CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU HÀNG THỦY SẢN CỦA VIỆT NAM VÀO THỊ
2.3.2. Những khó khăn và thách thức
Là một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới, thu hút sự quan tâm của cả thế giới nên cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng vô cùng gay gắt và quyết liệt. Việt Nam mới chỉ thực sự thâm nhập thị trường Hoa Kỳ kể từ năm 2002 sau khi BTA có hiệu lực, trong khi các đối thủ cạnh tranh của ta đã có hệ thống bạn hàng nhập khẩu và phân phối tại thị trường này từ rất lâu. Đây cũng chính là thách thức lớn của Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường Hoa Kỳ.
Thuỷ sản chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chưa nhiều, chủ yếu mới xuất khẩu dưới dạng sơ chế cho nên trị giá xuất khẩu thấp. Nguyên nhân là do các cơ sở thuỷ sản Việt Nam chưa hiểu hết được nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ, chưa có sự hợp tác đầu tư với đối tác Hoa Kỳ về công nghệ chế biến thuỷ sản ở Việt Nam như chúng ta đã làm với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Các biện pháp bảo hộ sản xuất nội địa của Hoa Kỳ đang có chiều hướng gia tăng. Hàng thuỷ sản của Việt Nam cũng đang vấp phải sự cản trở của những chính sách bảo hộ này. Cá tra và cá ba sa đang phải chịu thuế chống bán phá giá từ 37% đến 64%. Tôm đông lạnh và đóng hộp cũng đang chịu sự áp đặt thuế chống bán phá giá.
Do mới có quan hệ kinh doanh với các doanh nghịêp Hoa Kỳ nên các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thường yêu cầu thanh toán theo phương thức L/C at sight không huỷ ngang. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ hoặc do không quen với phương thức thanh toán này hoặc muốn các
phương thức thanh toán khác (D/A, D/P…) thuận lợi, đỡ tốn kém và ít rủi ro hơn cho họ. Vì theo phương thức L/C at sight, người nhập khẩu thường phải thanh toán tiền hàng trước khi hàng đến, trong khi đó hàng thực phẩm phải được FDA kiểm tra trước khi cho phép nhập vào thị trường. Do vậy, người nhập khẩu rất ngại thanh toán bằng L/C at sight vì sợ không đòi lại được tiền hàng trong trường hợp hàng không được FDA cho phép nhập khẩu.
Hoa Kỳ là nước có hệ thống luật pháp chặt chẽ, đồ sộ và phức tạp bậc nhất thế giới. Ngoài luật pháp Liên bang còn có hệ thống luật pháp của các bang. Vì vậy, quan hệ thương mại thường xuyên phải gắn với tư vấn pháp lý.
Hoạt động thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp còn thụ động và chưa đa dạng, hầu hết xuất khẩu qua trung gian, chưa xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Mỹ, chưa thiết lập được hệ thống phân phối thuỷ sản trên thị trường Mỹ.
Hoạt động xúc tiến xuất khẩu : chưa có kế hoạch và chương trình tổng thể để xúc tiến hàng thuỷ sản Việt nam trên thị trường Mỹ, mặc dù đã tiến hành một số hoạt động xúc tiến như việc tham gia hội chợ thương mại và cử các đoàn đi khảo sát ở nước ngoài nhưng nhìn chung chưa thể coi đó là một hoạt động xúc tiến xuất khẩu thực sự.
Ngành thuỷ sản Việt nam chưa làm tốt công tác xúc tiến thương mại vào thị trường Mỹ cụ thể là mới chỉ thực hiện được kênh thông tin cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý, còn kênh thông tin rất quan trọng là thông tin cho
người tiêu dùng ở Mỹ thì chưa biết làm và chưa có cơ chế để huy động nguồn lực thực hiện.