II. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUỸ TIỀN LƯƠNG Ở CÔNG TY
1. Về kế hoạch quỹ tiền lương:
Công tác lập kế hoạch quỹ tiền lương rất quan trọng trong việc thực hiện quỹ tiền lương hằng năm của công ty, công tác lập kế hoạch tốt thì quá trình thực hiện sẽ tốt hơn. Việc xây dựng kế hoạch quỹ tiền lương phải căn cứ vào tổ chức lực lượng lao động. Trong năm 2005, công tác tiền lương của toàn công ty đã đi vào ổn định, thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 1.900.000 đến 2.100.000 đ/tháng, đạt 100% kế hoạch. Tổng quỹ lương toàn công ty năm 2005 là 36,5 tỷ đồng. Việc triển khai quy chế lương mới tại công ty là một bước chuyển biến tích cực trong công tác chi
trả lương cho người lao động, nhằm đánh giá đúng năng lực đóng góp của từng CBCNV, người lao động. Chế độ thanh toán lương: toàn công ty đã thanh toán trước tết năm 2005 âm lịch. Chế độ thưởng: Duy trì thực hiện chế độ thưởng theo năng suất, quy chế đối với người lao động trong các ngày lễ, tết (tết nguyên đán, 30/4, 1/5, 2/9). Chế độ nâng lương, nâng bậc cho người lao động được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ từ cơ sở. Tổng hợp đề nghị nâng lương, nâng bậc, chuyển loại cho QNCN, CNVQP và HĐLĐ không xác định thời hạn.
Để làm tốt kế hoạch tiền lương thì công ty phải làm tốt công tác kế hoạch lao động. Với số lượng lao động năm 2005 là 2.100 người thì công ty đã tổ chức trả lương theo cơ cấu tổ chức gồm Ban GĐ, khối văn phòng và khối các đơn vị thành viên và có một số ưu đãi cho quân nhân Quốc phòng. Thực tế công ty đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn tồn tại một số khuyết điểm như: phân bố lao động chưa hợp lý và thống nhất dẫn đến công tác trả lương chậm hơn; một số công trình không hoàn thành đúng tiến độ như công trình Khe Diên, công trình OCEN VIEW đã không thu hồi vốn theo kế hoạch dẫn đến công tác tiền lương cũng không được thực hiện đúng kế hoạch…Do vậy công ty phải thực hiện tốt công tác tổ chức lao động và từ đó xây dựng tốt kế hoạch quỹ tiền lương.
Công ty lập kế hoạch quỹ tiền lương theo 2 cách:
Phương pháp tính theo thang bảng lương của Nhà nước quy định để tính BHXH, BHYT cho CNCNV, người lao động. Phương pháp thứ 2 là dựa vào chỉ tiêu lao động, chỉ tiêu tiền lương bình quân và số ngày công thực tế trả lương để tính lương cho người lao động và mỗi tháng CBCNV và người lao động được trả lương theo cách này.
Phương pháp thứ nhất thì dễ dàng được thực hiện, vì chỉ dựa vào thang, bảng lương của Nhà nước quy định cho từng đối tượng lao động. Vì
vậy nó đảm bảo tính chính xác, và giúp cho việc quản lý và hạch toán tiền lương được chặt chẽ, cụ thể, đảm bảo tính công bằng.
Còn tính theo phương pháp 2 thì công ty phải chú ý những điều sau: - Xác định chỉ tiêu lao động theo kế hoạch: mặc dù chỉ tiêu lao động và mức tiền lương đều do phòng tổ chức lao động- tiền lương đảm nhiệm, hai chỉ tiêu này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, muốn cho kế hoạch tiền lương được chính xác thì bộ phận tiền lương phải nghiên cứu và tham khảo các định mức mới, tiến bộ, để xác định và tham gia ý kiến để nâng cao chất lượng của chỉ tiêu lao động và công tác tiền lương.
- Xác định chỉ tiêu lương bình quân: phải xác định tiền lương bình quân chính xác vì kế hoạch quỹ tiền lương chịu ảnh hưởng nhiều ở điểm này theo công thức: Vkh = Vbq x To
Trong đó: Vbq = Vobq x Io
Vbq, Vobq: tiền lương bình quân kỳ báo cáo, kế hoạch. To: số lượng lao động bình quân kỳ kế hoạch. Io: chỉ số tăng tiền lương bình quân kỳ kế hoạch.
- Xác định tiền lương bình quân tổng ngạch của thời kỳ kế hoạch và cân đối với tốc độ tăng năng suất lao động theo nguyên tắc “ tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương”. Khi đối chiếu cần xem xét những yếu tố nào chỉ ảnh hưởng đến tăng năng suất lao động mà không làm tăng tiền lương, trên cơ sở đó xác định quan hệ tỷ lệ thích đáng giữa tốc độ tăng năng suất lao động và tăng lương.