III. KIẾN NGHỊ VÀ CÁC GIẢI PHÁP VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
3.2.1. Sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường
Để bảo vệ môi trường, ngoài các biện pháp về pháp luật, quy định, chính sách (các biện pháp hành chính) thì các công cụ kinh tế như phí, lệ
phí,... cũng được ứng dụng rộng rãi ở các nước phát triển. Với mức độ ô nhiễm như ở Việt Nam hiện nay thì áp dụng một số công cụ kinh tế trong kiểm soát việc phát thải là hoàn toàn có thể. Việc lựa chọn công cụ (hay một tập hợp công cụ) phụ thuộc vào nhiều điều cân nhắc, không chỉ là hiệu quả kinh tế. Vấn đề quan trọng ở chỗ là công cụ đó vừa phải có hiệu quả vừa phải có tính công bằng, khả thi về mặt quản lý, tin cậy được và cung cấp những khuyến khích kinh tế linh hoạt và liên tục cho việc cải thiện môi trường. Trong trường hợp phát thải của các phương tiện giao thông cơ giới hiện nay ở Việt Nam, mục tiêu là giảm về số lượng và nâng cao chất lượng xe lưu thông tại đô thị thì một công cụ có thể được xem xét là phí môi trường.
Phí môi trường được xem xét theo hai nội dung: phí đối với hoạt động khai thác thành phần môi trường và phí đối với hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Một trong các lợi ích của việc áp dụng đúng mức phí môi trường là cho phép các nhà sản xuất và tiêu dùng được chủ động trong việc giảm thiểu chi phí để đạt được mục tiêu môi trường. Để đảm bảo tính công bằng và thuyết phục thì cùng với việc xây dựng chương trình thu phí môi trường cần xác định cơ sở khoa học và thực tiễn cho phí môi trường một cách hợp lý. Phí môi trường có thể xác định theo 3 cách tiếp cận khác nhau. Đó là căn cứ vào nguồn thải, theo đầu vào hoặc nguyên nhiên vật liệu, và theo sản phẩm cuối cùng có liên quan đến các vấn đề môi trường.
Do khí thải của các phương tiện giao thông là nguồn thải quá nhỏ nên cách tiếp cận thích hợp là phí môi trường tính theo đầu vào của nguyên liệu. Phí này được tính theo mức độ, khả năng phát thải của nguyên liệu, so với phí đánh vào đầu ra thì có lợi thế nhiều hơn. Mức phí cũng sẽ khác nhau cho các loại nhiên liệu khác nhau gây ô nhiễm môi trường.
Phí đầu vào có các ưu điểm:
- Áp dụng phí đầu vào hay phí nguyên vật liệu không phải sử dụng hệ thống Monitoring khí thải.
- Chi phí quản lý và điều hành thấp hơn so với phí môi trường đánh vào đầu ra, bởi vì số các đối tượng phải trả phí môi trường theo đầu vào hoặc nguyên liệu ít hơn. Ví dụ: Nếu đánh phí theo đầu ra đối với CO2 thì số nguồn thải sẽ vô cùng lớn. Còn nếu đánh phí CO2 theo đầu vào thì số lượng các nhà sản xuất sẽ ít hơn nhiều.
- Khi sử dụng phí môi trường đánh vào đầu vào phần lớn các nhà sản xuất, các đối tượng tiêu thụ sẽ tìm cách chuyển nhu cầu sang các nguồn nguyên liệu hoặc đầu vào thay thế khác. Điều đó tự nhiên thay thế được một số hoạt động, một số các chất có hại cho môi trường bằng các chất, hoạt động có lợi cho môi trường hơn.
Nhiều nước trên thế giới như Canada, Mỹ,... đã sử dụng phí môi trường đánh vào đầu vào đối với xăng ô tô, xe máy,... Hà Lan, Phần Lan, Nauy, Thụy Sĩ áp dụng phí môi trường theo đầu vào cho khí CO2,...
Phí môi trường tính theo đầu vào hoặc nguyên liệu sẽ khuyến khích các nhà sản xuất bằng mọi cách phải giảm thiểu mức phí phải trả và gián tiếp tác động tốt đến môi trường. Họ có thể thay thế nguyên liệu đầu vào bằng loại ít độc hại đối với môi trường hoặc sử dụng kỹ thuật sản xuất tốt hơn để giảm phí môi trường. Trường hợp phí môi trường tính theo nguyên liệu chỉ có thể khuyến khích các nhà sản xuất ô tô sử dụng ít nhiên liệu hơn hoặc loại động cơ sử dụng các loại nguyên liệu khác, chứ không thể khuyến khích các nhà sản xuất lắp đặt hệ thống giảm thiểu khí thải hoặc kiểm soát ô nhiễm.
Như vậy, phí môi trường theo đầu vào hoặc theo nhiên liệu sẽ khuyến khích các nhà sản xuất có những thay đổi tích cực đối với môi trường theo hai cách hoặc tìm đầu vào khác ít độc hại hơn cho môi trường hoặc thay thế một công nghệ sản xuất tốt hơn. Để đạt mục tiêu này đối tượng của phí tính theo đầu vào tất yếu phải có khả năng co giãn hoặc thay thế.