Đừng Làm Trẻ Hư Hỏng Vì Tiền

Một phần của tài liệu Cẩm nang bỏ túi về nuôi dạy con cái (Trang 37 - 40)

Có bao nhiêu cách khiến trẻ con hư hỏng vì tiền? Tại sao tiền lại khiến chúng hư hỏng? Có 1001 nguyên nhân: nào là chúng không biết vâng lời, không ngoan ngoãn, nào là đua đòi bạn bè, muốn có tiền để “bao” bạn, để mua sắm hay ăn chơi, nào là do được “chiều quá hóa cuồng”… Bạn nhận thấy rất nhiều nguyên nhân nhưng chưa hẳn đã tìm ra nguyên nhân có tên bạn trong đó! Bởi một điều rất đơn giản là bạn chỉ có thể thay đổi bản thân mình trước khi muốn thay đổi người khác và thay đổi chính con cái của mình!

Từ góc độ của cha mẹ

Trong các gia đình khá giả, cha mẹ bận rộn làm ăn, ít có thời gian chăm sóc con cái. Một giải pháp thường gặp là các bậc phụ huynh “khoán” cho con một số tiền từ vài chục tới vài trăm để chúng tự tiêu xài trong tuần. Đó là điều cần thiết vì lúc này, chúng đã có những nhu cầu tiêu xài nhưng nếu chỉ cho con tiền mà không dạy con xài tiền là rất nguy hiểm!

Ngay từ khi còn bé, trẻ thường có tư tưởng “muốn gì được nấy”! Nếu chúng muốn thứ gì thì cha mẹ lập tức đáp ứng cho “đỡ rầy rà”, được đà

{ 38 }

chúng đòi những thứ khác vì “bạn con cũng có”. Nếu không cho, chúng khóc lóc tỉ tê, bỏ cơm, không chịu học bài… cho đến khi cha mẹ phải chiều ý chúng! Về mặt tâm lý, cha mẹ muốn giáo dục con cái trước hết phải biết cách làm chủ cảm xúc của mình. Nếu thương con, ngay từ đầu bạn hãy nghiêm khắc với chính bản thân mình trong việc đề ra các kỷ luật và tuân thủ các kỷ luật đó. Trong việc tiêu xài của con cái cũng vậy, không chỉ cho tiền con mà điều quan trọng hơn là giúp chúng hiểu giá trị đồng tiền, biết chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, biết quý trọng đồng tiền vì cha mẹ phải vất vả mới có được nó… Có rất nhiều cách thể hiện tình thương của cha mẹ dành cho con cái chứ không đơn thuần là chỉ có cho tiền mới là yêu con!

Nhiều bậc cha mẹ không hiểu đúng về đồng tiền cũng là nguyên nhân khiến con cái của họ “chếnh choáng” trước tiền và những cám dỗ của nó. Trong xã hội ngày nay, nhiều người tìm mọi cách chuộc lợi cho bản thân mà bất chấp tất cả luật lệ, luân lý, tình cảm, giá trị đạo đức. Nếu bạn kiếm đồng tiền không chính đáng thì không thể dạy con bạn cách kiếm tiền chính đáng! Nhưng điều đó không có nghĩa là ngăn cấm trẻ kiếm tiền. Ở nước

{ 39 }

ngoài, các học sinh từ trung học trở lên thường dành kỳ nghỉ hè để đi làm thêm như xúc tuyết cho nhà hàng xóm, tham gia hoạt động xã hội như thu gom giấy vụn, sách truyện cũ để bán…Ở Việt Nam vẫn còn tâm lý e ngại khi cho con cái đi làm trong kỳ nghỉ hè. Cha mẹ một mặt muốn bảo bọc con, mặt khác không tin tưởng vào những ý tưởng mà chúng cùng bạn bè vẽ ra nên không ủng hộ “kế hoạch kiếm tiền” của con mình. Thế nhưng một bài học cơ bản mà cha mẹ quên rằng cần dạy con đó là muốn có tiền, chúng ta phải đánh đổi một thứ gì đó, chẳng hạn như thời gian, sức lao động, chất xám để suy nghĩ… Và chỉ có thực hành thì con bạn, hơn ai hết mới hiểu sự vất vả khi kiếm ra đồng tiền để biết quý trọng và biết cảm ơn những gì mình có được.

Từ góc độ con cái

Theo “thông lệ” hàng năm, mỗi dịp Tết tôi phải lì-xì cho hết lượt các em, các cháu và cả đám trẻ hàng xóm khi đến thăm gia đình tôi. Năm nay tôi không tuân thủ “lệ” cũ nữa, chẳng phong bì, chẳng mừng tuổi. Tôi mua rất nhiều bong bóng, ngày 30 tết cùng hai đứa em bơm lên và treo khắp nhà. Tất cả những đứa trẻ đến nhà tôi đều được nhận lì-xì là những chùm bong bóng! Chúng rất vui, hồn nhiên la hét và thỏa thích đùa giỡn cùng trái bóng và không đứa nào mảy may nghĩ đến tiền lì-xì. Về lại thành phố làm việc, đứa cháu nhỏ đang học lớp Ba tâm sự: “Bạn H. lớp con Tết này được lì-xì 13 triệu”. Tôi không biết đứa bé nhận được 13 triệu tiền lì-xì đó có vui bằng những đám trẻ quê tôi khi đón nhận những trái bong bóng đủ màu sắc không nhưng tôi chắc rằng, cha mẹ bé H. đó phải “nợ” không ít!

Con trẻ vốn dĩ hồn nhiên, chính người lớn chúng ta đang tước dần sự hồn nhiên đó bằng các so đo tiền bạc, bằng giá trị vật chất, bằng sự thờ ơ trước những đòi hỏi “thơ ngây” của con để sau này, thói quen xài tiền của con khiến chính bạn đau đầu!

{ 40 }

Một phần của tài liệu Cẩm nang bỏ túi về nuôi dạy con cái (Trang 37 - 40)