Bên cạnh nỗ lực của chính ngân hàng, Vietcombank cũng rất cần sự
điều kiện đủ của sự thành công. Dưới đây tác giả trình bày một số kiến nghị đối với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan.
3.3.2.1 Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và ngân hàng nội địa trong hội nhập
Hội nhập là xu thế tất yếu, nhưng để không bị động và có thể đứng vững và phát triển đòi hỏi mọi doanh nghiệp phải tự nỗ lực rất nhiều; tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết. Khi nước ta thực hiện mở cửa theo lộ trình đã cam kết khi gia nhập WTO, bên cạnh cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt. Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội để tổ chức các chương trình dành cho doanh nghiệp như: chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành lập quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ xúc tiến thương mại, … Bằng cách này, Nhà nước cũng đã gián tiếp góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh doanh ngân hàng tại các NHTM trong nước, trong đó có Vietcombank.
Đối với ngành tài chính – ngân hàng, thông qua Hiệp hội Ngân hàng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan có thể vận động sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc hỗ trợ các ngân hàng trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong kinh doanh và quản lý.
3.3.2.2 Cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia
Mức xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng nội địa chịu sự khống chế bởi mức trần tín nhiệm của quốc gia, do đó, để cải thiện mức độ tín nhiệm của các ngân hàng trong nước, trong đó có Vietcombank, theo các chuẩn mực quốc tế, Việt Nam cũng cần cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Theo tiêu chuẩn xếp hạng của S&P, mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia phụ thuộc vào năm gốc độ chủ yếu: áp lực nợ nước ngoài, tài khóa, tiền tệ, tăng trưởng và chính trị. Trong các yếu tố này, môi trường chính trị ổn định là một lợi thế của Việt Nam; tuy nhiên, các yếu tố khác cần phải được cải thiện hơn nữa. Thực hiện chính sách tài khóa lành mạnh, chính sách tiền tệ có hiệu quả và tăng trưởng bền vững là điều mà Việt Nam cần nỗ lực đạt được để có thể cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố rất được các tổ chức xếp hạng có uy tín trên thế giới quan tâm trong xếp hạng tín nhiệm quốc gia là mức độ minh bạch hóa. Theo công bố mới nhất của S&P vào cuối năm 2008, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam hiện ở mức BB; tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức này, mức độ minh bạch của Việt Nam rất thấp, đặc biệt là trong ngành ngân hàng. Do đó, S&P rất khó và rất thận trọng trong xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Vì thế, để tạo được uy tín với các tổ chức xếp hạng quốc tế, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có các quy định về minh bạch hóa theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời có các cơ chế giám sát, thanh tra để đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc các quy định này.
3.3.2.3 Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý
Những năm gần đây, hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng đã được dần hoàn thiện; tuy nhiên, trong lĩnh vực bảo lãnh các quy định pháp quy còn khá sơ sài. Bên cạnh đó, văn bản cụ thể quy định về hoạt động này là văn bản dưới luật nên tính ổn định không cao và bị vô hiệu trong trường hợp bị điều chỉnh bởi luật khác, gây nên sự chồng chéo trong quản lý và rủi ro cho các bên tham gia giao dịch này.
Do đó, cần sớm ban hành luật về bảo lãnh ngân hàng để việc điều chỉnh hoạt động này được đồng bộ. Điều này là cần thiết. Bởi lẽ, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là hiện nay Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhu cầu bảo lãnh ngày càng gia tăng, các giao dịch này ngày càng đa dạng, phức tạp và vượt khỏi phạm vi của quốc gia. Hơn nữa, trong hoạt động bảo lãnh, nước ta chỉ mới có quy chế hướng dẫn thực hành, tuy nhiên, trong các văn bản này, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia dịch vụ bảo lãnh còn mơ hồ, không rõ ràng. Điều này làm tăng rủi ro trong hoạt động bảo lãnh. Bên cạnh đó, nếu nước ta không có một văn bản luật cụ thể thì khi tiến hành giao dịch bảo lãnh với đối tác nước ngoài, các ngân hàng phải dẫn chiếu luật của nước ngoài để áp dụng. Việc này trong nhiều trường hợp sẽ gây thiệt hại cho phía Việt Nam, đặc biệt khi các thuật ngữ và các điều khoản mà luật nước ngoài quy định chưa được hiểu chính xác. Chính vì vậy việc ban hành Luật về bảo lãnh ngân hàng sẽ là một trong những vũ khí giúp các ngân hàng trong nước cũng như Vietcombank tự vệ khi tham gia giao dịch bảo lãnh với các đối tác nước ngoài. Khi biên soạn và ban hành luật này, các cơ quan hữu quan cần có sự tham khảo các thông lệ, tập quán quốc tế và có sự vận dụng linh hoạt vào điều kiện của nước ta.
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, cần sớm có một chuẩn mực chung trong nghiệp vụ bảo lãnh để tránh tình trạng đơn giản hóa giao dịch bảo lãnh và trong một số trường hợp còn có sự tùy tiện của một số ngân hàng trong thời gian qua. Bởi vì tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến các ngân hàng thực hiện nghiêm túc hoạt động này và còn gây nên những rủi ro tiềm ẩn cho cả hệ thống ngân hàng. Việc ban hành một chuẩn mực này không những giúp cho các ngân hàng trong nước thực hiện một cách đồng bộ, mà còn cũng giúp cho việc quản lý, kiểm tra và giám sát của các cơ quan chức năng được hoàn chỉnh và thống nhất. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm cần có sự tham khảo các thông lệ và chuẩn mực quốc tế khi ban hành chuẩn mực này.
Mặt khác, trong hoạt động bảo lãnh hiện nay, Việt Nam cũng nên tham gia phê chuẩn công ước quốc tế về hoạt động bảo lãnh như Công ước Liên hiệp quốc về Bảo lãnh độc lập và Tín dụng thư dự phòng (Công ước Uncitral). Khi công ước quốc tế này được phê chuẩn và sử dụng, sẽ giúp các bên áp dụng thống nhất một điều luật chung trong giao dịch, tránh được tình trạng một trong hai đối tác lựa chọn luật của nước mình áp dụng cho giao dịch, tạo bất lợi cho phía bên kia. Vì thế, khi Việt Nam phê chuẩn công ước này, các ngân hàng trong nước sẽ có được sự bình đẳng với các đối tác, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình và tránh được rủi ro khi có tranh chấp xảy ra.
3.3.2.4 Hoàn thiện cơ chế quản lý
Cần sớm hoàn thiện và ban hành quy chế quản lý đối với các ngân hàng được cổ phần hóa và chuyển đổi từ NHTM nhà nước sang NHTM cổ phần, trong đó có Vietcombank. Đây là vấn đề mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan cần làm ngay bởi cơ chế quản lý có tác động rất lớn đến hoạt động và điều hành của các NHTM dạng này.
Hiện nay, đối với Vietcombank, cơ chế quản lý cần được thực hiện theo hướng mở rộng quyền tự chủ đi kèm với trách nhiệm của ngân hàng này, Nhà nước quản lý ở cấp vĩ mô và không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của ngân hàng bằng mệnh lệnh hành chính. Bên cạnh đó, các quy chế về tài chính như lương, chi phí quảng cáo, tuyên truyền, …nên được cải cách theo hướng mở rộng quyền chủ động cho ngân hàng này thay vì vẫn thực hiện bó buộc như hiện nay. Cùng với đó, Nhà nước nên trao quyền thực sự cho Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị của ngân hàng và thực hiện việc điều hành thông qua đại diện của mình trong bộ máy này. Bằng cách này, Nhà nước sẽ nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của Ban lãnh đạo và Ban điều hành của ngân hàng trong việc giải quyết linh hoạt các vấn đề trong hoạt động kinh doanh, đồng thời vẫn thực hiện được chức năng quản lý và định hướng hoạt động cho ngân hàng này theo các mục tiêu chung trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Trên cơ sở những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trong thực tiễn hoạt động bảo lãnh ngân hàng tại Vietcombank từ năm 2005 đến nay và định hướng phát triển của ngân hàng này đến năm 2020, chương 4 của luận văn đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm góp phần phát triển hoạt động bảo lãnh ngân hàng tại Vietcombank trong giai đoạn hiện nay. Các giải pháp và kiến nghị được chia thành hai nhóm:
Nhóm giải pháp vi mô: bao gồm giải pháp về con người, chủ yếu qua các mặt: đãi ngộ, đào tạo; giải pháp về nghiệp vụ; giải pháp về công nghệ; và một số giải pháp khác về chính sách phí, quy mô vốn, điểm xếp hạng tín nhiệm và chính sách marketing.
Kiến nghị đối với Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan hữu quan về: tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và ngân hàng trong hội nhập, cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và hoàn thiện cơ chế quản lý.
Để hoạt động bảo lãnh tại Vietcombank ngày càng phát triển, các giải pháp trên đây cần được thực hiện một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan thông qua các biện pháp cụ thể nêu trên sẽ giúp Vietcombank phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động bảo lãnh nói riêng.
KẾT LUẬN
Với mong muốn góp phần vào sự phát triển của hoạt động bảo lãnh ngân hàng tại Vietcombank, tác giả đã đi vào nghiên cứu cơ sở lý luận về bảo lãnh ngân hàng, phân tích và đánh giá thực trạng hoạt động bảo lãnh tại ngân hàng này để từ đó đưa ra một số giải pháp có thể thực hiện được trong thời gian tới.
Trong các giải pháp được đưa ra, có những giải pháp Vietcombank có thể triển khai ngay, có những giải pháp mang tính đề xuất, cần được nghiên cứu sâu hơn để đề ra chiến lược cụ thể. Bên cạnh đó, luận văn cũng đưa ra các gợi ý về các chính sách, kiến nghị đến các cấp, các cơ quan hữu quan trong việc tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động bảo lãnh tại Vietcombank nói chung ngày càng phát triển.
Các giải pháp và kiến nghị được đề xuất trong luận văn cần được thực hiện đồng bộ để tạo được lực đẩy tổng hòa giúp Vietcombank có thể phát triển hơn nữa hoạt động bảo lãnh trong thời gian tới.
Do gặp nhiều hạn chế về tài liệu tham khảo và khó khăn trong việc tìm kiếm số liệu phục vụ cho việc thực hiện luận văn cũng như hạn chế trong kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, tác giả rất mong nhận được sự góp ý của quý thầy cô và người đọc để luận văn được hoàn thiện hơn.