Tính đến 31/12/2007 Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 đã huy động vốn theo phương thức này được 14.345.384.060 VNĐ trong đó:
+ Vay từ quỹ tiết kiệm gia đình: 4.835.874.346 VNĐ
+ Vay từ tiết kiệm trong sản xuất: 9.509.509.714 VNĐ
Trong thời gian tới khả năng huy động vốn dưới hình thức này tại Công ty rất có triển vọng, Công ty cần chú trọng huy động tối đa. Theo tính toán của Công ty và dựa vào tình hình thu nhập thực tế tại một số Công ty Xây lắp điện trong nước thì Công ty có thể huy động số vốn từ quỹ tiết kiệm gia đình của mỗi CB-CNV khoảng 8.000.000 VNĐ và với số lượng 1.300 CB-CNV, số vốn Công ty có khả năng huy động được vào khoàng 10.400.000.000 VNĐ. Đến ngày 31/12/2007 Công ty đã huy động được từ quỹ tiết kiệm gia đình của CB-CNV số tiền là: 4.835.874.346 VNĐ. Trong thời gian tới Công ty có thể huy động thêm được khoảng: 5.564.125.654 VNĐ để sử dụng cho hoạt động đầu tư. Khả năng huy động vốn trong sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào quy mô sản xuất của Công ty trong thời gian tới. Muốn tăng khả năng huy động từ nguồn vốn này thì Công ty phải đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, ký thêm nhiều hợp đồng sản xuất cũng như xây lắp. Theo tính toán dựa trên tình hình sản xuất thực tế tại Công ty thời gian qua, khoản vốn huy động từ tiền tiết kiệm hàng năm đạt khoảng 0,7-0,8 % doanh thu thuần đạt được trong kỳ. Nếu dựa trên thống kê này thì dự kiến năm 2008 doanh thu thuần đạt khoảng 600 tỷ, do đó số vốn từ tiền tiết kiệm trong sản xuất ước tính đạt khoảng 4.800.000.000 VNĐ
Tổng khả năng huy động từ CB-CNV trong Công ty vào khoảng 10.364.125.654 VNĐ. Để thực hiện giải pháp này Công ty nên thực hiện các giải pháp sau:
Biện pháp 1: Tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty ít nhất cũng đạt quy mô doanh thu và mức doanh lợi như năm 2007. Tăng cường mở rộng quan hệ với các đối tác trong nước cũng như nước ngoài, tạo khả năng ký kết nhiều hơn các hợp đồng.Mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm trong nước, tăng cường công tác giới thiệu sản phẩm, khuyến mãi, tiếp thị… từng bước chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất cột thép mạ kẽm và đường dây truyền tải điện. Biện pháp này nếu được thực hiện sẽ đẩy mạnh khối lượng sản phẩm tiêu thụ của Công ty, tác động trực tiếp đến khối lượng sản phẩm sản xuất ra, góp phần tăng khả năng huy động vốn từ tiền tiết kiệm trong sản xuất.
Biện pháp 2: Ban hành quy chế ưu đãi chính thức đối với CB-CNV (những người cho Công ty vay vốn). Trong trường hợp này Công ty sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người cho vay vốn có quyền rút vốn ra sau một thời gian nhất định hoặc chuyển nó thành cổ phiếu hoặc trái phiếu (khi Công ty thực hiện phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu để huy động vốn). Mặt khác Công ty nên xác định mức lãi suất huy động vốn từ vay tiết kiệm cho phù hợp với tình hình thực tế trên thị trường, trong trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh tương đương hoặc cao hơn lãi suất vay dài hạn của Công ty tại các ngân hàng. Công ty phải thực sự coi lãi suất chính là đồn bẩy đối với việc vay vốn từ CB-CNV trong Công ty, ngoài ra có thể điều chỉnh tăng lãi suất khi dự án đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn dự kiến hoặc đầu tư mở rộng các công trình phúc lợi, thực hiện chế độ khen thưởng nhằm tạo ra những tác động tích cực tới tâm lý của người cho vay.
Việc huy động vốn theo phương thức này có khả năng huy động được nguồn vốn lớn đảm bảo cho hoạt động đầu tư đổi mới, hơn nữa thời gian vay vốn lại dài, huy động đơn giản, thuận tiện hơn so với vay vốn ngân hàng, nó còn có tác động tích cực tới thái độ làm việc cũng như ý thức của CB-CNV vì sự phát triển chung của tập thể. Việc huy động nguồn vốn này chắc chắn sẽ gặp phải một số khó khăn nhưng Công ty hoàn toàn có khả năng vượt qua.