II. KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN BÁNH KẸO HỮU NGHỊ
c. Sức ép từ phía nhà cung ứng
Năm 2003, quyết đinh giảm thuế nhập khẩu xuống còn 20% có hiệu lực, sức ép từ bánh kẹo nhập khẩu mạnh hơn và buộc các nhà sản xuất trong nước phải không ngừng đổi mới công nghệ, nhất là khi một số dây chuyền sản xuất cũ không đáp ứng được nhu cầu sản xuất mới. Theo hiệp hội các nhà sản xuất bánh kẹo Đức, từ năm 2002 đến năm 2007, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu dây chuyền, thiết bị, máy móc sản xuất bánh kẹo từ Đức, tổng giá trị khoảng 1 tỷ Euro. Các dây chuyền sản xuất bánh kẹo hiện tại của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài, số lượng nhà cung ứng khá
nhiều, đến từ nhiều nước trên thế giới như Đức, Pháp, Đài Loan... Nếu xét trên quy mô thị trường bánh kẹo Việt Nam, số nhà sản xuất không nhiều so với số nhà cung cấp, hơn nữa các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường và có lợi thế cạnh canh rõ nét thì đã sử dụng những dây chuyền tiên tiến từ trước, nhu cầu mua thêm dây chuyền mới là không cao. Do đó, sức ép từ phía các nhà cung cấp công nghệ sản xuất từ nước ngoài hiện tại không phải là lớn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam sẽ gặp khá nhiều bất lợi khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào (chiếm 65% -70% giá thành sản phẩm) chủ yếu được nhập khẩu, như: bột mì, ca cao, đường, sữa, hương liệu... Trong thời năm 2008, đã có thời điểm giá sữa nguyên liệu tăng 100%, tổ chức ISO đã dự báo trong niên vụ 2008-2009 thâm hụt đường trên thế giới sẽ vào khoảng 3,9 triệu tấn do sản lượng đường thế giới giảm. Không những thế, giá các loại lương thực chủ yếu sẽ tăng lên do giảm nguồn cung, bởi ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi, và sự ảm đạm của nền kinh tế thế giới. Thị trường lương thực thế giới sẽ không ổn định do vụ mùa năm 2008 chỉ khôi phục được một phần dự trữ và quá ít để đảm bảo nhu cầu thế giới khi có biến cố. Các ngân hàng trên thế giới đang gặp khó khăn chung trong thời khủng hoảng, khiến cho điều kiện vay vốn trở nên khó hơn, nhất là với các dự án có khả năng sinh lợi không cao và nhiều rủi ro như sản xuất nông nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp chính vì thế mà cũng giảm sút. Theo báo cáo của Tổ Chức Lương Thực Nông Nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), lượng lúa mì giống dành cho gieo cấy vụ mùa 2009-2010 đã giảm mạnh, đặc biệt ở châu Âu và Bắc Mĩ (ở Pháp có nơi đã giảm đến 7% lượng lúa mì giống).
Tất cả những điều đó đã làm gia tăng sức ép lên giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam. Nhưng đó sẽ là khó khăn chung mà tất cả các doanh nghiệp phải gánh chịu. Các doanh nghiệp có thể
mở ra hướng mới trong sản xuất bằng việc sử dụng nguồn lương thực có sẵn trong nước ít biến động hơn.
Bên cạnh các nhà cung ứng nước ngoài, các doanh nghiệp còn phải chịu sức ép từ phía các nhà cung ứng trong nước. Điện và xăng dầu ở Việt Nam đang được phân phối độc quyền, quyền lực của nhà cung ứng là rất lớn đối với cả xã hội nói chung. Tuy giá dầu và giá xăng đã đi vào ổn định nhưng giá điện từ tháng 3 năm 2009 đã tăng trung bình đến 8,9%, gây không ít khó khăn đối với những nỗ lực giảm giá thành sản xuất của các doanh nghiệp, trong thời kì kinh tế Việt Nam không mấy triển vọng.