Khi phương tiện chở hàng bị tai nạn và đe doạ an toàn cho hàng hoá cho người được bảo hiểm phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan liên quan nơi gần nhất như cơ quan hàng hải, cơ quan bảo hiểm… để các cơ quan này có biện pháp theo dõi và phòng bị cho tàu và hàng hoá.
Nếu được thông tin hay phát hiện thấy thực tế hàng hoá bị tổn thất thì người được bảo hiểm cần làm ngay các việc sau: Thông báo cho người bảo hiểm biết và nếu thấy tình hình hàng hoá tổn thất hoặc nghi ngờ có tổn thất thì cần làm giấy yêu cầu đề nghị người bảo hiểm giám định ngay. Việc giám định hàng hoá bảo hiểm bị tổn thất phải do người bảo hiểm tiến hành theo đơn đề
nghị của người được bảo hiểm. Nếu vụ tổn thất không được giám định viên của người bảo hiểm giám định thì sẽ không được người bảo hiểm chấp nhận bồi thường.
Các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất:
- Thực ra việc đề phòng và hạn chế tổn thất cho hàng hoá nói chung trong HĐBH là để chỉ những trường hợp hàng hoá bị rủi ro (thuộc phạm vi bảo hiểm như: cháy, mắc cạn) đe doạ tàu khi tàu chở hàng đang trên đường hành trình hoặc neo đậu tại bến cảng dọc đường.
- Bảo lưu quyền khiếu nại cho người bảo hiểm tức là làm đơn khiếu nại ngay bên gây ra tổn thất cho hàng hoá và gọi là khiếu nại người thứ ba, người đứng ngoài HĐBH. Ở đây cần lưu ý nếu người thứ ba là chủ tàu, người vận chuyển hoặc chủ kho hàng đều có quy định riêng về thời gian cho phép khiếu nại theo luật trong nước, luật quốc tế hay văn bản dưới luật.
Việc bảo vệ tài sản trước những tình huống có nguy cơ thuộc phạm vi trách nhiệm của HĐBH đều đòi hỏi nỗ lực của cả hai bên và khi đó chưa cần xét đến biện pháp giải quyết bồi thường của người bảo hiểm. Xuất phát từ đặc điểm này người bảo hiểm có quy định việc người bảo hiểm tham gia vào các biện pháp cứu hộ và bảo vệ hàng hoá đều không thể coi là dấu hiệu của sự khước từ hay chấp nhận việc từ bỏ hàng hóa.
1.2.6.2.Khiếu nại đòi bồi thường
Trường hợp xảy ra rủi ro, người được bảo hiểm khiếu nại đòi bồi thường. Các giấy tờ gửi cho người bảo hiểm bao gồm:
HĐBH và giấy sửa đổi bổ sung (nếu có) bản chính;
Vận tải đơn (B/L) bản chính;
Hoá đơn mua bán bản chính;
Phiếu đóng gói bản chính;
Biên bản giám định bản chính (trước khi xếp và (hoặc) dỡ hàng nếu có tại 2 đầu bến);
Các chứng từ giao nhận hàng của cảng hoặc của cơ quan chức năng;
Thông báo tổn thất;
Hợp đồng vận chuyển;
Hoá đơn, biên lai các chi phí khác;
Trường hợp các chứng từ trong bộ hồ sơ khiếu nại chưa làm sáng tỏ được tổn thất có thuộc trách nhiệm bảo hiểm hay không, người bảo hiểm yêu cầu cung cấp thêm các chứng từ sau:
Hợp đồng mua bán; Thư tín dụng; Lược khai; Phiếu kiểm đếm; Biên bản giám định hàng XNK; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng; Nhật ký hàng hải;
Giấy chứng nhận đăng kiểm tàu;
Các biên bản của công an, chính quyền cảng…
Sau khi kiểm tra chứng từ và thanh toán bồi thường, mọi khoản khiếu nại và quyền khiếu nại của người được bảo hiểm đối với những người thứ ba đều được chuyển cho người bảo hiểm mà giới hạn là số tiền đã bồi thường.
Sau khi bồi thường tổn thất toàn bộ, người bảo hiểm có quyền thu hồi phần còn lại của hàng hoá đã được bồi thường.
Người được bảo hiểm muốn khiếu nại tổn thất toàn bộ ước tính cho hàng hoá được bảo hiểm phải gửi thông báo từ bỏ hàng cho người bảo hiểm. Thông báo phải đưa ra không chậm trễ với mục đích để cho người bảo hiểm có cơ hội giảm thiểu hay ngăn ngừa tổn thất (như bán hàng dọc đường). Thông báo từ bỏ hàng phải làm thành văn bản và trong mọi trường hợp phải cho biết ý định của người được bảo hiểm là từ bỏ không điều kiện mọi quyền lợi về hàng hoá được bảo hiểm cho người bảo hiểm. Nếu người bảo hiểm chấp nhận thông báo từ bỏ hàng nghĩa là người bảo hiểm chấp nhận trách nhiệm bồi thường như bồi thường tổn thất toàn bộ thực tế và có quyền sở hữu phần còn lại của hàng hoá. Việc từ bỏ hàng hoá không được thay đổi sau khi người bảo hiểm chấp nhận thông báo từ bỏ hàng. Tuy nhiên trước khi người bảo hiểm chấp nhận thông báo từ bỏ hàng, người được bảo hiểm phải có những biện pháp tích cực nhằm ngăn ngừa, hạn chế tổn thất. Nếu người bảo hiểm không chấp nhận từ bỏ hàng, các quyền lợi của người được bảo hiểm trong HĐBH vẫn không thay đổi.
1.2.6.3.Giám định và bồi thường tổn thất
Giám định là việc làm của người bảo hiểm hoặc người được uỷ thác nhằm đánh giá, xác định nguyên nhân, mức độ và trách nhiệm đối với tổn thất của đối tượng được bảo hiểm để làm cơ sở cho việc tính toán tiền bồi thường. Khi hàng hoá được bảo hiểm bị tổn thất (hư hỏng, đổ vỡ, thiếu hụt…), yêu cầu giám định trong thời gian quy định. Sau khi giám định xong, cán bộ giám định sẽ cấp chứng từ giám định, trong đó có xác định mức độ tổn thất hoặc mức giảm giá trị thương mại của hàng hoá làm cơ sở cho việc bồi thường.
Việc bồi thường tổn thất phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc thứ nhất: STBH là giới hạn tối đa của số tiền bồi thường của người bảo hiểm. Tuy nhiên các khoản tiền sau (ngoài số tiền tổn thất) cũng được bồi thường như các chi phí đã chi ra để cứu vớt hàng, chi phí cứu
nạn, phí giám định, chi phí bán đấu giá hàng bị hư, tiền đóng góp tổn thất chung dù tổng số tiền bồi thường vượt quá STBH.
- Nguyên tắc thứ hai: Bồi thường bằng tiền, không bồi thường bằng hiện vật. Thông thường nộp phí bảo hiểm bằng loại tiền tệ nào, sẽ được bồi thường bằng loại tiền tệ đó.
- Nguyên tắc thứ ba: Khi trả tiền bồi thường, người bảo hiểm sẽ khấu trừ các khoản tiền mà người được bảo hiểm đã đòi được ở người thứ ba.
Sau đó, người bảo hiểm bồi thường như sau:
Bồi thường tổn thất chung
- Người bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm phần đóng góp vào tổn thất chung dù hàng được bảo hiểm theo điều kiện bảo hiểm nào. Nếu STBH thấp hơn giá trị phải đóng góp vào tổn thất chung, người bảo hiểm chỉ bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền được bảo hiểm và giá trị phải đóng góp vào tổn thất chung.
- Không bồi thường trực tiếp cho người được bảo hiểm mà thanh toán cho người tính toán tổn thất chung do hãng tàu (người chuyên chở) chỉ định.
- STBH này được cộng thêm hay khấu trừ phần chênh lệch giữa số tiền thực tế đã đóng góp vào tổn thất chung và số tiền phải đóng góp vào tổn thất chung.
Bồi thường tổn thất riêng
- Đối với tổn thất toàn bộ thực tế: Bồi thường toàn bộ STBH;
- Đối với tổn thất toàn bộ ước tính: Bồi thường toàn bộ STBH nếu người được bảo hiểm từ bỏ hàng;
Trường hợp người được bảo hiểm không từ bỏ hàng hoặc xin từ bỏ nhưng người bảo hiểm không chấp nhận, sẽ bồi thường theo mức độ tổn thất thực tế.
- Đối với tổn thất bộ phận: Bồi thường số kiện, số bao hàng bị thiếu, mất hay giá trị trọng lượng số hàng rời bị thiếu, mất hoặc bồi thường theo mức giảm giá trị thương mại của phần hàng bị tổn thất.
Ngoài ra, nếu trong HĐBH hàng hoá XNK có ấn định mức miễn thường của công ty bảo hiểm thì khi tổn thất xảy ra, xác định số tiền bồi thường đối với giá trị hàng hoá bị tổn thất phải xét đến mức miễn thường này.
Mức miễn thường là một tỷ lệ miễn giảm trách nhiệm bồi thường của người bảo hiểm khi tổn thất xảy ra đối với hàng hoá được bảo hiểm.
Có 2 loại miễn thường: Miễn thường có khấu trừ và miễn thường không khấu trừ. Theo HĐBH có áp dụng miễn thường có khấu trừ x%, nếu tổn thất xảy ra vượt quá x% STBH thì người bảo hiểm sẽ bồi thường phần tổn thất vượt quá đó. Theo HĐBH có áp dụng miễn thường không khấu trừ x%, nếu tổn thất vượt quá x% STBH thì người bảo hiểm sẽ bồi thường toàn bộ tổn thất.
Cần lưu ý rằng trong cả 2 trường hợp miễn thường, nếu tỷ lệ tổn thất không vượt quá tỷ lệ miễn thường thì công ty bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất.