quyền công tố tại phiên toà xét xử sơ thẩm, phúc thẩm hình sự từ năm 1998 đến năm 2007 ở tỉnh An Giang
2.1.3.1. Tại phiên toà xét xử sơ thẩm án hình sự
Trước khi có Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp thì vấn đề tranh tụng ít được nghiên cứu, đề cập trong khoa học pháp lý. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 qua các lần sửa đổi cũng ghi nhận Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, điều tra tội phạm trong những trường hợp do Luật Tố tụng hình sự quy định (cùng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật) và tại Điều 191 được hiểu rằng tranh luận giữa Kiểm sát viên thực hành quyền công tố với bị cáo hoặc người bào chữa phát sinh “sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên toà, Kiểm sát viên trình bày những lời luận tội và đề nghị kết tội bị cáo … và xem đó là giai đoạn trong trình tự tố tụng hình sự” [22, tr.533].
Từ Thông báo 01-TB/BCĐCCTP ngày 31/05/2002 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp về việc tổ chức phiên toà mẫu ở một số địa phương để rút kinh nghiệm nhằm “Bảo đảm
tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác …; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà” của
Nghị quyết 08 thì vấn đề tranh tụng tại phiên toà hình sự đã kích thích việc nghiên cứu càng lúc càng nhiều hơn làm sáng tỏ về nhận thức giữa tranh tụng, tranh tố tụng hình sự và tranh luận tại phiên toà; những yếu tố cấu thành, đảm bảo về năng lực tranh tụng của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà hình sự … và tuy Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung) 2003 không quy định tranh tụng thành Điều văn trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật, nhưng “cũng đã quy định theo hướng mở rộng yếu tố tranh tụng mà cụ thể là nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà và Kiểm sát viên có trách nhiệm hỏi, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ cáo trạng” [18, tr.40]. Thực tế vẫn còn có Kiểm sát viên chưa nhận thức được.
Như vậy, trước yêu cầu Kiểm sát viên phải nhận thức kịp thời quy định của pháp luật thì đây cũng là một trong những hạn chế khi được phân công thực hiện nhiệm vụ.
Mặt khác, tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định “Không ai bị coi là
có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” là nguyên tắc khẳng định trong các giai đoạn tố tụng hình sự thì giai đoạn xét xử là
giai đoạn mang tính chất quyết định đối với vụ án và tương ứng với giai đoạn này là việc Kiểm sát viên được uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo các Điều 206, 207, 218, 247 và 282 của Bộ luật Tố tụng hình sự và các Điều 17, 18 Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2002 liên quan đến việc giải quyết vụ án tại phiên toà như: Đọc cáo trạng, quyết định của Viện Kiểm sát liên quan đến việc giải quyết vụ án; tham gia xét hỏi; thực hiện việc luận tội đối với bị cáo tại phiên toà sơ thẩm, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên toà phúc thẩm; tranh luận với người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm … Vẫn còn bộc lộ những thiếu sót:
Trước hết cần xác định rằng xét xử án hình sự sơ thẩm: là giai đoạn tố tụng rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tại phiên toà sơ thẩm, Toà án công khai tiến hành điều tra chính thức toàn bộ các tình tiết của vụ án bằng cách kiểm tra chứng cứ, tài liệu thu thập ở giai đoạn điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu, lời khai mới với sự tham gia đầy đủ của những chủ thể phía tiến hành tố tụng, phía tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ, theo quy định của pháp luật, nhất là những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Và từ đó, Toà án xem xét, ra phán quyết công khai việc bị cáo có phạm tội hay không, biện pháp áp dụng về trách nhiệm hình sự đối với bị cáo phạm tội, các biện pháp tư pháp khác có liên quan đến tội phạm như xử lý tài sản, vật chứng … và quyết định về án phí.
Tại phiên toà, năng lực tranh tụng của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố thể hiện trong suốt giai đoạn này mà tập trung nhất là phần tranh luận để bảo vệ việc buộc tội đối với bị cáo đã truy tố.
Thực hiện Quyết định 120/2003/QĐ-VTC (V9) ngày 09/04/2003 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về cơ cấu bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát nhân dân ở cấp tỉnh, Viện Kiểm sát An Giang có 9 phòng, trong đó có phòng thực hành quyền công tố-kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự; phòng thực hành quyền công tố
và Kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự. Trước đó, việc thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự của sơ thẩm và phúc thẩm được giao cho một phòng chuyên trách; hoạt động kiểm sát điều tra của từng loại án là những phòng riêng. Ở cấp huyện, chia làm 03 bộ phận, trong đó có bộ phận thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam.
Như vậy, ở tỉnh từ chuyên khâu thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm và phúc thẩm được tách ra phần thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm giao về cho các phòng kiểm sát điều tra.
Việc thực hiện trong những năm qua cho thấy Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà còn bộc lộ một số thiếu sót:
* Thiếu sót trước hết là chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án:
Hồ sơ vụ án được xác lập là cả một quá trình thu thập của cơ quan điều tra. Cùng với quá trình đó, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố thực hiện nhiệm vụ vừa hướng dẫn, vừa phối hợp để củng cố chứng cứ và xem xét các vấn đề có liên quan đạt yêu cầu xử lý vụ án và tất cả những mâu thuẩn tồn tại cần được giải đáp, xử lý trong thời gian luật định. Cùng với sự tồn tại khách quan của vụ việc được xác định có tội phạm xảy ra và điều tra tái hiện lại hành vi phạm tội của bị can thì điều tra viên, Kiểm sát viên tiến hành tố tụng tuy đã thể hiện thái độ khách quan trong thực hiện trách nhiệm nhưng vẫn có những yếu tố chủ quan thậm chí thoả mãn với kết quả đã đạt qua hồ sơ vụ án. Và sau khi có cáo trạng truy tố chuyển hồ sơ sang Toà án thì Luật sư và Thẩm phán được phân công tiếp cận nghiên cứu thực hiện việc xét xử, bào chữa …
Như vậy, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố cần phải nâng chất lượng nghiên cứu hồ sơ. Thực tế, vẫn còn tình trạng nghiên cứu hồ sơ vụ án còn sơ sài, không sâu, không kỹ và dễ thoả mãn với kết quả điều tra của cơ quan điều tra nên nắm không chắc các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, các tình tiết của vụ án; những mâu thuẩn giữa các chứng cứ buộc tội, gỡ tội hoặc những thiếu sót phải được điều tra bổ sung để làm rõ thêm lại không được phát hiện. Cũng từ nghiên cứu hồ sơ không kỹ, không đầy đủ nên còn tình trạng cáo trạng viết dập khuôn kết luận điều tra, luận tội thì lập lại cáo trạng do không tổng hợp, phân tích được các chứng cứ, chuẩn bị không sát việc xây dựng đề cương xét hỏi
và các vấn đề dự kiến tranh luận tại phiên toà. Nên có vụ, cấp phúc thẩm huỷ bản án và giao về cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, như:
Bản án xét xử sơ thẩm hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Quới, phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Quới là cán bộ chuyên trách của Uỷ ban nhân dân Phường được phân công theo dõi những hộ nghèo đã được xác định theo tiêu chuẩn quy định. Theo chủ trương, hộ nghèo được vay vốn Ngân hàng chính sách với thủ tục vay có đại diện của Uỷ ban nhân dân Phường ký bảo lãnh cho từng hộ. Quới có trách nhiệm lập danh sách, hướng dẫn lập thủ tục, theo dõi việc đôn đốc, trả vốn và lãi cho Ngân hàng theo định kỳ. Từ đó, Quới trực tiếp thu, không giao nộp, giữ lại để tiêu xài cá nhân số tiền 16.856.000 đồng của 25 hộ nghèo ở địa bàn phụ trách. Ngoài ra, cũng tại địa bàn đó, Quới còn làm thủ tục vay tín chấp cho 04 tổ viên của Tổ liên kết sản xuất, thu lại được 11.082.000 đồng vốn và lãi phải nộp trả cho Ngân hàng, Quới giữ lại để tiêu xài. Ngân hàng nơi phát vay đòi nợ, vụ việc được phát hiện, xử lý hình sự.
Qua tài liệu kiểm tra, đối chiếu ban đầu còn có việc Quới kê khống hơn mức yêu cầu vay của 04 hộ trong Tổ liên kết sản xuất với số tiền chênh lệch là 15 triệu đồng và chiếm đoạn luôn.
Phần này, tài liệu thu thập ban đầu có trong hồ sơ của cơ quan điều tra, nhưng không được xem xét, kết luận.
Án sơ thẩm xét xử bị cáo phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, nhưng không đưa đại diện Uỷ ban nhân dân Phường vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan trong vụ án là vi phạm Luật Tố tụng hình sự. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà xét xử sơ thẩm cũng không phát hiện việc sai sót này và cả đối với việc điều tra làm rõ thủ đoạn của Quới kê khống (vượt mức yêu cầu vay của 04 Tổ viên) để chiếm đoạt số tiền nêu trên.
Bản án phúc thẩm xử huỷ bản án của cấp sơ thẩm và giao lại cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xét xử lại theo trình tự tố tụng sơ thẩm [29, tr.4-5].
Mặt khác, do nghiên cứu hồ sơ không kỹ nên trích cứu không đầy đủ các
lời khai của bị can, người bị hại, người làm chứng … cùng các chứng cứ, tài liệu và còn tình trạng chỉ sao chụp các tài liệu, chứng cứ rồi để trong hồ sơ vụ việc nên không trích cứu có hệ thống … dẫn đến khi thực hành quyền công tố tại phiên toà phát sinh tình huống mới, gặp vấn đề phức tạp cần có ý kiến của Kiểm sát viên thì bị động, lúng túng, không đưa ra được ý kiến phù hợp; có phiên toà, Kiểm sát viên không chủ động tham gia xét hỏi để củng cố chứng cứ, tài liệu làm cơ sở kết luận hành vi phạm tội của bị cáo hoặc có câu hỏi lại trùng lấp với câu hỏi của Hội đồng xét xử. Cũng từ nghiên cứu không kỹ hồ sơ vụ án nên việc đối đáp tranh luận với các ý kiến kiến nghị của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác … thì diễn giải lòng vòng, gần như nhắc lại nội dung bản cáo trạng, không đưa ra được chứng cứ, lý giải, lập luận, chứng minh nhằm bác bỏ những ý kiến không đúng của phía phản bác để bảo vệ việc buộc tội qua cáo trạng.
Do chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa tốt nên từ năm 1998 đến 2007, toà án trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát cấp tỉnh và cấp huyện để điều tra bổ sung 182 vụ án, trong đó ở cấp tỉnh là 49 vụ án, cấp huyện 106 vụ án. Tuy vẫn có những vụ sau khi tiếp nhận Viện Kiểm sát nghiên cứu, kiểm tra lại và có văn bản khẳng định không cần phải điều tra lại, hồ sơ đó đã đủ căn cứ, giữ nguyên bản cáo trạng đã truy tố; một số do phát sinh chứng cứ mới tại phiên toà xét xử hoặc một ít vụ khi toà án chuẩn bị xét xử lại có Nghị quyết 32 của Ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành một số Điều luật mới trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung) nên rút hồ sơ để xử lý khác … thì vẫn còn 69,4% số vụ Toà trả hồ sơ do chất lượng nghiên cứu hồ sơ của Kiểm sát viên chưa tốt.
* Thiếu sót của Kiểm sát viên ở phần xét hỏi tại phiên toà:
Theo Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (sửa đổi) thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Tại phiên toà, Kiểm sát viên có nhiệm vụ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo để bảo vệ cáo trạng (vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm sát tuân theo pháp luật) chủ yếu bằng việc xét hỏi, tranh luận. Nhưng thiếu sót ở phần xét hỏi của Kiểm sát viên còn tập trung ở một số việc:
Về bản chất, tại phiên toà xét xử án hình sự là cuộc điều tra công khai với đầy đủ các thành phần của phía buộc tội, bào chữa và xét xử. Xét hỏi tại phiên toà nhằm làm rõ sự thật khách quan vụ án nên mục đích cũng có sự khác nhau giữa phía buộc tội, phía bào chữa về
trách nhiệm hình sự của bị cáo. Vì vậy, kế hoạch xét hỏi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, luật sư hoặc người bào chữa đối với bị cáo và những người có liên quan tham gia tố tụng tại phiên xử có khác nhau, nhất là những vụ án phức tạp, nhiều bị cáo bị truy tố với nhiều tội danh liên quan nhiều chủ thể … vẫn còn tình trạng Kiểm sát viên do chủ quan nên thiếu lập kế hoạch xét hỏi tỉ mĩ và dự kiến các tình huống có thể xãy ra trong quá trình xét hỏi; lúng túng, bị động và có thái độ nóng nải khi bị cáo không nhận tội, phản cung; hoặc cho rằng cáo trạng đã nêu đầy đủ nên không sử dụng các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và các tài liệu được xét hỏi tại phiên toà để đấu tranh, thuyết phục bị cáo. Có trường hợp do sự đan chéo mâu thuẩn giữa các ý kiến trả lời và ghi nhận không đầy đủ nên Kiểm sát viên hỏi trung lấp với câu hỏi của chính mình, của Hội đồng xét xử đã nêu. Có Kiểm sát viên khi xét hỏi, đặt câu hỏi phức tạp làm cho người được hỏi không hiểu hoặc sử dụng từ ngữ quá thuần về chuyên môn nên phải giải thích lòng vòng, nhiều lần gây mất thời gian của phiên toà.
Thực tế còn cho thấy việc xét hỏi của Kiểm sát viên thường tập trung vào việc làm rõ tội danh, các tình tiết liên quan trách nhiệm hình sự; ít chú ý xét hỏi người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mà những nội dung yêu cầu của họ cũng có những mâu thuẩn trong việc xác định lợi ích, thiệt hại phải được xem xét, bồi thường nhất là những vụ án liên quan đến tội cố ý gây thương tích, giết người, hiếp dâm, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ … do vậy, phần nhiều những nội dung này việc xét hỏi chỉ do Chủ toạ phiên toà và luật sư hoặc của người bào chữa, nên trong số 1.074 vụ thụ lý, xét xử phúc thẩm hình sự có đến 04,4% vụ án có kháng cáo, kháng nghị án sơ thẩm cấp Huyện về việc yêu cầu xác định, xem xét phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
* Thiếu sót của Kiểm sát viên ở phần luận tội và tranh luận tại phiên toà.