Về đội ngũ công chức trong bộ máy hành chính nhà nước

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quyền hành pháp trong cơ cấu quyền lực thống nhất ở Việt Nam pot (Trang 29 - 31)

Đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay là lực lượng quyết định cho sự thực hiện quyền hành pháp hiện nay của bộ máy hành chính nhà nước. Thực tế đã chứng minh rằng: Để hoạt động có hiệu quả, thì một điều kiện cơ bản đối với mỗi cơ quan, tổ chức là có đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý và có năng lực. Thế nhưng, thực tế việc thực hiện quyền hành pháp của bộ máy hành chính trong thời gian qua đã chứng tỏ đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn những tồn tại đã làm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính ở trung ương cũng như ở địa phương như tình trạng:

- Đội ngũ cán bộ, công chức chưa hợp lý về cơ cấu, tính chất;

- Một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng cả về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn lẫn tinh thần phục vụ nhân dân. Họ có biểu hiện vô trách nhiệm, quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, buôn lậu, thiếu kỷ cương, vô chính phủ; có lối làm việc thủ công, luộm thuộm, sản xuất nhỏ, manh mún. Những hạn chế này đã thực sự gây phiền hà cho nhân dân, làm giảm hiệu quả công tác lãnh đạo, làm yếu hiệu lực quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của bộ máy hành chính, đồng thời trật tự kỷ cương xã hội bị vi phạm, tệ quan liêu, lãng phí có điều kiện phát sinh, phát triển và sự tin cậy, gắn bó của nhân dân với Nhà nước bị giảm sút.

- Về "công vụ", "công chức" chưa được rõ ràng. Điều đó dẫn đến các quy chế, việc xây dựng chức danh, tiêu chuẩn, phương pháp quản lý, cách thi tuyển, đánh giá, quản lý cán bộ, công chức vẫn là những vấn đề cần phải được nhìn nhận một cách khoa học hơn.

Tuy nhiên trong những năm qua việc đổi mới về công tác cán bộ, công chức chúng ta cũng đã đạt được những việc đáng kể sau:

- Trước hết đó là việc ban hành Pháp lệnh cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức.

- Đã có bước chuyển biến trong quản lý, sử dụng cán bộ, công chức như đổi mới và đưa vào nề nếp bước đầu công tác tuyển chọn, đánh giá, thi nâng ngạch, thi đua khen thưởng, đào tạo bồi dưỡng, đề bạt.

- Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức đã từng bước được thay đổi tích cực, đã thiết kế lương theo ngạch, bậc công chức; thông qua nhiều kênh để thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, công chức.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được đẩy mạnh (năm 1998: 15% cán bộ, công chức Trung ương và 10% cán bộ, công chức địa phương; năm 1999 số lượng này tăng lên là 20% ở Trung ương và 12% ở địa phương. Nội dung chương trình đào tạo đã có những cải tiến tập trung vào nâng cao trình độ chính trị, kiến thức quản lý mới và kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học.

- Đại bộ phận cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực làm việc, phong cách làm việc được đổi mới...

Theo chúng tôi, đối với đội ngũ cán bộ, công chức còn được coi là một yếu tố quyết định đối với hiệu quả hoạt động hành pháp của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Vì thế cải cách bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hành pháp điều đó còn được gắn liền với việc thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức "vừa hồng vừa chuyên", giỏi về chuyên môn, vững vàng về chính trị, phẩm chất đạo đức tốt. Muốn làm được như vậy thì trước hết phải hoàn thiện chế định về cán bộ công chức (hiện nay pháp lệnh về cán bộ công chức cũng như một số văn bản liên quan chưa đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu đó, còn nhiều bất cập).

Mặt khác, việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức điều đó còn liên quan đến việc đấu tranh phòng và chống tội tham nhũng hiện nay trong đội ngũ cán bộ công chức, nhất là đối với những người có chức vụ quyền hạn. Cần phải cương quyết và mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chống tham nhũng tránh tình trạng "quan thì xử theo lễ, còn dân thì xử theo tội..."

Trên đây là một số kiến nghị mà chúng tôi mạnh dạn đưa ra, xuất phát từ những nguyên lý chung cũng như những đòi hỏi của thực tiễn hiện nay trong sự nghiệp đổi mới, nhằm quan đó thúc đẩy việc cải cách nền hành chính có hiệu quả, trên cơ sở đó hiệu lực và hiệu quả của quyền hành pháp sẽ được tăng cường với đúng nghĩa là một nhánh của quyền lực nhà nước.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quyền hành pháp trong cơ cấu quyền lực thống nhất ở Việt Nam pot (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(49 trang)