Vận hành máy chủ DHCP

Một phần của tài liệu Giao trinh quan tri mang co ban (Trang 74 - 78)

Giao thức DHCP (Dynamic Host Configuration Protocol) được thiết kế nhằm đơn giản hoá tác vụ quản trị của vùng Active Directory. DHCP dùng để gán thông tin cấu hình cho máy trạm trong mạng, nó giúp tiết kiệm thời gian trong giai đoạn lập cấu hình hệ thống và cung cấp cơ chế tập trung cập nhật cấu hình. Muốn kích hoạt DHCP trên mạng ta phải cài đặt và cấu hình máy chủ DHCP, máy chủ này sẽ chịu trách nhiệm cung cấp thông tin mạng cần thiết. Những tham số đó là: địa chỉ IP, mặt nạ mạng con (subnet mask), bộ định tuyến mặc định, máy chủ DNS chính và phụ và máy chủ WINS chính và phụ.

Nó cho phép chi phối hoạt động gán địa chỉ IP tại địa điểm tập trung. Nếu mạng có máy chủ DHCP ta có thể gán địa chỉ IP động cho máy trạm bất kỳ trong mạng.

Hình 3.9 Hộp thoại console DHCP

Máy trạm và địa chỉ IP

Máy tính sử dụng địa chỉ IP động gọi là máy trạm DHCP. Khi khởi động máy trạm này sẽ có một địa chỉ IP được máy chủ DHCP đưa ra cấp cho máy trạm này trong một khoảng thời gian cụ thể gọi là thời hạn thuê bao (lease). Lúc thời hạn thuê đã quá gần 50% máy trạm này sẽ gửi thông đi tới máy chủ để xin thêm thời gian hạn.

Khởi động và sử dụng console DHCP

Khởi động console DHCP bằng cách chọn menu Start => Programs => Administrative Tools => DHCP. Cửa sổ chính cho console DHCP hiện ra như hình 3.9. Nó gồm 2 cửa sổ, khung bên trái liệt kê các máy chủ DHCP trong vùng theo địa chỉ IP cùng với máy tính cục bộ (nếu máy đó cũng là một máy chủ DHCP). Nháy kép vào một máy chủ bất kỳ để xem các tham số cài đặt liên quan đến máy chủ đó. Cửa sổ bên phải hiển thị các thông tin chi tiết của các mục được chọn ở cửa sổ bên trái.

Hình 3.10 Thêm máy chủ DHCP từ xa

Hình 3.11 Chọn một máy chủ DHCP

 Biểu tượng bên cạnh các máy chủ chỉ ra trạng thái hiện hành của nó. Những biểu tượng và ý nghĩa của chúng:

 Mũi tên màu xanh cho biết dịch vụ DHCP đang chạy và máy chủ đang ở trạng thái hoạt động.

 Dấu X màu đỏ nêu rõ console không nối kết được ới máy chủ, máy chủ đã ngừng hoạt động hay không thể truy cập được.

 Mũi tên chỉ xuống màu đỏ cho biết máy chủ DHCP không được cấp quyền.

 Biểu tượng cảnh báo màu xanh dương thông báo máy chủ đã thay đổi trang thái hay đã có thông điệp cảnh báo nào đó.

Khi khởi động console DHCP, ta có thể kết nối trực tiếp với máy chủ DHCP cục bộ nhưng nó còn cho phép kết nối với các máy chủ DHCP ở xa. Để làm điều này ta thực hiện các bước như sau:

1. Nhấn phải chuột vào DHCP ở cửa sổ bên trái, chọn Add Server mở ra hộp thoại như hình 3.10.

2. Chọn This server, ta có thể gõ địa chỉ IP của máy chủ DHCP ta muốn thêm hoặc tên máy của nó, hoặc đơn giản hơn ta có thể chọn nút lệnh Browse khi đó một hộp thoại sẽ được hiển thị như hình 3.11, trong đó các máy tính trong mạng sẽ được liệt kê và ta có thể chọn máy thích hợp trong danh sách đó.

3. Chọn OK. Máy chủ DHCP sẽ được đưa vào trong cửa sổ bên trái.

Khởi động và ngừng máy chủ DHCP

Tương tự như các dịch vụ khác ta có thể khởi động hoặc ngừng dịch vụ này từ trong mục Services trong Computer Management.

Hình 3.12 Ngừng hoặc khởi động dịch vụ DHCP

Cách thứ 2 để khởi động hoặc ngừng dịch vụ DHCP ta vào trong cửa sổ quản lý DHCP nháy phải chuột vào máy chủ ta muốn ngừng hoặc khởi động. Khi muốn khởi động thì ta chọn vào nút Start trong menu hiện ra. Khi muốn ngừng dịch vụ đó ta chọn Stop từ menu hiện ra và cuối cùng muốn ngừng tạm thời ta chọn Pause, sau này nếu muốn kích hoạt nó lên ta chọn Restart từ menu hiện ra như hình 3.12.

Ngoài ra còn có rất nhiều dịch vụ mạng nữa, đối với từng dịch vụ này lại có các công cụ cấu hình, quản trị tương ứng.

Một phần của tài liệu Giao trinh quan tri mang co ban (Trang 74 - 78)