp này cũng đòi hỏi đầu tư thiết bị và chi phí điện năng nên chỉ thích hợp với các cơ sở sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, những nhược điểm này có thể được bù trừ bởi những ưu điểm rất lớn của phương pháp chiết này.
Kết luận: Từ các phân tích trên đây, chúng tôi chọn phương pháp Soxhlet để chiết carotenoit từ ớt bột nguyên liệu.