Về chính sách pháp luật

Một phần của tài liệu hoàn thiện môi trường vĩ mô nhằm nâng cao khả nămg cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Việt Nam (Trang 50 - 55)

IV. Chính sách kinh tế đối ngoạ

A. Về chính sách pháp luật

1) Hoàn thiện và ổn định hệ thống pháp luật

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật nước ta đã không ngừng được xây dựng và hoàn thiện. Sự phát triển này đã tác động tích cực tới nhiều mặt và lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó nổi bật là thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, qua thực tế có thể thấy luật pháp nước ta chưa mang tính hệ thống, chưa bảo đảm tính nhất quán theo yêu cầu của quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Một số luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp không rõ ràng và thường xuyên thay đổi, cũng như tình trạng quan liêu nặng nề và thủ tục hành chính rườm rà đã làm tăng thêm sự rủi ro và chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh không thuận lợi. Để giải quyết thực trạng trên, đòi hỏi nước ta cần sớm hoàn thiện và ổn định khuôn khổ pháp luật cho sự phát triển của kinh tế tư nhân nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Các biện pháp cụ thể cần thiết gồm:

− Tiến hành rà soát, kiểm tra hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành để bãi bỏ, sửa đổi lại các văn bản, quy định trái với nhau và không phù hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế.

− Hiện nay, luật Đầu tư trong nước và luật Doanh nghiệp là nền tảng pháp lý cơ bản cho “sân chơi” bình đẳng của các thành phần kinh tế. Do đó cần nhanh chóng ban hành đủ các văn bản thi hành hai luật này. Thẩm định về tính phù hợp với hai luật của tất cả các văn bản liên quan, sửa đổi lại các văn bản quy định trái với hai luật này. Kể từ khi luật Doanh nghiệp ban hành, hiện tượng một số văn bản của các Bộ, nghành, địa phương cản trở các quy định thông thoáng của luật Doanh nghiệp có xu hướng gia tăng. Vấn đề này đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Tổ công

tác thi hành Luật Doanh nghiệp của Chính phủ. Do đó, việc cần thực hiện ngay là phải có một cơ quan đủ thẩm quyền để thẩm định các văn bản của các Bộ, ngành, địa phương làm sao để các văn bản pháp quy của Chính phủ trước khi ban hành được cơ quan này xem xét, các dự thảo văn bản được đưa ra lấy ý kiến của các bên liên quan.

− Các trình tự làm luật và các thể chế cần được phối hợp và tăng cường. Các hoạt động cần được ưu tiên gồm: Thể chể hoá cơ chế và các kỳ tham khảo ý kiến; cải tiến các thủ tục soạn thảo và đánh giá luật; hệ thống hoá những thay đổi trong một cuốn sách hướng dẫn; yêu cầu tất cả các văn bản pháp luật mới phải tham khảo đầy đủ các văn bản hiện hành. Đào tạo và nâng cao trình độ cho các nhà làm luật, đặc biệt là các nhà lập pháp Quốc hội về các văn bản luật quốc tế.

2) Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật

Trong thời gian qua, pháp luật nói chung và pháp luật về doanh nghiệp nói riêng ở nước ta chưa phát huy hết tác dụng và đi vào cuộc sống, một phần là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, một phần quan trọng nữa là hiệu lực thực thi pháp luật ở nước ta còn kém. Để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật ở nước ta trong thời gian tới cần:

− Bảo đảm sự độc lập tuyệt đối của các toà án và luật sư hành nghề, nâng cao thẩm quyền và uy tín của toà án và luật sư, cải thiện thủ tục trọng tài và xét xử.

− Giáo dục, đào tạo và đào tạo lại chuyên môn pháp luật. Một yêu cầu vô cùng quan trọng là cần có một đội ngũ các thẩm phán, kiểm soát viên, nhân viên thi hành án, cán bộ nghành công an được đào tạo tốt. Các hoạt động bao gồm: Sửa đổi các chương trình và phương pháp giảng dạy luật cơ bản, làm cho nó phù hợp với những thách thức mới trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Xây dựng các cơ sở đào tạo và phương pháp giảng dạy phù hợp cho tất cả các nhân viên hoạt động trong lĩnh vực pháp luật.

− Thực tế sau hai năm thi hành Luật Doanh nghiệp cho thấy, việc thực hiện Luật phụ thuộc rất lớn vào sự nhận thức, sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương. Vì vậy chúng ta cần khẳng định việc tiếp tục thực hiện đầy đủ nội dung của Luật Doanh nghiệp, cũng như Luật Đầu tư trong nước là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Các cán bộ chủ chốt ở từ cấp quận (huyện) trở lên đều phải tham gia tập huấn, nghiên cứu, hiểu đầy đủ và đúng nội dung của các Luật.

− Các địa phương cần xây dựng chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa phương mình, nghiên cứu và phát hiện những rào cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết một cách kịp thời và trong thời hạn nhanh nhất các vướng mắc của doanh nghiệp.

− Xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ vi phạm Luật hoặc gây khó khăn phiền hà, không giải quyết vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp. Đồng thời xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp cố ý làm trái hay không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cần tổ chức thêm các hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật đến các nhà đầu tư tiềm năng, các doanh nghiệp và mọi người dân.

3) Xây dựng hành lang pháp lý về cạnh tranh và chống độc quyền

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra một khung pháp lý bảo vệ sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, song cơ chế cạnh tranh gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình vận hành ở nước ta hiện nay.

Do những quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến cạnh tranh chưa hoàn chỉnh, ý thức chấp hành luật pháp chưa cao nên còn tồn tại nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Tư tưởng không ủng hộ kinh tế tư nhân dẫn tới hành vi phân biệt đối xử không chỉ tồn tại ở những hành vi thực tế mà còn nằm ngay trong quá trình hoạch định chính sách, trong nội dung những quy định pháp lý trên nhiều lĩnh vực như việc gia nhập và rút khỏi thị trường, tiếp cận nguồn vốn, đất đai, thuế, xuất nhập khẩu...

Vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước bị nhầm lẫn với độc quyền kinh doanh của một số DNNN, nhiều DNNN được thiên vị và duy trì bằng những chính sách bảo hộ, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh trạnh giữa các doanh nghiệp.

Để giải quyết tình trạng trên, trong thời gian tới cần tập trung vào những biện pháp sau:

− Thống nhất quan điểm, đánh giá về vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế, xoá bỏ tư tưởng phân biệt trong quản lý kinh doanh.

− Chính phủ sớm ra nghị quyết về khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng chính sách cạnh tranh nói chung và Luật Cạnh tranh nói riêng trong thời gian tới.

− Xác định rõ ràng vai trò chủ đạo của DNNN, trên cơ sở đó hạn chế bớt số lượng các lĩnh vực DNNN độc quyền kinh doanh và đẩy nhanh qúa trình cổ phần hoá các DNNN.

− Tiến hành tuyên truyền, nhận thức đúng đắn về cạnh tranh trên các phương tiện thông tin nhằm thúc đẩy tinh thần cạnh tranh lành mạnh.

B. Về chính sách tín dụng

1) Về phía ngân hàng

− Các ngân hàng cần phải thay đổi quan niệm khi coi thế chấp là điều kiện tiên quyết để cấp tín dụng. Yêu cầu 30% vốn pháp định là điều kiện cần được loại bỏ cùng với sự kiểm soát chặt chẽ tỉ lệ nợ quá hạn đối với các doanh nghiệp. Điều kiện quan trọng nhất để cấp tín dụng phải là dự án mang tính khả thi và có khả năng sinh lợi cao. Thực tế cho thấy rằng chính vì các ngân hàng coi thế chấp là điều kiện tiên quyết nên hàng nghìn tỷ đồng bị ứ đọng trong hệ thống các ngân hàng. Đây là sự lãng phí rất lớn đối với đất nước, thiệt hại lớn đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp.

− Cải tổ triệt để thủ tục hoạt động của ngân hàng, giảm bớt các khâu, các thủ tục hành chính rườm rà nhất là thủ tục cho vay, khuyến khích doanh nghiệp tìm đến với ngân hàng như là kênh huy động vốn tiện lợi và có hiệu quả nhất.

− Một biện pháp nữa cũng cần được áp dụng đó là thiết lập khả năng vốn tín dụng chính thức cho các ngân hàng để giải quyết vấn đề nợ khó đòi. Các ngân hàng thương mại cần thiết lập công ty kinh doanh phụ trách về số tài sản bị tịch biên do nợ quá hạn không có khả năng thanh toán. Bên cạnh đó cũng cần phải thiết lập mối quan hệ liên ngân hàng giữa các ngân hàng thương mại với vai trò là người cung cấp tài chính và các công cụ phi tài chính khác để nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

2) Về phía Nhà nước

− Nhà nước nên thành lập một cơ quan chịu thách nhiệm về việc xem xét, đánh giá lại tất cả các văn bản luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đang được áp dụng để tìm ra những mâu thuẫn, xung đột giữa chúng. Quốc hội trên cơ sở những vướng mắc còn tồn tại mà sau đó sửa đổi hoặc bổ xung hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Có như vậy sẽ tránh được tình trạng cùng một chủ thể, một trường hợp lại bị điều chỉnh bởi nhiều luật.

− Khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành để có khuôn khổ pháp lý cần thiết cho việc thực hiện tốt luật ngân hàng và luật tổ chức tín dụng bảo đảm cho hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả, năng động, an toàn. Việc ban hành hệ thống văn bản pháp luật phải tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, đồng bộ và linh hoạt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường.

Một phần của tài liệu hoàn thiện môi trường vĩ mô nhằm nâng cao khả nămg cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Việt Nam (Trang 50 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w