I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN VIỆT NAM
1. Những cơ hội và thách thức trong những năm tới đối với phát triển sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam
và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam
1.1. Những cơ hội phát triển sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam
Thứ nhất: đó là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khai thác và phát huy lợi thế về tài
nguyên thiên nhiên (các nguồn lợi thuỷ sản). Theo đánh giá tiềm năng nguồn taì nguyên thuỷ sản của Việt Nam vẫn còn khá phong phú cả trong lĩnh vực đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thuỷ sản. So với các nước khác, tài nguyên thuỷ sản Việt Nam được xem là ở mức tương đương, thậm chí có phần vượt trội hơn so với Thái Lan- nước xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu thế giới hiện nay.
Thứ hai: đó là cơ hội để Việt Nam tận dụng và phát huy lợi thế về tiềm năng lao
động, đặc biệt là lao động nông nghiệp, nông thôn không có kỹ năng nhưng với chi phí tiền công thấp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm tăng lợi thế cạnh tranh của hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng yếu tố quan trọng trong giai đoạn đầu của quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, hầu như tuyệt đại bộ phận lao động trong nghề cá vốn là lao động giản đơn, chưa được đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu phát triển mới, do vậy đây cũng chính là một thách thức trong quá trình thực hiện CNH, HĐH của chính ngành thuỷ sản Việt Nam.
Thứ ba: đó là cơ hội để phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu hàng thuỷ sản của
Việt Nam. Trên thị trường thế giới, hàng thuỷ sản được xếp vào nhóm sản phẩm cơ bản. Khác với mặt hàng nông sản xuất khẩu khác, hàng thuỷ sản xuất khẩu thường trong tình trạng cung không đáp ứng được cầu ở quy mô thế giớí. Hơn nữa, với sự năng động trong xuất khẩu thuỷ sản thế giới của các nước đang phát triển, xu hướng mở rộng thị trường là một đặc điểm riêng có của thị trường này. Nhiều cơ hội thị trường mới mở ra cho các sản phẩm thuỷ sản chế biến sâu, thuỷ sản ăn liền và thuỷ sản tươi sống có giá trị cao. Có thể nói rằng, thuỷ sản là một trong những
ngành hàng triển vọng thị trường nhất trong những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam hiện nay.
Thứ tư: đó là cơ hội tiếp cận công nghệ mới, phương thức quản lý tiên tiến để đẩy
mạnh sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản. Là nước đi sau, Việt Nam đã và đang tận dụng được cơ hội đi tắt, đón đầu để rút ngắn thời kỳ CNH, HĐH và thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung và ngành thuỷ sản nói riêng. Việt Nam có khả năng đầu tư công nghệ tiên tiến, đặc bịêt trong công nghệ khai thác xa bờ, công nghệ sinh học phục vụ nuôi thuỷ sản, nhất là nuôi cá biển và nuôi giáp xác, công nghệ chế biến xuất khẩu…Cùng với cơ hội tiếp cận công nghệ mới, Việt Nam cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm quản lý từ những nước thành công và thất bại trong chế biến và xuất khẩu hàng thuỷ sản, cũng như tiếp cận các phương thức quản lý kinh doanh hiện đại trên thế giới.
1.2.Những thách thức đối với phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam
Mặc dù, những điều kiện thị trường thuận lợi cùng với xu hướng tự do hoá thương mại toàn cầu nói chung và đối với các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản nói riêng đã tạo thuận lợi để thương mại hàng thuỷ sản thế giới ngày càng phát triển. Tuy nhiên, những thất bại tại các vòng đàm phán Seatle, Doha và nhất là tại hội nghị Cancun gần đây đã cho thấy những cản trở khó vượt qua để đạt tới mục tiêu tự do thương mại toàn cầu về các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản. Do vậy, tuy đã đạt những thành tựu cơ bản trong chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, nhưng trong những năm tiếp theo, Việt Nam vẫn sẽ gặp phải những thách thức lớn, như:
Thứ nhất, tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu thuỷ sản giữa các nước đang phát triển sẽ càng tăng lên dưới tác động của xu hướng tự do hoá thương mại và xu hướng tham gia thị trường thuỷ sản thế giới của các nước kém phát triển cũng tăng lên. Trong khi đó, năng lực nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thuỷ sản xuất khẩu bộc lộ những yếu kém nghiêm trọng. Mặc dù, đã đạt được những kết quả tăng trưởng sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, nhưng thời gian qua sản xuất, xuất khẩu hàng thuỷ sản của Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại và yếu kém trong khai thác thuỷ sản xa bờ, trong nuôi thâm canh thuỷ sản. Đồng thời, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và hậu cần nghề cá còn lạc hậu và thiếu thốn, ngành thuỷ sản chưa rhực sự có nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển bền vững. Hiệu
quả đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản thấp do phụ thuộc vào sự thay đổi của điều kiện tự nhiên.
Trong ngành chế biến thuỷ sản xuất khẩu, phần lớn các xí nghiệp có thiết bị đơn giản, tỷ trọng cơ giới hoá, tự động hoá sản xuất còn thấp, giá thành sản phẩm chưa ổn định và chưa có sức cạnh tranh so với mặt hàng cùng loại của các nước. Trong điều kiện thị trường cạnh tranh, việc xuất khẩu các sản phẩm dưới dạng sơ chế, đông lạnh sẽ khó có hiệu quả và chắc chắn sẽ gây khó khăn đáng kể cho các cơ sở chế biến vừa và nhỏ. Theo đánh giá chung, ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản của Việt Nam còn manh mún, thiếu những công ty lớn và có quá nhiều công ty nhỏ dẫn đến việc bán hàng không theo tổ chức, chất lượng sản phẩm của Việt Nam vì thế chưa ổn định. Hơn nữa, thuỷ sản Việt Nam còn thiếu nhãn hàng có uy tín và thường bán với giá thấp hơn so với các nguồn hàng của Thái Lan và Inđônêxia. Thứ hai, dưới tác động của xu hướng tự do thương mại, các nước phát triển ( những nước nhập khẩu thuỷ sản chính trên thị trường thế giới) một mặt, thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, các hàng rào thương mại, nhưng mặt khác, các nước này cũng đưa ra các quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm, cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời. Các sản phẩm “sạch” sẽ có khả năng thâm nhập thị truờng thế giới dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của những hàng hoá nông sản, thuỷ sản xuất khẩu vốn được xem là lợi thế của các nước đang phát triển. Bởi vì, một mặt, nó làm tăng chi phí sản xuất, mặt khác, nhiều nước phát triển đưa ra những quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn sản phẩm như một thứ rào cản đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước khác.
Thứ ba, những khó khăn, thách thức mới nảy sinh từ các thị trường xuất khẩu thuỷ sản chính của Việt Nam.
Thị trường châu Á được coi là thị trường xuất khẩu thuỷ sản trọng điểm của Việt Nam trong thời gian qua. Trên thị trường Nhật Bản, xu hướng giảm tỷ trọng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy, thị trường Nhật Bản nhìn chung đã bão hoà và khó tăng nhanh doanh thu xuất khẩu. Trên thị trường các nước châu Á khác, việc duy trì thị phần của hàng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng sẽ rất khó khăn do phụ thuộc rất lớn vào cạnh tranh của các nước xuất khẩu
khác trong vùng, đặc biệt là sự cạnh tranh từ phía Trung Quốc, Thái Lan, Indonexia, Ấn Độ…Việc Trung quốc ra nhập WTO cũng tác động bất lợi đến xuất khẩu hàng thuỷ sản Việt Nam vào thị trường này.
Trên thị trường các nước có thu nhập cao như Mỹ và EU, tỷ phần nhập khẩu hàng thuỷ sản của Việt Nam còn thấp. Trở ngại lớn nhất đối với xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường khu vực này là việc đảm bảo chất lượng và an toàn hàng thuỷ sản theo những điều kiện HACCP. Hiện nay ở Việt Nam mới có khoảng 60% doanh nghiệp chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn HACCP và được phép xuất khẩu vào thị trường EU.
Tại các thị trường có thu nhập vừa và thấp (ngoài châu Á) như Trung Đông, Bắc Phi và đặc biệt là thị trường truyền thống như Nga, Đông Âu, tỷ trọng xuất khẩu hàng thuỷ sản của Việt Nam còn rất nhỏ và chưa đựơc quan tâm đúng mức trong những năm vừa qua.
Thứ tư, Việt Nam đang chịu những bất lợi thế của các nước đi sau. Đó là những bất lợi về thiếu thông tin thị trường, năng lực quản lý, kinh nghiệm và kiến thức tiếp cận thị trường xuất khẩu, khả năng phát triển hệ thống kinh doanh tại các thị trường nước ngoài, phản ứng chính sách thường chậm và kém hiệu quả, thường gặp nhiều rủi ro trong các cuộc cạnh tranh khu vực và toàn cầu…
Thứ năm, năng lực cạnh tranh và tính năng động của nền kinh tế Việt Nam còn yếu, cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư còn nhiều bất hợp lý, cơ chế thị trường vận hành chưa thực sự thông suốt. Hệ thống tài chính tiền tệ- một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của hoạt động xuất nhập khẩu- chậm được đổi mới. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, đặc biệt là đường xá, cảng biển và hệ thống mạng viễn thông. Trình độ công nghệ còn lạc hậu. Cải cách doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Thêm vào đó, tư duy kinh doanh, nghiệp vụ và phương thức kinh doanh, tiếp thị, tổ chức kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở trình độ của thế giới, gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận, thâm nhập và mở rộng thị trường cho các sản phẩm xuất khấu có lợi thế ở Việt Nam.