Vừa qua, ngày 10/4/2007,Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đây là lần đầu tiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin và đưa thông tin lên mạng của các cơ quan Nhà nước đã được quy định một cách cụ thể, rõ ràng. Đây được xem là một trong những quy
định quan trọng nhằm giúp minh bạch hóa việc đưa thông tin lên mạng của các cơ quan
công quyền, tạo thuận lợi cho người dân trong việc tìm hiểu thông tin và nắm rõ các thủ tục hành chính.
Theo Nghị định này, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp công khai, minh bạch, kịp thời, đầy đủ và chính xác trên môi trường mạng những thông tin theo quy
định của khoản 2 Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin; pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật về công khai, minh bạch thông tin. Những quy định này áp dụng với các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp và các đơn vị sự nghiệp sử dụng NSNN.
Cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm tạo thuận lợi cho các hoạt động trên môi trường mạng bao gồm: tiếp nhận ý kiến góp ý, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân; lưu trữ, xử lý, cập nhật, cung cấp thông tin, trả lời các yêu cầu; chuyển yêu cầu cung cấp thông tin đến đúng cơ quan có liên quan nếu nội
dung yêu cầu cung cấp thông tin vượt quá chức năng, nhiệm vụ hoặc quyền hạn của cơ quan mình.
Quy định đã có, việc phấn đấu để thực hiện được nội dung này mặc dù không dễ dàng, nhưng đây là việc làm hết sức cần thiết. Và để hỗ trợ cho việc tiếp xúc của người dân với các cơ quan công quyền qua mạng, những việc cần thực hiện là:
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá
nhân triển khai rộng khắp các điểm truy nhập Internet công cộng đồng thời tăng cường hướng dẫn phương pháp truy nhập và sử dụng thông tin, dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng.
- Các cơ quan Nhà nước phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông tin và có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân dễ dàng truy nhập thông tin và
dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng.
- Ngoài ra, báo chí cũng có vai trò rất lớn giúp loại bỏ tham nhũng qua việc phản ánh những việc làm, thậm chí là lối sống không phù hợp của cán bộ công chức.
Đây chính là một trong những bước đi quan trọng, vừa góp phần đảm bảo việc coi trọng và nâng cao trình độ dân trí, vừa đáp ứng được sự quan tâm của toàn xã hội, và đây cũng chính là nền tảng cho việc dân chủ hóa xã hội không ngừng, đưa đất nước càng tiến lên, bắt kịp những bước tiến của khu vực và thế giới.