Thương mại và dịch vụ

Một phần của tài liệu tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội tỉnh Bình Thuận (Trang 25 - 27)

Phát huy ưu thế liền kề Địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh miền đông Nam bộ, tạo mọi điều kiện để mở mang kinh tế dịch vụ thành một ngành quan trọng nhằm tạo việc làm và tăng tích lũy cho ngân sách. Song song với việc nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ: thương mại, du lịch, dịch vụ công cộng..., phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ cho những ngành mũi nhọn của tỉnh như dịch vụ nghề cá, dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp v.v...

Đầu tư xây dựng trung tâm Thương mại tổng hợp Phan Thiết và nâng cấp xây dựng các trung tâm thương mại ở các huyện để đáp ứng yêu cầu giao lưu hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Quy hoạch lại hệ thống chợ, nâng cấp, sửa chữa các chợ hiện có ở Phan Thiết và các huyện, tổ chức các chợ nông thôn liên xã. Quy hoạch và đầu tư một số chợ đầu mối chuyên ngành, như chợ cá ở các khu vực trọng điểm nghề cá: Phan Thiết, Phan Rí Cửa, Hàm Tân và Phú Quý . Riêng tại Phan Thiết đầu tư xây dựng chợ cá quốc gia, tại Phú Quý đầu tư xây dựng chợ cá khu vực, kho chứa nhiên liệu phục vụ đánh bắt khơi.

Phấn đấu trong 10 năm đến kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20- 21,5%. Đến năm 2005 kim ngạch xuất khẩu đạt 190 triệu USD, đến 2010 xuất khẩu 305-350 triệu USD. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực là: hải sản đông lạnh, các mặt hàng hạt điều nhân, cao su, rau quả, sản phẩm từ lâm sản, gỗ và song mây; mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng may xuất khẩu, khoáng sản, muối, nước khoáng, tảo.

Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành du lịch , mục tiêu đến năm 2005 ngành du lịch đạt tỷ trọng 10% GDP của tỉnh, thu hút 1,2-1,5 triệu lượt khách (khách quốc tế 120-150 nghìn lượt). Đến 2010 tỷ trọng ngành du lịch chiếm 15% GDP của Tỉnh, thu hút 1,8-2 triệu lượt khách (khách quốc tế 200- 250 nghìn lượt).

* Đối với cụm du lịch Phan Thiết - Mũi né: Mục tiêu đến năm 2005 lấp đầy các khu vực quy hoạch du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Đầu tư một số trục giao thông chủ yếu và nghiên cứu đề án cấp nước cho cả tuyến Phan Thiết - Mũi né để thu hút các dự án vui chơi giải trí kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

* Đối với cụm du lịch Tuy Phong và Hàm Tân: Trong giai đoạn 2001-2005 triển khai việc đầu tư tuyến trục giao thông Chí Công - Bình Thạnh - Chùa Hang, tuyến trục giao thông Phan Thiết - Tiến Thành -Kê Gà- Tân Hải - LaGi để tạo điều kiện thu hút nhanh các dự án đầu tư xây dựng. Trước mắt kêu gọi đầu tư một số dự án vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng như : Dự án cáp treo Tà Kóu, dự án tắm khoáng - bùn chữa bệnh tại Bưng Thị, Vĩnh hảo, dự án các loại hình thể thao trên biển, lặn tham quan dưới nước ...

Phát triển các dịch vụ cây giống, con giống, dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, làm đất, thu hoạch; dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp ngư lưới cụ, cá giống, tôm giống v.v... phục vụ sản xuất nông ngư lâm nghiệp.

Phát triển nhanh và rộng khắp các dịch vụ sửa chữa, lắp ráp và gia công cơ khí, điện tử, may mặc, các dịch vụ về thông tin, bưu điện, vận tải, các dịch vụ đầu tư và tăng cường sức khỏe, học tập v.v... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của toàn xã hội.

Đẩy mạnh các hoạt động và các loại hình tín dụng, huy động vốn với nhiều hình thức đáp ứng yêu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế.

Một phần của tài liệu tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội tỉnh Bình Thuận (Trang 25 - 27)