- Trung Quốc:
3.1.2. Phải thực hiện đa dạng hóa các loại hình hợp tác
Để phát huy hết tiềm năng và phù hợp với từng điều kiện cụ thể của từng nơi, kinh tế hợp tác ở nước ta phải được phát triển mạnh từ thấp tới cao, dưới nhiều hình thức đa dạng, ở nhiều cấp độ. Có hợp tác một khâu, có hợp tác nhiều khâu, có hợp tác giản đơn, có hợp tác "lỏng", tạm thời (không đăng ký kinh doanh), có hợp tác thành doanh nghiệp (tổ chức chặt chẽ) với tư cách pháp nhân; có hợp tác vừa góp vốn, vừa góp sức, hoặc chủ yếu chỉ góp vốn không góp sức; có hợp tác sản xuất tập trung hoặc chỉ làm dịch vụ cho sản xuất của xã viên; có hợp tác trên phạm vi địa bàn hẹp hoặc không giới hạn địa bàn hoạt động với qui mô lớn nhỏ khác nhau. Tiếp tục phát triển nhiều hình thức kinh tế hợp tác, các loại hình dịch vụ cho kinh tế hộ nông dân, từng bước xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật hợp tác xã.
Các hình thức khác nhau đều được Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ và có chính sách phát triển khi có điều kiện thì chuyển thành hợp tác xã, đồng thời đổi mới các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất hiện có.
Chúng ta biết rằng chế độ hợp tác mới trong nông nghiệp, nông thôn bao hàm các quá trình, các loại hình, các trình độ tổ chức liên kết hợp tác giữa các hộ nông dân, các thành phần kinh tế từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp.
Có những loại hình được tổ chức, có tư cách pháp nhân, có cơ quan quản lý, điều khiển chúng đó là hợp tác xã.
Có những loại hình hợp tác nhưng không có tư cách pháp nhân, cũng không có cơ quan chung quản lý điều khiển, mà chủ yếu do sự thỏa thuận giữa các nông dân với nhau nhằm hợp tác để thực hiện một số khâu nào đó trong sản xuất kinh doanh.
Vừa qua tỉnh Kiên Giang xuất hiện rất nhiều các mô hình hợp tác và thật sự nó đáp ứng nhu cầu bức xúc của nông dân trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Nhưng mặt khác các loại hình này chính là nhịp cầu để chuyển dần từ hình thức hợp tác giản đơn tiến lên hợp tác xã.
Do đó trong thời gian tới vừa nhân rộng các mô hình đã có, đồng thời khuyến khích, hướng dẫn tổ chức các loại hình mới như:
+ Hợp tác trồng trọt, chăn nuôi.
+ Hợp tác tạo vốn, tín dụng cho các hộ nông dân.
+ Hợp tác về các loại dịch vụ như cung ứng vật tư, tổ chức lưu thông tiêu thụ sản phẩm và các dịch vụ khác ở nông thôn.
+ Phát triển các hình thức hợp tác dưới dạng nghề nghiệp như: Hội làm vườn, Hội nuôi tôm...
Cần lưu ý là phong trào hợp tác hóa phải được tổ chức từ thấp đến cao, phải thật sự dân chủ trong quản lý, nhưng tránh dừng quá lâu ở các hình thức tổ chức hợp tác mà phải đưa lên hợp tác xã.