II. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CỦA CÔNG TY TRONG THỜI GIAN QUA.
2. Những mặt còn tồn tại trong hoạt động quản lý chất lượng:
Mặc dù Công ty được cấp chứng chỉ ISO 9001: 2000 từ tháng 12/2000 đến nay đã được hơn 5 năm, Công ty cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp về quản lý chất lượng, Hệ thống quản lý chất lượng của Công ty được ban hành và công nhận lại từ tháng 01/2005 đã được các đơn vị Phòng ban, Xí nghiệp, Trung tâm của Công ty áp dụng và được duy trì cải tiến thường xuyên phù hợp với chính sách chất
lượng của Công ty. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt còn tồn tại dẫn đến việc áp dụng ISO 9001: 2000 kém hiệu quả, cụ thể ở một vài khía cạnh sau:
Một số lãnh đạo các đơn vị chưa kiểm tra sát sao các sản phẩm, dịch vụ của đơn vị, có hiện tượng chạy theo tiến độ nên đã bỏ qua những lỗi không đáng có.
Hệ thống quản lý chất lượng của các đơn vị có hoạt động nhưng hiệu quả chưa cao, lý do chính là: Trách nhiệm của người kiểm tra chất lượng sản phẩm của đơn vị chưa làm hết trách nhiệm, bằng chứng là: Nhiều sản phẩm có những lỗi sơ đẳng về: Tên địa danh, lỗi chính tả hoặc ngày tháng đề nhầm… cũng vẫn cho qua. Điều này chưa kể đến phần nội dung chất lượng của báo cáo không đạt yêu cầu về chất lượng nhưng cũng không phát hiện được (những lỗi dễ thấy) mặc dù những dẫn chứng này cũng đã được nêu trong các cuộc họp với các đơn vị và được nhắc nhở nhiều khi ghi phiếu kiểm cho các đơn vị.
Chưa phá vỡ được quan niệm cho rằng ISO 9001: 2000 chỉ là để quản lý vấn đề chất lượng các sản phẩm, dịch vụ. Nhận thức về chất lượng sản phẩm ở một số đơn vị còn không được coi trọng bằng chỉ tiêu sản lượng.
Chưa có sự áp dụng linh hoạt các kỹ thuật thống kê để kiểm soát chất lượng, phát hiện các vấn đề chất lượng và tìm ra những nguyên nhân gây ra vấn đề.
Còn tồn tại những hệ thống tài liệu không phù hợp nên kém hiệu lực và hiệu quả. Trong năm 2004 - 2005, Luật Xây dựng và hệ thống văn bản pháp quy về quản lý xây dựng cơ bản của nhà nước đã thay đổi cơ bản, trải qua nhiều tháng trong năm, một số Nghị định dưới Luật xây dựng chậm được ban hành, do đó việc sửa đổi, điều chỉnh văn bản của Hệ thống còn chưa theo kịp.
Hoạt động đánh giá nội bộ (thể hiện ở Báo cáo kiểm tra nội bộ [hai đợt trong một năm] về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2000; các Báo cáo không phù hợp) hầu như chỉ chỉ ra các vấn đề về văn bản, hồ sơ tài liệu (như lưu trữ,
quản lý chưa đầy đủ, chưa đưa vào danh mục cặp hồ sơ, chưa ghi chính xác tên các cặp hồ sơ,…) trong khi chưa chỉ ra những vấn đề thực sự để từ đó có hành động phòng ngừa, khắc phục hay cải tiến.
Hoạt động đánh giá về thực hiện các Mục tiêu chất lượng đề ra và xem xét sự phù hợp của Chính sách chất lượng cũng như các nhu cầu cải tiến chưa sâu sắc, chưa chỉ rõ ra việc thực hiện đạt tỷ lệ bao nhiêu, hiệu suất cao hay không, và liệu trong điều kiện hiện tại thì thực hiện mục tiêu như vậy là thực sự tốt hay chưa.
Ít có các hoạt động cải tiến thực sự sâu sắc; thiếu nguồn lực kịp thời và có chất lượng để thực hiện, duy trì và cải tiến hệ thống.
Thiếu sự tham gia của tất cả mọi người.