Tên đầy đủ bằng tiếng Việt: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam;
Tên đây đủ bằng tiếng Anh: Joint Stock Commercial Bank for Foreign Trade of Vietnam;
Tên giao dịch: Vietcombank;
Tên viết tắt: VCB;
Website: www.vietcombank.com.vn;
Vốn điều lệ (đến ngày 31/12/2008): 12.100.860.260.000 đồng;
Trụ sở chính: 198 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam là NHTM cổ phần được cổ phần hóa, chuyển đổi từ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (NHTM Nhà nước) theo Quyết định số 138/GP-NHNN ngày 23/05/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0103024468 ngày 02/06/2008 do Sở Kế hoạch và Đầu từ Tp. Hà Nội cấp.
Vietcombank chính thức được thành lập vào ngày 01/04/1963, theo Quyết định số 115/CP do Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 30/10/1962. Theo Quyết định trên, Vietcombank đóng vai trò là ngân hàng chuyên doanh đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tại thời điểm đó hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, bao gồm cho vay tài trợ xuất nhập khẩu và các dịch vụ kinh tế đối ngoại khác (vận tải, bảo hiểm...), thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối, quản lý vốn ngoại tệ gửi tại các ngân hàng nước ngoài, làm đại lý cho Chính phủ trong các quan hệ thanh toán, vay nợ, viện trợ với các nước xã hội
chủ nghĩa (cũ),… Ngoài ra, Vietcombank còn tham mưu cho Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước về các chính sách quản lý ngoại tệ, vàng bạc, quản lý quỹ ngoại tệ của Nhà nước và về quan hệ với Ngân hàng Trung ương các nước, các Tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.
Ngày 14/11/1990, Vietcombank chính thức chuyển từ ngân hàng chuyên doanh, độc quyền trong hoạt động kinh tế đối ngoại sang NHTM Nhà nước hoạt động đa năng theo Quyết định số 403-CT ngày 14/11/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Ngày 21/09/1996, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 286/QĐ-NH5 về việc thành lập lại Vietcombank theo mô hình Tổng công ty 90, 91 theo Quyết định số 90/QĐ- TTg ngày 07/03/1994 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 26/12/2007, Vietcombank đã thực hiện thành công việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng số cổ phần chào bán là 6,5% vốn điều lệ (tương đương 97.500.000 cổ phần) thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh.
Ngày 23/05/2008, Vietcombank chính thức là NHTM cổ phần theo Quyết định số 138/GP-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty cổ phần số 0103024468 ngày 02/06/2008 do Sở Kế hoạch và Đầu từ Tp. Hà Nội cấp.
Trải qua hơn 45 năm xây dựng và trưởng thành, tính đến thời điểm 31/12/2008, Vietcombank đã có tổng tài sản xấp xỉ 222 nghìn tỷ VND (tương đương 12,5 tỷ USD), tổng dư nợ tín dụng đạt gần 113 nghìn tỷ VND và mạng lưới rộng khắp gồm 1 sở giao dịch, 64 chi nhánh, 209 phòng giao dịch và 4 Công ty con trực thuộc trên toàn quốc; 3 văn phòng đại diện và 1 công ty con tại nước ngoài, với đội ngũ lao động hơn 7.000 người. Ngoài ra, Vietcombank còn tham gia góp vốn, liên doanh, liên kết với các
đơn vị trong và ngoài nước trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư...
Bên cạnh hoạt động lõi là dịch vụ tài chính, bao gồm ngân hàng bán buôn, bán lẻ, ngân hàng đầu tư và bảo hiểm, Vietcombank tiếp tục mở rộng các hoạt động phi tài chính như đầu tư và kinh doanh bất động sản, đầu tư xây dựng và phát triển các dự án kết cấu hạ tầng, các dự án năng lượng, …
2.1.2 Mô hình tổ chức
Hiện nay, mô hình tổ chức hiện tại của Vietcombank được chia thành nhiều phòng ban, các phòng ban thực hiện chức năng riêng biệt và có sự tương trợ giữa phòng ban này với phòng ban khác, theo sơ đồ sau:
Sơ đồ 2.1: Sơ đồ mô hình tổ chức hiện tại của Vietcombank
Tuy có sự tương trợ và phối hợp giữa các phòng ban, nhưng cách thức tổ chức theo mô hình này công tác làm cho công tác giám sát thực hiện rất phức tạp, đòi hỏi nhiều nhân sự và chi phí quản lý lớn.
Vì vậy, trong dự án liên kết kỹ thuật cơ cấu lại Vietcombank do Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Chính phủ Hà Lan tài trợ thông qua sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Vietcombank đã từng bước xây dựng mô hình tổ chức và mô thức quản trị theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, đồng thời phải phù hợp với tình hình thực tế của mình.
Hiện nay, Vietcombank đang từng bước triển khai áp dụng mô hình mới này, gọi là mô hình “khối” và tổ chức lại các mảng kinh doanh theo đối tượng khách hàng thống nhất trong toàn bộ hệ thống và theo loại hình kinh doanh đặc thù của ngân hàng trên thị trường tài chính, gồm các “khối” theo sơ đồ sau:
Sơ đồ 2.2: Sơ đồ mô hình “khối” Vietcombank sắp triển khai
Trong đó, từng khối có những chức năng riêng:
Khối Ngân hàng Bán buôn (wholesale Business Group): phục vụ các tổ chức và các doanh nghiệp: lớn, vừa và nhỏ;
UB Qlý TS nợ-TS có ALCO Committee
Khối Kinh doanh và Quản lý Vốn (Treasury & Trading Group);
Khối Ngân hàng Bán lẻ (Retail Business Group): phục vụ khách hàng cá nhân;
Khối Quản lý Rủi ro và xử lý tài sản/nợ xấu (Rick Management and Impaired Assets Management Group);
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng thiết lập và tổ chức lại các mảng hỗ trợ, bao gồm các khối: Tác nghiệp, Quản lý Tài chính và Kế toán. Ngoài ra còn có các bộ phận hỗ trợ khác như: Pháp chế, Tổ chức cán bộ và đào tạo, Thông tin Tuyên truyền, …
Việc tái cấu trúc lại cơ cấu này giúp Vietcombank phân cấp quản lý từng mảng dịch vụ một cách chuyên môn hóa hơn tiết kiệm được chi phí quản lý cũng như sử dụng nguồn nhân sự có hiệu quả hơn, đồng thời giúp phân loại được nhóm khách hàng để có những chính sách thích hợp về sản phẩm và dịch vụ, từ đó tạo được uy tín và giữ chân được khách hàng một cách lâu dài.
Nhìn chung, Vietcombank đang thực hiện việc tái cấu trúc cơ cấu tổ chức phù hợp với qui mô và mục tiêu trở thành một tập đoàn tài chính – ngân hàng hiện đại và có vị thế trong khu vực cũng như trên thế giới. Đây là mô hình tổ chức tạm thời áp dụng tại thời điểm hiện nay. Trong tương lai, tùy theo tình hình kinh doanh từng thời kỳ, Vietcombank sẽ điều chỉnh mô hình cơ cấu tổ chức cho phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình theo hướng của một tập đoàn tài chính – ngân hàng mang tầm vóc quốc tế.
Trong giới hạn mục tiêu của đề tài, tác giả tập trung nghiên cứu thực trạng hoạt động bảo lãnh ngân hàng tại Vietcombank từ năm 2005 - 2008.
2.2 Thực trạng hoạt động bảo lãnh tại Vietcombank
2.2.1 Cơ sở pháp lý trong nước khi thực hiện hoạt động bảo lãnh tại Vietcombank Vietcombank
Bên cạnh các văn bản pháp lý theo thông lệ quốc tế, hoạt động bảo lãnh ngân hàng của các NHTM ở Việt Nam được điều chỉnh bởi các quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Các tổ chức tín dụng và được cụ thể hóa trong Quy chế Bảo lãnh ngân hàng. Vietcombank cũng tuân theo các quy định này.
Bộ luật Dân sự
Bộ luật Dân sự ngày 14/06/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, là bộ luật dân sự hiện hành điều chỉnh các quan hệ dân sự, trong đó có bảo lãnh. Trong bộ luật này, từ Điều 361 đến Điều 371 quy định các vấn đề liên quan đến bảo lãnh, như: khái niệm, hình thức bảo lãnh, phạm vi bảo lãnh, quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh, việc huỷ bỏ, chấm dứt bảo lãnh…. Đây là văn bản pháp luật hiện hành quy định các vấn đề chung nhất về bảo lãnh. Các vấn đề về bảo lãnh ngân hàng nếu chưa được quy định tại văn bản pháp luật nào khác thì sẽ được điều chỉnh theo Luật này.
Luật thương mại
Luật Thương mại ngày 14/06/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, có một số quy định liên quan đến bảo lãnh. Các loại bảo lãnh được đề cập đến là bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, các quy định này chỉ sơ lược về các loại bảo lãnh này như là biện pháp bảo đảm dự thầu và bảo đảm thực hiện hợp đồng và không quy định cụ thể.
Luật các TCTD
Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 15/06/2004 là văn bản
pháp lý hiện hành điều chỉnh các hoạt động của TCTD. Đây là luật chuyên ngành, quy định các vấn đề liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng, trong đó có bảo lãnh ngân hàng. Luật này quy định khá cụ thể về khái niệm, quyền và nghĩa vụ của ngân hàng bảo lãnh, nghĩa vụ của bên được bảo lãnh và một số quy định khác.
Quy chế Bảo lãnh ngân hàng
Các quy định của pháp luật về bảo lãnh ngân hàng được cụ thể hóa trong quy chế bảo lãnh ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành. Hiện nay, quy chế đang được áp dụng là Quy chế Bảo lãnh ngân hàng ban hành kèm Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/06/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, gồm 4 chương với 32 điều. Đây là văn bản pháp luật quy định một cách cụ thể nhất về bảo lãnh ngân hàng hiện nay. Một số quy định của Quy chế bảo lãnh ngân hàng này là:
- Chỉ các TCTD được phép thực hiện thanh toán quốc tế mới được thực hiện bảo lãnh vay, bảo lãnh thanh toán và các hình thức bảo lãnh ngân hàng khác mà người nhận bảo lãnh là tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- TCTD không được bảo lãnh cho những người sau đây: thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) của TCTD; cán bộ, nhân viên của TCTD đó thực hiện thẩm định, quyết định bảo lãnh; bố, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc).
- Giới hạn bảo lãnh: tổng số dư bảo lãnh của TCTD đối với khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của TCTD; tổng số dư bảo lãnh của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng nước ngoài.
2.2.2 Các sản phẩm bảo lãnh của Vietcombank
2.2.2.1 Các loại bảo lãnh Vietcombank đang phát hành
Các loại bảo lãnh do Vietcombank đang phát hành khá phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, bao gồm:
Bảo lãnh vay vốn;
Bảo lãnh thanh toán;
Bảo lãnh dự thầu;
Bảo lãnh thực hiện hợp đồng;
Bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm;
Bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước;
Bảo lãnh khoản tiền giữ lại:
- Bảo lãnh chất lượng công trình; - Bảo lãnh bảo hành;
- Bảo lãnh bảo dưỡng;
Bảo lãnh đối ứng;
Xác nhận bảo lãnh;
Bảo lãnh du học;
Bộ sản phẩm bảo lãnh trong giao dịch nhà đất: - Bảo lãnh dự thầu/tham gia đấu giá;
- Bảo lãnh hoàn tiền đặt cọc; - Bảo lãnh thanh toán tiền cọc; - Bảo lãnh thanh toán tiền mua; - Bảo lãnh thực hiện hợp đồng;
2.2.2.2 Khách hàng trong hoạt động bảo lãnh của Vietcombank
Khách hàng trong hoạt động bảo lãnh của Vietcombank là các khách hàng có nhu cầu bảo lãnh hợp pháp và đáp ứng được các quy định về phát hành cam kết bảo lãnh của Vietcombank, bao gồm:
Khách hàng là cá nhân;
Khách hàng là doanh nghiệp;
Khách hàng là TCTD.
2.2.3 Phương pháp quản lý hoạt động bảo lãnh tại Vietcombank
2.2.3.1 Cách thức thực hiện
Hoạt động bảo lãnh của Vietcombank được thực hiện tại các chi nhánh Vietcombank trên toàn quốc, sử dụng một phần mềm tin học chuyên dụng có chức năng hỗ trợ và quản lý việc phát hành cam kết bảo lãnh, đồng thời phối hợp và liên kết quản lý chung toàn hệ thống. Tại các chi nhánh có quy mô lớn và nhiều kinh nghiệm như Sở Giao dịch và chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, hoạt động bảo lãnh rất đa dạng và được tổ chức thành phòng Bảo lãnh hoạt động độc lập. Với những chi nhánh nhỏ và ít kinh nghiệm hơn, việc thực hiện hoạt động bảo lãnh thường do nhân viên phòng Khách hàng hoặc phòng/bộ phận Xuất Nhập khẩu (sau đây gọi chung là nhân viên tác nghiệp).
Hiện nay, quy trình bảo lãnh tại Vietcombank vẫn chưa được ban hành một cách cụ thể bằng văn bản và việc thực hiện vẫn theo kiểu “người trước truyền lại cho người sau” và “nghề dạy nghề”. Tuy nhiên, các bước thực hiện cũng tương tự như một quy trình chung về bảo lãnh ngân hàng, gồm:
- Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ;
- Bước 2: Phát hành cam kết bảo lãnh;
Sơ đồ 2.3: Sơ đồ phát hành cam kết bảo lãnh
Các bước được tiến hành cụ thể như sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ
Đây là giai đoạn tìm hiểu nhu cầu của khách hàng về nhu cầu phát hành bảo lãnh ngân hàng. Nhân viên tác nghiệp thực hiện các công việc sau:
- Tìm hiểu về nhu cầu phát hành thư bảo lãnh của khách hàng và tư vấn về các điều khoản, điều kiện liên quan trong hợp đồng gốc, các rủi ro của khách hàng liên quan đến cam kết bảo lãnh khi được phát hành và biện pháp phòng ngừa, các điều khoản, điều kiện về phát hành cam kết bảo lãnh và biện pháp bảo đảm cho việc phát hành cam kết bảo lãnh. Đối với những nhu cầu bảo lãnh có giá trị lớn mà bên thụ hưởng ở các nước lạ hoặc các nước có nhiều nguy cơ lừa đảo, nhân viên hướng dẫn hồ sơ thường tham vấn phòng Quan hệ Đại lý tại Hội sở để có cách hướng dẫn phù hợp và hạn chế rủi ro cho khách hàng;
- Hướng dẫn khách hàng hoàn thành các thủ tục về yêu cầu phát hành bảo lãnh ngân hàng theo quy định hiện hành của pháp luật và của Vietcombank. Đối với các trường hợp từ chối, nhân viên hướng dẫn hồ sơ phải giải thích rõ cho khách hàng lý do từ chối.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, tuỳ vào biện pháp bảo đảm cho việc phát hành cam kết bảo lãnh, hồ sơ bảo lãnh được chia thành hai loại: bảo lãnh ký quỹ và bảo lãnh có bảo đảm bằng các biện pháp khác hoặc không có bảo đảm (còn gọi là bảo lãnh không ký quỹ). Trong đó:
1
Tiếp nhận hồ sơ Xử lý sau khi phát
hành cam kết BL
Phát hành cam kết bảo lãnh
+ Bảo lãnh ký quỹ: bao gồm các hồ sơ bảo lãnh mà giá trị bảo lãnh được bảo đảm đủ, bằng tài khoản mở tại Vietcombank (gồm tài khoản tiền gửi, chứng nhận tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu do Vietcombank phát hành) hoặc chứng nhận tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu do kho bạc Nhà nước và các NHTM có uy tín phát hành;
+ Bảo lãnh không ký quỹ: bao gồm các hồ sơ bảo lãnh có bảo đảm bằng
tài sản là bất động sản, động sản và các tài sản khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm bằng hình thức khác hoặc không có bảm đảm. Ngoài ra, còn có trường hợp khách hàng đề nghị ký quỹ thấp hơn giá trị của cam kết bảo lãnh, phần giá trị không ký quỹ được bảo đảm bằng biện pháp khác hoặc không được bảo đảm. Trong trường hợp này, cách thức thực hiện tương tự như bảo lãnh không ký quỹ.
Việc phân chia này phục vụ cho công tác phát hành cam kết bảo lãnh