Xây dựng hồ chứa
Xây dựng hồ chứa thượng nguồn là một trong những hành động khai thác lưu vực có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển vùng bờ biển do thay đổi cân bằng nước và bồi tích dẫn đến bồi tụ hay xói lở bờ ở vùng đông bắc Việt Nam, ảnh hưởng này không đáng kể. Nhưng ở vùng bờ châu thổ sông Hồng, ảnh hưởng này rất lớn và diễn biến tác động không lường hết được. Cả 2 phụ lưu chính của sông Hồng đều bị ngăn tạo hồ chứa - hồ chứa Hoà Bình trên sông Đà và hồ chứa Thác Bà trên sông Chảy. Sông Đà là phụ lưu lớn nhất với diện tích lưu vực 51.700 km2 tính tới Hoà Bình, chiếm 50% tổng thuỷ lượng và 42 - 78% lượng chảy lũ của hệ thống sông Hồng. Đập Hoà Bình có sức chứa 9,45 tỷ m3, chiếm 8,29% tổng thuỷ lượng năm của hệ thống sông Hồng và gấp 4 lần hồ Thác Bà. Mỗi năm, lòng hồ Hoà Bình nhận 48 triệu tấn bồi tích, tương dương với 83% lượng bồi tích đổ vào (còn 17% qua xả lũ) hay chiếm 42% tổng tải lượng phù sa của hệ thống sông Hồng.
Môi trường và chế độ thuỷ văn khu vực nghiên cứu có sự thay đổi mạnh vào thời điểm trước và sau khi vận hành công trình thuỷ điện Hoà Bình. Lưu lượng nước từ hệ thống sông Hồng vào sông Càn sau khi vận hành hồ thuỷ điện Hoà Bình giảm, dẫn tới giảm lượng phù sa và gia tăng xâm nhập mặn.
Bảng 17: Sự thay đổi lưu lượng nước sông Đáy và sông Càn trước và sau khi vận hành hồ chứa nhà máy thuỷ điện Hoà Bình
Tên sông Thời kỳ trước khi có thuỷ điện Hoà Bình (trước năm 1970)
Thời kỳ sau khi có thuỷ điện Hoà Bình (sau năm 1990)
Sông Đáy 0,31 Q Hà Nội 0,32 Q Hà Nội
Sông Càn 0,09 Q Hà Nội 0,08 Q Hà Nội
Bảng 18: Tổng lượng phù sa hàng năm đi ra biển qua các cửa sông trước và sau khi vận hành nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (đơn vị triệu tấn)
Tên sông Trước năm 1970 Sau năm 1990 G sau/Gtrước
Sông Đáy 23,305 13,970 0,59
Sông Càn 5,329 3,153 0,59
Về mặt lý thuyết, sự thiếu hụt bồi tích như vậy lẽ ra đã gây hiệu ứng gần như gián đoạn quá trình bồi tụ, gây xói lở mạnh mẽ trên toàn tuyến nhưng vấn đề phức tạp hơn nhiều và đặc biệt ở vùng cửa Đáy vẫn tiếp tục bồi tụ mở rộng với tốc độ chưa từng thấy, trên 100m/năm. Đây là tốc độ do con người tạo ra trong quá trình khai khẩn đất đai, chiếm cứ không gian môi trường trầm tích, phát triển cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, cưỡng bức phân bố cục bộ nguồn bồi tích của hệ thống sông Hồng.
Quai đê lấn biển
Quá trình phát triển bãi bồi và vùng phụ cận Kim Sơn bắt đầu từ thế kỷ XV, khi đê Hồng Đức (1471) bắt đầu được tiến hành xây dựng. Công việc chinh phục mở mang bờ cõi của nhân dân huyện Kim Sơn và vùng phụ cận thể hiện qua 9 lần quai đê lấn biển, từ đê Hồng Đức 1471 đến đê Bình Minh 3 (2001)
1. Lần quai đê đầu tiên vào năm 1471 để xây dựng hệ thống đê Hồng Đức. Vào thời kỳ này, trục đê gần như đường thẳng chạy theo hướng đông bắc - tây nam.
2. Đê Đường Quan được xây dựng vào năm 1828, hướng trục đê ngả hơn về đông song theo hướng chủ đạo đông bắc - tây nam.
3. Đê Đường 10 xây dựng vào năm 1899, gần như song song với hệ thống đê Đường Quan.
4. Đê Hoành Trực được xây dựng năm 1927. Do hoạt động uốn khúc và kéo dài cửa sông của sông Đáy và sông Càn, chiều ngang bãi bồi bị thu hẹp đáng kể. Hướng trục đê đã thay đổi chuyển về đông - đông bắc và tây - tây nam, dài khoảng 5 km.
5. Đê Tùng Thiện được khởi công năm 1933, không theo trục thẳng mà có uốn theo hướng chủ đạo gần như đông - tây, dài khoảng 7 km.
6. Đê Cồn Thoi xây dựng vào năm 1945 nhằm bao quanh khu vực bãi bồi phát triển ở cửa sông Đáy có đỉnh cung lồi hướng về phía tây nam, dài khoảng 4 km.
7. Quá trình quai đê Bình Minh 1 diễn ra năm 1959. Hệ thống đê này có hướng tây bắc - đông nam phù hợp với đường bờ biển lúc bấy giờ. Đê Bình Minh 1 dài khoảng 8 km.
8. Đê Bình Minh 2 được xây dựng sau đê Bình Minh 1 là 21 năm và hoàn thành vào năm 1982. Chiều dài đê Bình Minh 2 khoảng 14 km.
9. Đê Bình Minh 3 được khởi công từ năm 1999. Đê có chiều dài theo thiết kế là 15,5 km.
Như vậy, lần quai đê lấn biển thứ 2 cách lần thứ 1 là 357 năm, giữa lần 3 và lần 2 là 71 năm, giữa lần 4 và lần 3 là 28 năm còn những lần quai đê lấn biển sau chỉ cách nhau 15 - 20 năm. Công cuộc quai đê lấn biển một mặt thúc đẩy quá trình phát triển của đất liền ra biển, mặt khác mở rộng diện tích đất canh tác và đất thổ cư. Bên cạnh mặt tích cực như quai đê lấn biển, một số hoạt động khác của con người đã và đang làm phát sinh những hiện tượng bất lợi đối với quá trình phát triển tự nhiên của bãi bồi và làm thay đổi các hình thái sử dụng tài nguyên đất khu vực. Hàng loạt các hoạt động của con người trong khai thác rừng ngập mặn, đào đắp ao nuôi thuỷ sản, đánh bắt hải sản đã làm suy giảm chất lượng bãi bồi.