Kế toán phần hành tiền lương và các khoản phải trích theo lương

Một phần của tài liệu Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn Nhựa Composite Việt Á (Trang 56 - 58)

Xác định rõ vai trò của người lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, công ty đã sớm xây dựng các quy định về chức năng nhiệm vụ của các phòng ban, bộ phận, công nhân viên, gắn chặt với nó là thang lương cho các cấp bậc, chức vụ và vị trí cụ thể. Mức lương cơ bản của từng người được xác định dựa trên trình độ chuyên môn, trình độ tay nghề và thâm niên công tác. Ngoài tiền lương chính, công ty cũng xây dựng chính sách tiền thưởng hợp lý nhằm tạo động lực tinh thần cho người lao động nhiệt tình phấn đấu vì mục tiêu phát triển của công ty, từ đó cải thiện và nâng cao thu nhập của mỗi thành viên.

Công tác tiền lương có sự phân công hợp lý và phối hợp chặt chẽ giữa các phòng ban, theo đó, phòng tổ chức-hành chính theo dõi tình hình nhân sự, thời gian lao động của nhân viên, tính lương và các khoản phải trích theo lương, phòng kế toán trích lương vào các khoản chi phí, ghi sổ và tiến hành chi trả. Điều này phù hợp với nhiệm vụ của từng phòng ban, đồng thời đảm bảo tính khách quan trong việc tính và trả lương.

Tuy nhiên, việc tính lương công nhân sản xuất theo thời gian chưa thật sự gắn chặt mức độ làm việc của từng người với kết quả lao động và tiền lương được hưởng. Vì thế, trong thời gian tới công ty nên áp dụng song song hình thức trả lương theo thời gian đối với nhân viên quản lý và trả lương theo sản phẩm đối với công nhân sản xuất. Nhờ đó, tiền lương và chi phí tiền lương phản ánh đúng mức độ đóng góp của mỗi người vào kết quả hoạt động của toàn công ty.

Về mặt kế toán, công ty nên tiến hành lập Bảng phân bổ tiền lương và Bảo hiểm xã hội vào các tài khoản chi phí có liên quan để xác định được các khoản chi phí tiền lương phát sinh ở từng bộ phận, tiến tới nâng cao hiệu quả hoạt động.

5.2.4 Kế toán phần hành chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm

Đối tượng và phương pháp hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của công ty là phù hợp với đặc điểm quy trình công nghệ sản xuất và sản phẩm của công ty. Định mức sản phẩm được xây dựng có tính ổn định cao, tránh được biến động lớn về mặt chi phí. Trên cơ sở phân loại chi phí thành 3 khoản mục chính, mỗi khoản mục được phân theo từng yếu tố chi tiết, tạo điều kiện quản lý chặt chẽ tình hình phát sinh các loại chi phí. Đồng thời, việc tính giá thành sản

phẩm theo phương pháp tỷ lệ còn cho phép xác định mức độ hao phí các yếu tố sản xuất, mức độ hoàn thành định mức sản xuất sản phẩm, từ đó giúp công ty kịp thời đề ra các biện pháp để không ngừng tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, việc đánh giá chi phí sản xuất dở dang cuối tháng chỉ theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp còn thiếu chính xác, vì để sản xuất các bán thành phẩm này còn cần các khoản chi phí khác như: chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung (đặc biệt là khấu hao tài sản cố định của máy ép nhựa..). Vì thế, công ty nên tính tới các khoản chi phí này trong việc đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ.

Cuối tháng, phòng kế toán đều lập các báo cáo chi phí nhưng chủ yếu chỉ mang tính chất tổng hợp, báo cáo chứ chưa phát huy tác dụng đối với công tác quản trị chi phí. Trong thời gian tới, công ty nên tiến hành lập các báo cáo quản trị về chi phí theo cách ứng xử của chi phí.

5.2.5 Kế toán phần hành tiêu thụ và xác định kết quả tiêu thụ

Phần hành kế toán tiêu thụ và xác định kết quả tiêu thụ có liên quan tới nhiều phần hành khác nên được giao cho kế toán tổng hợp đảm nhiệm, bên cạnh đó có kế toán thanh toán theo dõi phần công nợ phải thu của khách hàng. Việc tiêu thụ sản phẩm có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty, vì thế, phần hành này được phòng kế toán công ty coi trọng nhằm cung cấp kịp thời, chính xác tình hình tiêu thụ. Theo đó, bên cạnh các báo cáo bắt buộc, phòng kế toán thường xuyên cung cấp các báo cáo về tình hình tiêu thụ của từng mặt hàng cho ban quản lý làm cơ sở lên các kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, do việc xác định giá vốn theo phương pháp bình quân cả kỳ dự trữ nên các báo cáo này chỉ được cung cấp sau một kỳ kinh doanh, ảnh hưởng tới việc cập nhật thông tin liên quan đến chi phí sản xuất và lợi nhuận có thể đạt được của từng mặt hàng phục vụ cho việc ký kết các hợp đồng kinh tế trong kỳ. Với sự hỗ trợ của phần mềm máy tính, trong thời gian tới công ty nên chuyển sang phương pháp bình quân sau mỗi lần nhập.

Trong nền kinh tế thị trường, để tồn tại và phát triển, mỗi đơn vị cần xác định chiến lược kinh doanh và không ngừng hoàn thiện bộ máy quản lý và tổ chức hoạt động. Đối với Công ty TNHH Nhựa Composite Việt Á, mặc dù mới thành lập và phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp khác trong và ngoài nước, nhưng công ty đã sớm tìm được chỗ đứng của mình trên thị trường, không ngừng mở rộng sản xuất nhằm duy trì tốc độ phát triển và từng bước nâng cao đời sống cho cán bộ công nhân viên. Đạt được những kết quả như vậy, bên cạnh định hướng phát triển của Tập đoàn, phải kể đến sự nhanh nhậy của đội ngũ cán bộ máy quản lý và đóng góp không nhỏ của phòng kế toán trong việc cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về mọi mặt hoạt động của công ty, làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai các kế hoạch kinh doanh. Nhận thức rõ vai trò của hệ thống thông tin kế toán, công ty luôn chú trọng đến công tác kiện toàn bộ máy kế toán về mặt tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn của các nhân viên kế toán, trang bị các trang thiết bị máy tính và ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin. Bộ máy kế toán đã biết vận dụng một cách linh hoạt các quy định kế toán vào việc tổ chức hạch toán kế toán phù hợp với đặc điểm của công ty nhờ đó chất lượng thông tin kế toán ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu quản lý.

Trên đây là một số nét chính về hoạt động sản xuất kinh doanh và hạch toán kế toán của Công ty TNHH Nhựa Composite Việt Á mà em đã thu thập được trong quá trình thực tập tổng hợp tại công ty. Đây cũng là lần đầu tiên em được tiếp xúc với công tác tổ chức hạch toán kế toán trên thực tế, từ đó hiểu rõ và nắm vững hơn các kiến thức đã được học, từng bước vận dụng vào thực tế để có những đánh giá sơ bộ về hiệu quả hoạt động kế toán và các nhân tố ảnh hưởng. Đó là những kinh nghiệm ban đầu quý báu để em tiếp tục phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu về nhân viên kế toán của các công ty hiện nay.

Em xin chân thành cảm ơn cô giáo Phạm Thị Thuỷ đã tận tình chỉ bảo và các anh chị trong công ty và phòng kế toán đã nhiệt tình giúp đỡ em trong thời gian thực tập tổng hợp vừa qua.

Sinh viên Phan Thị Ái

Một phần của tài liệu Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn Nhựa Composite Việt Á (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(58 trang)
w