Những hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nghiệp vụ bảo lãnh xuất nhập khẩu tại Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội (Trang 94 - 105)

a. Những hạn chế

Hoạt động bảo lãnh xuất nhập khẩu vẫn chưa đáp ứng được tối đa nhu cầu của các doanh nghiệp

Thực tiễn hoạt động ngân hàng cho thấy, có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia đấu thầu quốc tế tại Việt Nam yêu cầu các

ngân hàng Việt Nam phải có sự bảo đảm bằng một bảo lãnh đối ứng của ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội nói riêng và các NHTM Việt Nam nói chung mặc dù có nhiều mối quan hệ đại lý với các ngân hàng nước ngoài nhưng do quy mô còn nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý. Hình thức bảo lãnh cho các doanh nghiệp Việt Nam mượn tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài, vay vốn ngân hàng nước ngoài hay vay vốn của các NHTM trong nước để phục vụ nhu cầu sản xuất vẫn chưa được triển khai tại Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội mặc dù nhu cầu này của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là tương đối nhiều.

Quy định giới hạn bảo lãnh tại Điều 7- Quy chế số 26 về tổng dư bảo lãnh cho một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng cũng đã hạn chế phạm vi và quy mô bảo lãnh của Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội trong thời gian vừa qua. Thực trạng hoạt động bảo lãnh xuất nhập khẩu ở Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội giai đoạn 2006 – 2008 cho ta thấy Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của một số doanh nghiệp quốc doanh. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay tương đối nhiều nhưng Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội lại chưa thể triển khai dịch vụ đối với đối tượng này. Ngoài nguyên nhân do sự phức tạp trong việc xác định tài sản bảo đảm, còn do nguyên nhân là Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội không đủ vốn điều lệ để thực hiện bảo lãnh vì giá trị bảo lãnh đối với các hợp đồng này tương đối lớn.

Mất cân đối các loại hình bảo lãnh

Tại Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội, các loại hình bảo lãnh như bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tham gia đấu thầu phát triển hơn nhiều so với các loại hình bảo lãnh khác. Các loại bảo lãnh khác có phát sinh

nhưng doanh số ít. Bảo lãnh nước ngoài trước đây đạt doanh số cao nhưng trong 3 năm trở lại đây đã có sự sụt giảm và bảo lãnh bằng L/C trả chậm vẫn là hình thức bảo lãnh chủ yếu. (Theo mục 2.2.5)

Số lượng bảo lãnh phát sinh có xu hướng tăng nhưng không đều giữa các thành phần kinh tế. Chủ yếu các loại bảo lãnh phát sinh được ngân hàng chấp nhận bảo lãnh đều từ các doanh nghiệp cổ phần nhà nước.

Quy mô và phạm vi bảo lãnh còn hẹp

Mặc dù doanh số bảo lãnh tăng qua các năm nhưng vẫn ở mức thấp so với các loại hình dịch vụ khác, nhất là so với tỷ trọng hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội chủ yếu thực hiện bảo lãnh cho các đơn vị thuộc khu vực của mình, mặc dù có mở rộng sang khu vực khác nhưng chưa nhiều, chưa tương xứng với nhu cầu bảo lãnh của các khách hàng và nhiệm vụ mà VCBTW giao.

Nhìn chung, so với các ngân hàng khác trong khối thương mại, quy mô bảo lãnh của Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội khá cao nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng khác trên thế giới.

Bảo lãnh quá hạn vẫn còn tương đối cao

Do sự biến động và ảnh hưởng không ngừng của các cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây, giống như các NHTM khác, tình trạng tồn tại bảo lãnh quá hạn tại Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội vẫn còn tương đối nhiều. Mặc dù bảo lãnh chưa đến hạn giải toả chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng dư nợ bảo lãnh trong năm 2008 đã tăng lên đến 35.5% sơ với số dư cuối kỳ năm 2007. Nguyên nhân là do trong năm 2007 và năm 2008 có sự biến động lãi suất VNĐ tương đối lớn trên thị trường liên ngân hàng. Có thời điểm lãi suất lên đến 15%. Tại Ngân

hàng Ngoại thương Hà Nội, tháng 11/2007 mức lãi suất cho vay áp dụng đối với VNĐ lên tới 13.5% và năm 2008 có thời kì là 14%. Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội nói riêng và NHTM nói chung trong giai đoạn này đều liên tục tăng lãi suất cho vay VNĐ nhằm thu hút nội tệ. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu một mặt phải đối đầu với việc lãi suất cho vay không ngừng gia tăng, mặt khác phải đối mặt với tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng cuối năm 2007 và năm 2008. Điều này khiến cho các doanh nghiệp chậm thanh toán cho ngân hàng làm cho các khoản bảo lãnh quá hạn tăng. Trong khi tình hình giải toả bảo lãnh trong năm 2007 lại giảm so với năm 2006. Số lượng bảo lãnh quá hạn tăng cộng với các khoản bảo lãnh chưa đến hạn giải toả nhưng có xu hướng chậm được thanh toán khiến cho dư nợ bảo lãnh năm 2008 tăng so với năm 2007.

b. Nguyên nhân của hạn chế

* Nguyên nhân khách quan

Môi trường pháp lý về hoạt động bảo lãnh chưa hoàn chỉnh và đồng bộ

- Nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng nói chung và nghiệp vụ bảo lãnh xuất nhập khẩu nói riêng hiện nay chưa có một hệ thống luật chung mà chỉ hoạt động theo luật quốc gia và tập quán ngân hàng. Tại Việt Nam, nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng thường được thực hiện thông qua các văn bản pháp lý do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành. Hiện nay, Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội đang áp dụng Quy chế số 26/2006 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Quyết định số 22/2008 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam về nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng và một số văn bản pháp lý khác có liên quan đến bảo lãnh ngân hàng. Tuy nhiên, các văn bản pháp lý này chưa thật sự đầy đủ và đồng bộ, lại hay thay

đổi nên gây khó khăn cho Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội trong quá trình thực hiện nghiệp vụ.

- Điều kiện về tài sản bảo đảm bảo lãnh (ký quỹ, thế chấp, tín chấp) còn nhiều khắt khe và việc định giá tài sản thế chấp còn gặp nhiều khó khăn.

Nếu theo quy định, để được ngân hàng đồng ý bảo lãnh, khách hàng phải ký quỹ 100% giá trị bảo lãnh, thế chấp tài sản hoặc phải chứng minh năng lực tài chính trong trường hợp bảo lãnh tín chấp. Nhưng khi ký quỹ tức là khách hàng đã mất đi một khoản vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh; thế chấp tài sản thì lại gây rủi ro cho ngân hàng trong trường hợp lạm phát, giá trị tài sản biến đổi, khó khăn trong việc phát mại tài sản. Còn tín chấp thì không phải khách hàng nào cũng có thể đáp ứng được điều kiện mà ngân hàng đưa ra đó là phải có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động. Như vậy, nếu mà thoả mãn được đầy đủ các điều kiện bảo lãnh thì rất ít các doanh nghiệp có thể bảo đảm được. Do vậy, số lượng các doanh nghiệp được Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội áp dụng dịch vụ bảo lãnh không nhiều, thậm chí doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho tới nay vẫn chưa được Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội chấp nhận bảo lãnh.

Mặt khác, việc định giá tài sản bảo đảm bảo lãnh cũng gây cho ngân hàng rất nhiều khó khăn bởi tài sản của các doanh nghiệp quốc doanh đa phần là đã khẩu hao gần hết. Các tài sản của doanh nghiệp tư nhân thì lại không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay đăng ký tài sản,….Nếu ngân hàng từ chối bảo lãnh thì sẽ làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng mất đi một nguồn thu cho bản thân ngân hàng. Nhưng nếu đứng ra bảo lãnh, ngân hàng sẽ gặp nhiều rủi ro trong trường hợp khách hàng vi phạm hợp đồng, ngân hàng phải thanh toán bảo lãnh mà khách hàng lại không đủ khả năng tài chính để hoàn

trả cho ngân hàng. Kể cả khi ngân hàng thực hiện phát mại tài sản thì cũng gặp rất nhiều rủi ro do sự biến động của tỷ giá. Hơn nữa, để phát mại được tài sản, ngân hàng phải tự mình đến các cơ quan luật pháp để tổ chức phát mại và bán đầu giá tài sản.

- Bên cạnh đó, các thủ tục giải quyết các tranh chấp, phát mại tài sản chưa đầy đủ, còn quá nhiều vướng mắc gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thu lại các khoản bồi hoản, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước - đối tượng bảo lãnh chính của Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội. Các văn bản pháp luật chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thực hiện công tác thấm định chất lượng, giá cả của hàng nhập khẩu. Vì vậy, khi xảy ra rủi ro do kết quả thẩm định đem lại thì các cơ quan này chỉ phải chịu trách nhiệm nhỏ, toàn bộ rủi ro là do ngân hàng gánh chịu.

Môi trường kinh tế chính trị có nhiều bất ổn

Tình hình kinh tế - chính trị thời gian vừa qua với quá nhiều sự bất ổn cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh dịch vụ bảo lãnh xuất nhập khẩu của Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội. Mặc dù điều kiện kinh tế càng bất ổn, nhu cầu phát sinh bảo lãnh càng nhiều nhưng không vì thế mà hiệu quả hoạt động của ngân hàng tăng lên bởi chính trong điều kiện kinh tế không ổn định, ngân hàng càng phải thận trọng hơn trong việc lựa chọn khách hàng. Theo các kết quả phân tích ở trên ta thấy thực trạng giải toả bảo lãnh của Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội ba năm gần đây có xu hướng giảm. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế khi mà các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng bảo lãnh.

Sự ra đời của một loạt các ngân hàng liên doanh và các công ty bảo hiểm bảo lãnh

Thời gian vừa qua, đã xuất hiện sự bùng nổ các ngân hàng ở Việt Nam, đặc biệt là sự ra đời của các ngân hàng liên doanh như ngân hàng xuất nhập khẩu (Eximbank), ngân hàng quốc tế (VIBBank), ngân hàng ANZ Việt Nam,….đã làm gia tăng thêm sự cạnh tranh trên thị trường ngân hàng và gây khó khăn không nhỏ cho Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội trong lĩnh vực thương mại. Các ngân hàng này hầu hết đều triển khai dịch vụ bảo lãnh xuất nhập khẩu. Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội nói riêng và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam nói chung, từ trước đến nay vốn chiếm lĩnh thị trường đối với loại dịch vụ này thì khi có sự ra đời của khối các ngân hàng liên doanh, thị phần đã bị giảm sút.

Bên cạnh đó, các NHTM tại Việt Nam (trong đó có Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội) đang phải cạnh tranh với một số các công ty bảo hiểm bảo lãnh của nước ngoài mới vào Việt Nam như SGIC - công ty bảo hiểm chuyên về bảo hiểm bảo lãnh và bảo hiểm tín dụng của Hàn Quốc và sự ra đời các sản phẩm bảo lãnh tín dụng của các tập đoàn bảo hiểm như AIA, Prudential, Bảo Việt,… Dịch vụ bảo lãnh của các công ty này ra đời nhằm bảo lãnh cho các doanh nghiệp, cá nhân không đủ năng lực thế chấp tài sản như quy định của các ngân hàng.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang được coi là thị trường rất giàu tiềm năng đối với các công ty bảo hiểm bảo lãnh mà cụ thể trong lĩnh vực như xây dựng, đóng tàu... với các loại hình bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh bảo hành...

Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa một số ngân hàng

Trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, để thu hút khách hàng một số ngân hàng đã mạo hiểm thực hiện biện pháp nới lỏng các điều kiện về bảo lãnh. Nhiều doanh nghiệp mặc dù không đủ năng lực tài chính, thậm chí kinh doanh

không lành mạnh vẫn được các ngân hàng nhận bảo lãnh. Trước tình hình đó, Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội lại phải đối mặt với một sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Nguyên nhân từ doanh nghiệp

Theo thống kê của Bộ tài chính, hiện nay các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Và trong số các doanh nghiệp được Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội bảo lãnh thì có đến 60% các doanh nghiệp đang vay vốn của Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội. Ngoài nguyên nhân do sự chuyển đổi nền kinh tế trong nước, sự chuyển biến của môi trường tài chính, sự phát triển của thương mại quốc tế,…làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến chậm thanh toán các khoản bồi hoàn cho Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội, thì còn tồn tại một số nguyên nhân xuất phát từ bản thân các doanh nghiệp có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động bảo lãnh của Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội đó là:

+ Doanh nghiệp không thực hiện chế độ kế toán, thống kê kịp thời, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xem xét, thẩm định tài chính của doanh nghiệp trước khi quyết định bảo lãnh và trong suốt quá trình giám sát sau khi phát hành bảo lãnh. Mặc dù Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội chưa phải trả thay cho bất kỳ một khách hàng nào nhưng đã có doanh nghiệp cố tình dùng một hồ sơ thế chấp ở nhiều ngân hàng. Nhờ nghiệp vụ chuyên môn giỏi mà Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội đã phát hiện kịp thời và khắc phục được sự cố.

+ Một số doanh nghiệp có năng lực quản lý và trình độ chuyên môn chưa cao, chưa tính toán chặt chẽ được nhu cầu cung - cầu hàng hoá, sự biến động giá cả hàng hoá. Do đó, các dự án kinh doanh không có tính khả thi cao, hàng hoá

nhập về bị ứ đọng làm cho doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hoặc chậm thanh toán cho ngân hàng.

* Nguyên nhân chủ quan

Ngoài các nguyên nhân khách quan, còn có nhiều nguyên nhân xuất phát từ bản thân Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội như:

Vốn chủ sỡ hữu thấp

Vốn chủ sử hữu của Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội tính đến 31/12/2008 đạt 7.553 tỷ đồng. Như vậy, nếu theo đúng quy định tại Khoản 1- Điều 7 Quy chế bảo lãnh ngân hàng số 26/2006 thì Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội chỉ có thể bảo lãnh cho một dự án hay một khách hàng tối đa khoảng 1130 tỷ đồng. Trong khi thực tế, khách hàng yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội bảo lãnh cho những dự án có giá trị lớn hơn rất nhiều. Với các dự án như vậy, một mình Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội không thể đáp ứng được. Tuy nhiên, hình thức đồng bảo lãnh lại chưa được áp dụng tại ngân hàng, nên khách hàng mất đi nhiều khách hàng lớn.

Trình độ thẩm định dự án chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường

Thẩm định là một khâu vô cùng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra quyết định có chấp nhận bảo lãnh hay không. Tuy nhiên, hiện nay trình độ thẩm định tại Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội chưa thật sự cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của nghiệp vụ bởi cán bộ trực tiếp làm công tác bảo lãnh tại Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội mới chỉ có hai người. Bộ phận thẩm định cũng chưa tới năm người. Điều này gây nên nhiều hạn chế trong việc thẩm định những dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp.

Theo kế hoạch và dự báo xu hướng tăng quy mô bảo lãnh trong thời gian sắp tới đối với nhiều ngành nghề kinh tế kỹ thuật đa dạng và phức tạp, trình độ chuyên môn của các cán bộ bảo lãnh, đặc biệt là trình độ thẩm định dự án sẽ là một thách thức lớn đối với Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nghiệp vụ bảo lãnh xuất nhập khẩu tại Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội (Trang 94 - 105)