Những điểm mạnh

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng chè xuất khẩu trên thị trường Mỹ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 55 - 56)

Dựa vào những phân tích, đánh giá ở trên có thể khẳng định rằng trong những năm qua sức cạnh tranh mặt hàng chè xuất khẩu đã được nâng lên một cách rõ rệt và đã có những bước phát triển đáng khích lệ.

Trước hết, trong thời gian vừa qua ngành chè nước ta đã đạt được những bước phát triển đáng kể cả về sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. Điều đó được thể hiện qua diện tích trồng chè không ngừng được mở rộng cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu như năm 1997 diện tích này chỉ đạt 65.000 ha thì đến năm 2006 nó đã tăng lên tới 125.000 ha, tức là chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm diện tích trồng chè đã tăng lên gấp đôi. Không chỉ diện tích trồng chè được mở rộng, mà nhờ có đổi mới phương thức canh tác cũng như việc đưa giống mới vào trồng, làm cho năng suất chè tăng lên nhanh chóng từ 3,25 tấn/ha năm 1997 đến 2006 đã đạt tới 5,73 tấn/ha. Chính vì vậy sản lượng xuất khẩu và KNXK chè cũng theo đó mà cũng không ngừng tăng lên với sự đa dạng hoá về chủng loại và chất lượng. Nếu năm 2001 mức sản lượng xuất khẩu là 67,9 nghìn tấn với KNXK là 78 triệu USD thì đến năm 2007 sản lượng xuất khẩu đã tăng lên 112 nghìn tấn với KNXK là 130 triệu USD, tức là trong vòng 6 năm mức KNXK đã tăng lên gần gấp đôi. Bên cạnh đó, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng. Nếu như năm 2005 chúng ta chỉ xuất khẩu 6 loại chè vào thị trường quốc tế thì trong năm 2006 số lượng các loại chè đã tăng lên 8 loại, bao gồm: Chè đen, chè xanh, chè nhài, trà lài, chè lên men, trà ô long, chè vàng, chè sen.

Thứ hai phải nói đến thị trường chè xuất khẩu không ngừng được mở rộng trong thời gian qua. Nếu như trong những năm 90 thị trường xuất khẩu chè của chúng ta chỉ tập trung chủ yếu ở Liên Xô cũ và Đông Âu thì trong thời gian gần đây thị trường xuất khẩu đã mở rộng sang các thị trường khác như: Đài Loan, Pakistan, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Ba Lan, Ấn Độ….Tính đến hết năm 2006 đã có hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu chè của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ra cũng đã đăng ký Thương hiệu Chè Việt ở 77 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, và có thương hiệu quốc gia chè Việt Nam để chứng nhận những mặt hàng chè có chất

lượng đảm bảo từ đó nhằm bảo vệ cho những sản phẩm chè có chất lượng tốt không bị ảnh hưởng uy tín bởi những sản phẩm chè chất lượng thấp.

Thứ ba là các doanh nghiệp xuất khẩu chè không ngừng được tăng lên, có nhiều doanh nghiệp hăng hái tham gia hoạt động xuất khẩu chè sang những thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam. Nếu như năm 2003 chỉ có 160 nhà xuất khẩu thì đến năm 2006 đã có tới 195 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu chè và đứng đầu là Công ty chè Sài Gòn với 3.352 tấn. Trong các doanh nghiệp này có đến 12 doanh nghiệp đạt từ 1.000 tấn trở lên chiếm 48,73% về lượng và 47,19% về giá trị.

Những bước phát triển đáng kể trên đây cho thấy hiệu quả có được từ công tác xúc tiến thương mại là rất lớn. Các đơn đặt hàng tiếp tục được gửi tới, các cơ hội hợp tác liên doanh xuất hiện cùng những trao đổi kinh nghiệm và học hỏi thêm nhiều quy trình sản xuất, công nghệ mới. Trong thời gian vừa qua chúng ta đã tuyên truyền quảng bá và tham gia hội chợ chuyên ngành kết hợp với khảo sát thị trường nước ngoài như: tham gia Festival chè tại Moscow vào tháng 5 năm 2006, tham gia hội chợ chuyên ngành chè và cà phê kết hợp với khảo sát thị trường tại Trung Quốc…..Đồng thời Hiệp hội chè Việt Nam đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “CheViet” trực tiếp theo Thoả ước Madrid với 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời quảng bá ở nhiều quốc gia trong đó có thị trường Mỹ.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng chè xuất khẩu trên thị trường Mỹ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 55 - 56)