So sánh là phương pháp được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong phân tích nhằm đánh giá kết quả, xác định xu hướng phát triển và mức độ biến động của các chỉ tiêu kinh tế giữa các kỳ kinh doanh khác nhau. Khi sử dụng phương pháp so sánh cần đảm bảo những nội dung sau:
-Một là, điều kiện so sánh: Số liệu của các chỉ tiêu sử dụng trong quá trình phân tích phải đảm bảo tính thống nhất, nghĩa là phải cùng nội dung kinh tế, cùng phương pháp tính toán, đơn vị đo lường, thời gian và quy mô không gian xác định.
-Hai là, gốc so sánh: Tiêu chuẩn so sánh là chỉ tiêu của một kỳ được chọn làm căn cứ để so sánh (được gọi là gốc so sánh hay số liệu kỳ gốc). Tuỳ thuộc vào muc đích phân tích và điều kiện phân tích cụ thể mà lựa chọn gốc so sánh thích hợp, gốc so sánh có thể xét theo mặt thời gian và không gian.
Về thời gian, gốc so sánh được lựa chọn là các kỳ đã qua (kỳ trước, năm trước) hay kế hoạch, dự toán. Cụ thể:
Khi xác định xu hướng và tốc độ phát triển của chỉ tiêu phân tích, gốc so sánh được xác định là trị số của chỉ tiêu phân tích ở kỳ trước hoặc hàng loạt kỳ trước (năm trước). Lúc này sẽ so sánh trị số chỉ tiêu giữa kỳ phân tích với trị số chỉ tiêu ở các kỳ gốc khác nhau;
Khi đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, gốc so sánh là trị số kế hoạch của chỉ tiêu phân tích. Khi đó, tiến hành so sánh giữa trị số thực tế với trị số kế hoạch của chỉ tiêu nghiên cứu.
+ Về mặt không gian: Gốc so sánh có thể là chỉ tiêu trung bình ngành, bình quân khu vực kinh doanh; có thể so sánh từng bộ phận với tổng thể để thấy được mức độ phổ biến của bộ phận.
-Ba là, dạng so sánh: Phải xác định rõ mục tiêu so sánh là gì. Quá trình so sánh giữa các chỉ tiêu được thể hiện dưới ba hình thái: số tuyệt đối, số tương đối và số bình quân. Mỗi một hình thái ứng với một mục tiêu so sánh tương ứng. Nếu như so sánh bằng số tuyệt đối phản ánh biến động về mặt quy mô hoặc khối lượng của các chỉ tiêu phân tích, thì so sánh bằng số tương đối phản ánh mối quan hệ tỷ lệ, kết cấu của từng chỉ tiêu trong tổng thể, hoặc biến động về mặt tốc độ của chỉ tiêu đang xem xét giữa các kỳ với nhau. Trong khi đó việc sử dụng số bình quân sẽ cho thấy tính phổ biến của chỉ tiêu phân tích.
Trong phân tích các nhà phân tích thường sữ dụng các dạng so sánh bằng số tương đối khác nhau, như: so sánh bằng số tương đối giản đơn, so sánh bằng số tương đối động thái, so sánh bằng số tương đối kết cấu và so sánh bằng số tương đối hiệu suất.