Chuỗi giá trị gạo tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận văn: Nghiên cứu hoạt động xuất khẩu và thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1989 đến 2009. pot (Trang 30 - 32)

Chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động. Sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của các chuỗi theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản phẩm thu được một số giá trị nào đó. Chuỗi các hoạt động cung cấp cho các sản phẩm nhiều giá trị gia tăng hơn tổng giá trị gia tăng của tất cả các hoạt động cộng lại.

Quá trình sản xuất lúa hàng hoá, có thể hình dung theo một chuỗi như sau: Thứ nhất là chọn tạo, khảo nghiệm và đánh giá giống, đây là nhiệm vụ của các nhà khoa học; tạo ra giống như thế nào, dài hay ngắn ngày, năng suất hay chất lượng, chống chịu hay nhiễm sâu bệnh... phụ thuộc vào mục tiêu cũng như vật

liệu của chương trình đề ra.

Thứ hai là quá trình chuyển giao và tổ chức sản xuất. Một hoặc một vài giống lúa nào đấy có thể đáp ứng được nhu cầu mong đợi của nông dân. Trong hàng trăm giống lúa được các nhà khoa học trong nước và quốc tế lai tạo, chọn lọc có thể chỉ một vài giống thoả mãn mong đợi trên và nó cũng khác nhau ở từng khu vực.

Khi đã có giống, và giống tốt thì phải được tổ chức sản xuất và hoàn thiện quy trình sản xuất, được chuyển giao vào sản xuất. Tổ chức sản xuất như thế nào đó là mắt xích thứ ba; mắt xích này thuộc về các công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng.

Thứ tư là việc tiêu thụ sản phẩm, việc này phải dựa vào các doanh nghiệp xay xát, kinh doanh lúa gạo.

Hiện nay chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam chủ yếu có hai kênh chính là xuất khẩu và thị trường nội địa. Kênh xuất khẩu qua các khâu từ người nông dân qua các nấc trung gian là thương lái, doanh nghiệp kinh doanh thực hiện sơ chế và xuất khẩu. Các doanh nghiệp mới chủ yếu tập trung vào thu mua và xuất khẩu hàng hóa nông sản thô, chưa qua chế biến, không có thương hiệu nên giá trị thấp. Ít có doanh nghiệp tập trung đầu tư vào sản xuất, bảo quản, chế biến và xây dựng thương hiệu.

Ðể nâng giá trị cho hạt gạo xuất khẩu cần phải nâng cao chuỗi giá trị của hạt gạo từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ. Trong đó tập trung giải quyết từ khâu gieo trồng bảo đảm an toàn, đến thu hoạch, bảo quản và chế biến để giảm tổn thất và tăng chất lượng sản phẩm. Trong tiêu thụ, chú ý đầu ra của hạt gạo bằng việc "mua tận ruộng, bán tận nhà máy" nhằm giảm chi phí trung gian, rút ngắn khoảng cách lưu thông của hạt gạo từ cánh đồng đến nhà kho, góp phần khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất, giải tỏa nỗi lo kho chứa khi trúng mùa. Về lâu dài các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này cần đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại, bằng việc khảo sát, lựa chọn thị trường, nắm bắt thị hiếu người tiêu

dùng ở từng khu vực để đặt hàng nông dân sản xuất loại gạo thị trường cần, với giá bán phù hợp, không để bị ép giá và cạnh tranh phá giá; kịp thời dự báo sản lượng, dự báo các chủng loại gạo xuất khẩu để nông dân không bị lúng túng và có thể chọn giống sản xuất phù hợp. Thay đổi dần phương thức thu mua và chế biến gạo theo kiểu bị động, khó kiểm soát, sang xây dựng các vùng nguyên liệu bền vững, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân.

Để nâng cao chuỗi giá trị gạo, ngoài việc quản lý tốt và hiệu quả chuỗi cung ứng gạo và quản lý chất lượng trong toàn chuỗi bằng các liên kết dọc (liên kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi) và liên kết ngang (các nhà hỗ trợ thúc đẩy chuỗi – chính quyền địa phương các cấp, các hiệp hội, khuyến nông,…) thì các chính sách vĩ mô để điều tiết mặt hàng gạo nhất là gạo xuất khẩu cũng vô cùng quan trọng. Về lâu dài, chính phủ cần xây dựng những cơ sở thu mua quy mô lớn và kho bảo quản dữ trữ lúa tập trung của nông dân với quy trình kỹ thuật cao, bảo đảm chất lượng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu liên tục và ổn định cũng như tránh lúa ứ đọng trong dân làm giảm chất lượng dẫn đến giá trị hạt gạo thấp.

Một phần của tài liệu Luận văn: Nghiên cứu hoạt động xuất khẩu và thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1989 đến 2009. pot (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)