Những thành tựu đã đạt được

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển công nghiệp tỉnh Thanh Hoá: thực trạng và giải pháp (Trang 43 - 46)

Hoạt động đầu tư phát triển công nghiệp đã mang lại cho tỉnh Thanh Hoá những thành tựu đáng ghi nhận đó là:

Thứ nhất: Công nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế Thanh Hoá.

Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 1990 – 2005, tỉ trọng của ngành công nghiệp tăng liên tục từ 13,9% năm 1990 và đạt 24% năm 2005. Công nghiệp và TTCN giữ vai trò là động lực phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hoá trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá. Nó góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, các nguyên liệu nông – lâm - thủy sản làm thay đổi sự phân công lao động theo vùng, lãnh thổ và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh. Góp phần hình thành các khu đô thị mới, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn.

Thứ hai: Công nghiệp Thanh Hoá đang trong quá trình chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

Được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng của sản xuất CN – TTCN khá cao qua các năm, phát triển CN – TTCN ở tất cả các thành phần kinh tế, ở các vùng kinh tế hình thành các KCN tập trung, mạng lưới các cụm CN – TTCN vừa và nhỏ. Công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh

Thanh Hoá, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là công nghiệp hoá nông nghiệp – nông thôn

Thứ ba: Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực tuy còn chậm

Cũng giống như đặc điểm của ngành công nghiệp cả nước, cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh Thanh Hoá chưa hiện đại. Công nghiệp khai thác tuy phù hợp với đặc điểm sử dụng khoáng sản phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng có được của tỉnh; công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất; công nghiệp điện nước tăng trưởng chậm. Tốc độ tăng trưởng phân theo ngành có sự khác nhau, công nghiệp khai thác tăng trưởng chậm đạt 7,6% thời kỳ 2000 – 2004. Công nghiệp chế biến tăng cao nhất đạt 20,5% trong thời kỳ 2000 – 2005. Công nghiệp điện nước tăng trưởng chậm nhất.

Công nghiệp tỉnh Thanh Hoá hiện sản xuất trên 50 sản phẩm chủ yếu các loại, trong đó có một số loại có sản lượng cao, chất lượng tốt được nhiều người tiêu dùng tín nhiệm như xi măng Bỉm Sơn; thủy sản xuất khẩu; phân bón các loại…. Có loại mới sản xuất nhưng đã được nhiều khách hàng ưu chuộng như bao bì PP, phụ gia xi măng, tinh bột sắn, các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, nứa ghép…..

Thứ tư: cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế có sự chuyển dịch nhanh theo chính sách đổi mới của nhà nước.

Thực hiện chính sách công nghiệp hoá - hiện đại hoá gắn liền với sự phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế của Thanh Hóa đã có nhiều thay đổi. Từ năm 1995 trở về trước, sản xuất CN – TTCN tập trung hoàn toàn vào khu vực kinh tế trong nước, bao gồm kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh. Từ năm 1996 đến nay, bên cạnh khu vực kinh tế trong nước, đã có sự tham gia của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với xu thế ngày càng tăng về tỷ

trọng. Những ngành công nghiệp thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài là vật liệu xây dựng, thực phẩm và đồ uống, chế biến thuỷ hải sản…

Ở khu vực kinh tế trong nước, kinh tế công nghiệp ngoài quốc doanh đã vươn lên, đặc biệt là năm 1999-2000 sau khi thực hiện chủ trương sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã tiến hành cổ phần hoá trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Công ty bia Thanh Hoá, Công ty đường Lam Sơn, Công ty giấy Lam Sơn…. Nhờ có sự đổi mới cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế mà tỉnh đã huy động được các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển nền công nghiệp của tỉnh

Thứ năm: cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ đang có sự điều chỉnh để đạt hiệu quả cao hơn

Thực hiện sản xuất công nghiệp theo 3 vùng kinh tế, trong đó khu vực đồng bằng vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhưng tăng dần tỷ trọng công nghiệp ở khu vực ven biển và miền núi.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã hình thành các KCN, các cụm công nghiệp và các làng nghề TTCN. Sự hình thành các cụm công nghiệp, các làng nghề TTCN gắn liền với sự hình thành và phát triển đô thị có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế các vùng xung quanh. Tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, tạo ra thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân. Trong quá trình triển khai quy hoạch công nghiệp theo lãnh thổ, để huy động các nguồn lực và đẩy nhanh hơn nữa sản xuất CN – TTCN, một số huyện thị đã chủ động lập dự án và triển khai xây dựng các cụm công nghiệp, cụm làng nghề như: cụm công nghiệp Nga Sơn, cụm công nghiệp Hà Phong( Huyện Hà Trung), cụm công nghiệp Hoàng Long ( Huyện Hoằng Hoá), cụm làng nghề Quảng Đức ( Huyện Quảng Xương)….Việc đầu tư phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề không những góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trong nông thôn theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hóa,

mà còn tạo ra được công ăn việc làm cho lượng lao động dư dôi trong nông thôn.

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển công nghiệp tỉnh Thanh Hoá: thực trạng và giải pháp (Trang 43 - 46)