Thông tin về từ loại (category)
2.3.1 Cấu tạo và phân loại từ trong tiếng Việt
Trong tiếng Việt thì âm tiết là một thứ đơn vị ngữ âm học, nó là kết quả sự kết hợp một âm hay nhiều âm với một thanh điệu nào đó theo quy tắc tổ chức của ngữ âm tiếng Việt. Âm tiết hay còn gọi là tiếng là đơn vị cơ sở của cấu tạo ngữ pháp ngôn ngữ Việt. Tiếng có cấu tạo bằng một âm tiết và tham gia vào hệ thống ngôn ngữ với tư cách một thành tố trong các cơ chế cấu tạo từ ( từ đơn, từ láy, từ ghép…).
Ngoài tiếng là đơn vị cơ sở của cấu tạo ngữ pháp Việt Nam, cần phải nhắc đến từ, cái có thể dùng làm đơn vị trung tâm của ngữ pháp Việt Nam. Là đơn vị nhỏ nhất mà có nghĩa và hoạt động tự do trong câu, từ chi phối toàn bộ cú pháp tiếng Việt, đảm nhiệm và san sẻ các chức năng cú pháp trong câu và góp phần đưa câu vào các cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu. Từ có thể được xem xét từ những góc độ khác nhau: từ phía ngữ âm học, từ phía ngữ nghĩa, từ phía ngữ pháp học, từ phía cách sử dụng… Trong số đó, việc xem xét từ từ góc độ ngữ pháp học là xem xét phối hợp mặt ngữ âm và mặt ngữ nghĩa.
Thực trạng của từ tiếng Việt cho ta nhiều cách tiếp cận về cấu tạo ngữ pháp của chúng. Những cách tiếp cận này không bài xích lẫn nhau mà có tác dụng bổ sung cho nhau, giúp bao quát được toàn bộ vốn từ tiếng Việt. Nếu chỉ dừng lại ở một cách tiếp cận nào đó chúng ta sẽ vấp phải hoặc tính sơ lược hoặc sự cưỡng chết hiện thực ngôn ngữ. Nói cách khác, bản thân tính phức tạp của đối tượng nghiên cứu, tính mâu thuẫn nội tại của sự vật đòi hỏi sự phối hợp những cách tiếp cận chung và riêng có phần khác nhau để làm bộc lộ đối tượng đến mức độ cần thiết. Chúng ta có thể hình dung cấu tạo của từ tiếng Việt như trong lược đồ sau:
Lược đồ 2.1 : Phân loại từ trong tiếng Việt dựa trên cấu tạo từ