MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG TSCĐ TẠI CÔNG TY CỎ PHẦN XÂY LẮP DIỆN
DỤNG TÀI SẢN CỐ ĐỊNH CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ VÀ CÔNG NHÂN TRỰC TIẾP SẢN XUẤT.
TRỰC TIẾP SẢN XUẤT.
III.1.1. Cơ sở lý luận và Căn cứ thực tiễn.
Tài sản cố định là cơ sở vật chất kỹ thuật của doanh nghiệp, chúng được con người sử dụng để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù trong thời đại ngày nay, các phương tiện này đã được tự động hoá cao, song yêu cầu về vai trò của con người trong việc quản lý và vận hành không những không giảm đi mà ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn về trình độ đối với cả nhà quản lý lẫn công nhân trực tiếp sản xuất.
Nếu phương tiện sản xuất được coi là phần cứng trong quá trình sản xuất thì những tác động của con người chính là phần mềm mà nếu thiếu yếu tố này, các phương tiện sản xuất sẽ mất hết giá trị cũng như giá trị sử dụng. Điều này chứng tỏ rằng trình độ quản lý và sử dụng của con người là nhân tố chủ quan quyết định hiệu quả sử dụng TSCĐ. Vì vậy, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý và công nhân trực tiếp sản xuất là việc làm hết sức cần thiết nhằm tăng cường năng lực sản xuất của TSCĐ, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng TSCĐ trong doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, công ty đã tập trung đầu tư mua sắm, đổi mới máy móc trang thiết bị công nghệ hiện đại, công suất lớn. Để khai thác năng lực của những máy móc thiết bị này một cách có hiệu quả đòi hỏi các nhà quản lý và công nhân trực tiếp sản xuất phải thường xuyên cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật và quản lý, làm chủ công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của toàn đơn vị.
Do cơ cấu và trình độ đội ngũ lao động của công ty thường xuyên thay đổi, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nói chung và quản lý TSCĐ nói riêng. Cũng do số lượng công nhân sản xuất trực tiếp gồm nhiều lao động thời
vụ nên trình độ sử dụng máy móc, thiết bị của công nhân rất yếu dựa vào kinh nghiệm và hướng dẫn, ít được đào tạo cơ bản nên khả năng làm chủ công nghệ là chưa cao và việc phát huy sáng kiến cải tiến công nghệ còn rất thấp. Vì vậy, việc tìm ra phương thức đào tạo phù hợp cho công nhân trực tiếp sản xuất nhằm vừa nâng cao trình độ sử dụng máy móc trang thiết bị, đồng thời duy trì mức chi phí đào tạo hợp lý là vấn đề cần thiết đối với công ty hiện nay.
Bên cạnh đó, với khối lượng chủng loại và giá trị TSCĐ không ngừng tăng lên qua các năm, công tác quản lý ngày càng phức tạp đòi hỏi trình độ quản lý ngày càng cao. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cho bộ phận quản lý phải được chú trọng thực hiện một cách thường xuyên nhằm phát huy năng lực của TSCĐ một cách cao nhất.
III.1.2 Mục đích của giải pháp
Với khối lượng chủng loại và giá trị TSCĐ không ngừng tăng lên qua các năm, công tác quản lý ngày càng phức tạp đòi hỏi trình độ quản lý ngày càng cao. Nâng cao trình độ nhận thức về máy móc thiết bị đối với lao động có tính chất thời vụ. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cho bộ phận quản lý phải được chú trọng thực hiện một cách thường xuyên nhằm phát huy hiệu quả sử dụng TSCĐ một cách cao nhất, phát huy quyền chủ động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
III.1.3 Phương thức tiến hành.
- Đối với cán bộ quản lý:
+ Cần làm tốt ngày từ công tác tuyển chọn, cất nhắc cán bộ quản lý với tiêu chuẩn cán bộ cấp phòng, ban có trình độ đại học còn cán bộ quản lý cấp phân xưởng, đội thi công phải từ trung cấp trở lên.
+ Tiếp tục đào tạo theo các hình thức tự đào tạo hoặc gửi đi học tại các trường lớp về quản lý kết hợp với việc đào tạo lại cho cán bộ quản lý cấp phòng ban, phân xưởng và các đội. Đối với các cán bộ quản lý kỹ thuật hiện đang phụ trách hệ thống máy móc thiết bị, cần được đào tạo nâng cao, bổ túc kiến thức thường xuyên về đặc tính kỹ thuật và những tiến bộ khoa học mới được áp dụng vào máy móc thiết bị.
+ Mỗi năm cần tổ chức ít nhất một khoá đào tạo ngắn hạn khoảng 7 đến 10 ngày về quản lý cho các cán bộ quản lý là trưởng, phó các phòng ban, phân
xưởng và các đội bằng cách thuê giáo viên các trường Đại học về giảng dạy nhằm bổ xung những kiến thức mới về quản lý, đặc biệt là lĩnh vực quản lý TSCĐ. Sau đó, mỗi phòng, mỗi phân xưởng sẽ có trách nhiệm truyền bá, bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý thuộc bổn phận của mình. Kinh phí cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý theo phương thức gửi đi học tại các trường , lớp do cá nhân người đi học tự lo (công ty có thể hỗ trợ một phần hoặc tạo điều kiện về mặt thời gian cho cá nhân đi học), còn kinh phí cho các khoá đào tạo ngắn hạn tại công ty do công ty chi trả hoàn toàn.
+ Riêng đối với các cán bộ thuộc bộ phận quản lý TSCĐ, hàng năm công ty cần mời các chuyên gia về hướng dẫn, đào tạo, nâng cao kiến thức về kỹ thuật công nghệ mới, giúp họ nắm vững được tình trạng kỹ thuật của máy móc thiết bị. Từ đó giúp họ có thể ra chính xác quyết định quản lý đúng đắn, tránh lãng phí và nâng cao được hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị.
- Đối với công nhân trực tiếp sản xuất:
+ Đối với những công nhân ký hợp đồng dài hạn và ngắn hạn đối với công ty, cần phải quan tâm đến việc đào tạo và đào tạo lại nhằm mục đích nâng cao tay nghề chuyên môn. Đồng thời, bố trí mời các chuyên gia đến tập huấn hướng dẫn để họ có thể đảm nhận được các công việc mang tính kỹ thuật cao khi vận hành những máy móc trang thiết bị mới.
+ Riêng đối với công nhân được thuê theo hợp đồng thời vụ hay hợp đồng theo từng công trình thì chỉ giao những công việc ít liên quan đến máy móc thiết bị, hoặc những thao tác công việc ít đòi hỏi kỹ năng kỹ xảo. Nên giao cho những công nhân đó sử dụng những máy móc thiết bị đơn giản thông thường nhưng cũng cần phải có sự hướng dẫn, kèm cặp thường xuyên của các công nhân lành nghề. Có thể kết hợp việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của họ trong quá trình phân giao công việc để bớt chi phí đào tạo nhưng vẫn đảm bảo tay nghề chuyên môn cần thiết.
- Hình thức đào tạo công nhân trực tiếp sản xuất có thể là gửi đi học tại các trường công nhân kỹ thuật, kinh phí do cá nhân chi trả hoặc công ty áp dụng những biện pháp khuyến khích vật chất như hỗ trợ kinh phí, đảm bảo cất nhắc vị trí công tác, tăng lương…Hàng năm, công ty cần phân bổ kinh phí đào tạo cho
mỗi bộ phận sản xuất dựa vào khả năng thực tế của bộ phận đó (kinh phí nào có thể trích từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm). Bên cạnh đó, hàng năm mỗi bộ phận sản xuất đều phải tổ chức thi lên lương, lên bậc nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động. Để làm tốt điều này, công ty có thể thường xuyên mở các khoa đào tạo ngắn hạn cho toàn bộ công nhân trong công ty, hoặc có thể giao cho phân xưởng, từng bộ phận thì công tự làm trên cơ sở người có tay nghề cao kèm cặp người có tay nghề thấp hơn.
- Cần trang bị những kiến thức cơ bản về máy móc thiết bị cho người công nhân sử dụng hiểu được tính năng tác dụng và các điều kiện kỹ thuật của máy móc thiết bị mà bản thân đang sử dụng. Khi vận hành, sử dụng mấy móc thiết bị phải đúng quy trình thao tác, quy trình theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên từng thiết bị và những điều cần thiết mà cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Bắt buộc công nhân tuyệt đối chấp hành những quy tắc về an toàn máy móc thiết bị theo quy định chung và các quy định riêng của từng loại máy móc thiết bị.
- Phải giáo dục, tuyên truyền cho người công nhân ý thức trách nhiệm cũng như tinh thần tự giác trong việc bảo quản, lau chùi máy móc thiết bị và phương tiện vận tải sau mỗi ca làm việc, tránh hư hỏng mất mát phụ tùng, chi tiết. Mỗi công nhân vận hành xe, máy phải ghi rõ thời gian hoạt động thực tế vào sổ hồ sơ (lý lịch) của xe, máy đó. Điều này giúp cho cán bộ quản lý kỹ thuật biết được chính xác thời gian hoạt động của xe, máy để từ đó có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời , hạn chế tối đa thời gian ngừng máy do kỹ thuật.
- Cán bộ kỹ thuật phụ trách bộ phận máy móc thiết bị và phương tiện vận tải của xí nghiệp, đội thi công phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra khả năng vận hành máy của từng công nhân để kịp thời khắc phục sự cố (nếu có). Cán bộ phòng kỹ thuật và xí nghiệp thi công cơ giới cũng phải thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động của máy móc thiết bị ở các phân xưởng, tập hợp số liệu báo cáo kịp thời với giám đốc về năng lực hoạt động thực tế của máy móc thiết bị và phương tiện vận tải trong toàn công ty và đề xuất kế hoạch mua sắm, sửa chữa hợp lý.
- Bên cạnh việc hướng dẫn, đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý và công nhân trực tiếp sản xuất, công ty cũng cần chú trọng đến các biện pháp
khuyến khích vật chất dưới hình thức khen thưởng. Hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm cần tổ chức đánh giá những đóng góp của các cán bộ quản lý và công nhân trong quá trình tham gia quản lý và sử dụng tài sản. Từ đó đưa ra mức khen thưởng hợp lý nhằm phát huy tinh thần tự giác của mỗi cán bộ trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng TSCĐ. Khoản chi này được tính từ quỹ khen thưởng phúc lợi của công ty.
III.1.4 Đánh giá hiệu quả của giải pháp.
Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nêu trên, công ty sẽ có được đội ngũ cán bộ đủ mạnh với 100% cán bộ quản lý cấp phòng, ban có trình độ Đại học và 100% cán bộ quản lý cấp phân xưởng, đội thi công có trình độ trung cấp trở lên. Do vậy, cán bộ quản lý của công ty có đầy đủ kiến thức cần thiết để đảm nhận các công việc về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý TSCĐ của công ty, đảm bảo cho hệ thống máy móc thiết bị phát huy hết công suất, tránh được những lãng phí trong quá trình quản lý và sử dụng.
Thông qua các hình thức đào tạo, trình độ tay nghề của công nhân sẽ được tăng lên đáng kể, đảm bảo cho công ty có thể sử dụng các loại máy móc thiết bị công nghệ hiện đại đòi hỏi kỹ thuật cao như hiện nay, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, nâng cao chất lượng và tiến độ thi công công trình, giảm chi phí cho hao mòn và sửa chữa máy móc thiết bị và các phương tiện sản xuất khác, tăng lợi nhuận cho công ty và thu nhập cho người lao động..