Malaixia là một quốc gia đa sắc tộc ở khu vực Đông Nam á, với dân số 8,8 triệu người (1970) trong đó người Mã Lai chiếm 50%, người Hoa chiếm 36% và người ấn Độ chiếm 11%. Năm 1957, sau khi giành được độc lập, Malaixia có một nền nông nghiệp lạc hậu, gồm 13 bang, chia thành hai miền Đông và Tây. Thị trường trong nước nhỏ bé và nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào nước ngoài.
Khác với nhiều nước trong khu vực sau khi giành được độc lập dân tộc thường phát triển kinh tế bằng con đường công nghiệp, Malaixia đã tập trung phát triển nông nghiệp và nông thôn, đồng thời phát triển công nghiệp. Do điều kiện tự nhiên nên Malaixia đã tập trung phát triển cây cọ và cây cao su làm cây trồng chủ đạo để xuất khẩu. Bên cạnh đó công nghiệp cũng được chú trọng phát triển để thay thế hàng nhập khẩu và từng bước hướng ngoại. Kết quả là thời kỳ 1957-1970 ngành nông nghiệp đạt 102,5% kế hoạch, còn công nghiệp đạt 167,2% kế hoạch, trong đó xuất khẩu sản phẩm cao su chiếm tới một nửa giá trị xuất khẩu. Tuy vậy nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế quốc dân, chiếm tới 30,78% GDP và công nghiệp chiếm tỷ trọng 12,21% GDP [36, 145].
Ngay từ giai đoạn này, bức tranh về PHGN trong xã hội Malaixia đã phong phú đa dạng. Tình trạng nghèo khổ là hiện tượng phổ biến ở mọi địa phương trong cả nước. Sự bất bình đẳng về thu nhập kinh tế đã dẫn tới sự bất ổn định của xã hội ở giai đoạn này mà tiêu biểu là những va chạm sắc tộc sâu sắc ngày 13/5/1969 để lại những hậu quả nặng nề về chính trị xã hội của đất nước.
Giai đoạn từ 1970-1990 là giai đoạn nền kinh tế của Malaixia có sự thay đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu, lấy xuất khẩu làm động lực chính để phát triển nông nghiệp và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các kế hoạch, chính sách của Nhà nước cũng hướng vào giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế. Kết quả, đây là giai đoạn Malaixia đạt
tốc độ tăng trưởng cao và trở thành một nền kinh tế mạnh trong khu vực. Bình quân thu nhập đầu người từ 390 M$ (1970) đã lên tới 2.700 M$ (1990), gấp 7 lần trong vòng 20 năm. Nghèo đói đã giảm một cách đáng kể, tuy nhiên PHGN vẫn còn ở nhiều vùng. Chẳng hạn khi các bang như Kuala lumpur, Fereugganu thu nhập bình quân đầu người tăng 10 lần thì các bang Perak, Pahang, Kelantan chỉ tăng có 3 đến 3,5 lần [36, 150].
Giai đoạn từ 1991 lại nay, Chính phủ Malaixia đưa ra chiến lược phát triển kinh tế nhằm trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020. Kết quả 5 năm đầu thực hiện chiến lược "Tầm nhìn năm 2020" tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 8,6%/năm. Sự thành công này đã nâng cao được tính hiệu quả, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, tự do hóa hơn nữa trong môi trường đầu tư, thị trường vốn; ổn định và tạo lập sự thống nhất và công bằng hơn về xã hội.
Nhờ thực hiện đồng bộ chính sách phát triển kinh tế - xã hội như trên - Malaixia đã đạt được những thành tựu to lớn - GDP bình quân đầu người đạt 4022 USD (1995), tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 2,8% (1995). Tỷ trọng của nông nghiệp giảm còn 15% GDP và vẫn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân/năm giai đoạn này là 3,5%. Malaixia đã trở thành nước có nền công nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp phát triển trong khu vực.
Là một quốc gia đa sắc tộc, nhìn lại quá trình phát triển bốn thập niên qua dễ nhận thấy Nhà nước Malaixia rất chú trọng đến việc giải quyết công bằng xã hội. đặc biệt có những biện pháp mạnh như cấu trúc lại dân cư theo sắc tộc, để từ đó có chủ trương chính sách xóa đói giảm nghèo hợp lý. Chú trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là những giống cây trồng để xuất khẩu. Từ năm 1986, Chính phủ đẩy mạnh chương trình đô thị hóa nông thôn nhằm tạo ra các trung tâm tăng trưởng ở nông thôn. Chương trình này tạo ra "hiệu ứng lan tỏa" [36, 163] góp phần to lớn vào việc xóa đói giảm nghèo của nông dân. để xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng và phát triển kinh tế, Chính phủ Malaixia rất chú trọng lĩnh vực giáo dục đào tạo để phát huy nguồn nhân lực. Kinh nghiệm có thể tóm tắt ở những điểm chính sau: Thứ nhất, kết hợp tăng trưởng kinh tế nhanh với phân phối thu nhập công bằng. Thứ hai, chú trọng phát triển nông nghiệp, coi phát triển nông nghiệp là khâu đột phá, là điểm đầu cầu để công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và giải quyết các vấn đề xã hội khác. Thứ ba, coi giáo dục là nền tảng để tiến hành phân phối thu nhập bình đẳng.