Đa dạng hóa các nguồn thu thập thông tin

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC CHẤM ĐIỂM TÍN DỤNG TẠI SỞ GIAO DỊCH I – NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM (Trang 85 - 89)

Thông tin là đầu vào quan trọng của mọi quá trình phân tích tín dụng, đặc biệt là công tác chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng. Thông tin trung thực, kịp thời và chính xác sẽ đem lại một kết quả chấm điểm đáng tin cậy và là cơ sở cho phán quyết tín dụng đúng đắn. Để đảm bảo tính trung thực của nguồn

thông tin, Sở giao dịch một cần khai thác thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Các nguồn thông tin cơ bản mà Sở có thể khai thác bao gồm:

Thông tin từ phía khách hàng: Đây là thông tin thiếu khách quan do người đi vay có xu hướng cung cấp các thông tin đẹp cho ngân hàng khi xin cấp tín dụng. Tuy nhiên, nguồn thông tin này lại vô cùng quan trọng vì có rất nhiều chỉ tiêu được sử dụng để làm căn cứ chấm điểm lấy từ hồ sơ mà khách hàng cung cấp. Trong đó, thông tin được sử dụng nhiều nhất là từ các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Để tăng thêm tính trung thực và khách quan của báo cáo tài chính, Sở nên yêu cầu KH cung cấp đầy đủ cả 4 báo cáo tài chính: Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính bởi lẽ các báo cáo tài chính của doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cán bộ tín dụng có thể dựa vào các thông tin trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ để kiểm tra tính lôgic và hợp lý của báo cáo kết quả kinh doanh và bảng cân đối kế toán hoặc ngược lại. Ngoài ra, thông tin trên bản thuyết minh báo cáo tài chính cũng vô cùng quan trọng, nó cung cấp các lý giải và chỉ dẫn không được thể hiện trên báo cáo tài chính ví dụ như các phương pháp, chế độ hạch toán kế toán mà doanh nghiệp sử dụng... Đồng thời, Sở nên yêu cầu các KH nộp các báo cáo tài chính đã được kiểm toán nhằm tăng cường tính trung thực, đầy đủ. Bên cạnh đó, các cán bộ chấm điểm tín dụng cần tăng cường phỏng vấn trực tiếp đối với KH, tăng cường kiểm tra đột xuất để có thể nắm được một cách xác thực tình hình kinh doanh của KH. Cán bộ chấm điểm tín dụng cũng cần phải thường xuyên cập nhật, tích luỹ thông tin về KH để có những hiểu biết sâu về doanh nghiệp phục vụ cho công tác chấm điểm tín dụng của NH.

Thông tin từ bên ngoài: Nguồn thông tin này thường không được các NHTM quan tâm một cách xác đáng. Tuy vậy, trong rất nhiều trường hợp, đây lại là nguồn thông tin chính xác và khách quan nhất để đánh giá về doanh nghiệp. Sở nên thiết lập các kênh thông tin với các đối tác của doanh nghiệp như chủ nợ, cơ quan quản lý Nhà nước (cơ quan thuế), nhà cung cấp, nhà phân phối, các đại lý để khai thác nguồn thông tin này một cách hiệu quả. Đối với các thông

tin bên ngoài như trên, cán bộ chấm điểm tín dụng cần thu thập các thông tin về sự thay đổi của nền kinh tế có tác động đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của KH; thông tin về xu hướng phát triển của ngành nghề, lĩnh vực; hệ thống giá cả trong và ngoài nước; … Các thông tin có được từ các nguồn trên có thể được sử dụng trong việc đánh giá các chỉ tiêu phi tài chính như triển vọng ngành, thương hiệu sản phẩm, vị thế cạnh tranh… Đặc biệt, Sở cần tăng cường hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin với những ngân hàng khác trong việc cung cấp cho nhau những thông tin về khách hàng, điều này có thể giảm thiểu rủi ro trong công tác thu thập và xử lý thông tin.

Thông tin thu thập từ Trung tâm thông tin tín dụng (Credit Information Center- CIC). Ngày 28/4/2004, sau 2 năm thí điểm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kí quyết định số 473/ QĐ- NHNN chính thức cho phép CIC được xếp loại doanh nghiệp. Việc hình thành Công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thị trường tài chính và thị trường vốn ở Việt Nam. Chức năng chính của công ty là phân tích, xếp hạng câc tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp; đánh giá và xếp hạng cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, CIC có nhiệm vụ thu thập các thông tin tài chính, phi tài chính về doanh nghiệp, sau đó tiến hành phân tích, xếp loại tín dụng doanh nghiệp. Đây là cơ sở mà các NHTM có thể tham khảo khi tiến hành chấm điểm tín dụng đối với KH. CIC sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc ra quyết định cấp tín dụng, giám sát và đánh giá khách hàng, kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả hơn. Ngân hàng có thể tìm kiếm các nguồn thông tin và các kết quả đánh giá về doanh nghiệp từ CIC. Hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng đã góp phần làm giảm các thủ tục phiền hà, giảm khả năng rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động của NH.

Thông tin trong nội bộ Ngân hàng: Đây là những thông tin lưu trong kho dữ liệu của Ngân hàng về những khách hàng đã có quan hệ tín dụng với Ngân

hàng. Với những khách hàng đã có quan hệ tín dụng với Ngân hàng, thông tin cần được lưu trữ và cập nhật thường xuyên nhằm giảm bớt các chi phí do thu thập thông tin đồng thời tạo điều kiện đánh giá toàn diện hơn về khách hàng.

3.2.2.Hoàn thiện nội dung chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng

Nội dung chấm điểm xếp hạng tín dụng doanh nghiệp của Sở giao dịch I vẫn chưa phản ánh hết tình hình thực tiễn của KH về năng lực tài chính, khả năng trả nợ và uy tín đạo đức tín dụng của DN. Do vậy, Sở cần bổ sung thêm các nội dung cần thiết vào qui trình chấm điểm. Nội dung chấm điểm nên theo xu hướng mở để tránh tình trạng các số liệu và xu hướng chỉ là trong quá khứ. Xu hướng mở tức là có thể đưa thêm một số các chỉ tiêu mới vào qui trình chấm điểm khi có những biến cố xảy ra, tác động đến DN mà chưa được tính đến trong mô hình.

3.2.2.1. Hoàn thiện các chỉ tiêu phi tài chính

Việc sử dụng trọng số cho từng chỉ tiêu như Sở đã áp dụng đối với chỉ tiêu phi tài chính là cần thiết vì mức độ tác động của các nhân tố phi tài chính lên điểm số tín dụng của DN là không giống nhau. Tuy nhiên, các trọng số này cần phải được thiết lập một cách khoa học trên cơ sở ứng dụng các mô hình kinh tế lượng trong đó biến kết quả là hạng tín dụng của DN và các biến giải thích là các chỉ tiêu được xem xét. Điều này sẽ làm giảm mức độ sai số của cho kết quả thu được và tránh được những đánh giá sai lệch về hạng của DN.

Đối với chỉ tiêu triển vọng ngành để đánh giá xu hướng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp cũng như vị thế của doanh nghiệp trong ngành, Sở cần xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể các tiêu chí đánh giá triển vọng của doanh nghiệp. Việc đánh giá triển vọng ngành, vị thế thị trường và khả năng cạnh tranh mà Sở áp dụng như hiện nay còn rất trừu tượng, mang nặng tính chủ quan gây khó khăn cho cán bộ tín dụng. Vì vậy, Sở cần có các qui định chi tiết cùng với các nghiên cứu về từng ngành, từng lĩnh vực làm cơ sở để so sánh và chấm điểm một cách chính xác hơn.

Đối với chỉ tiêu thương hiệu, Sở cần có những nghiên cứu cụ thể để lượng hoá chỉ tiêu này. Thương hiệu chính là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Vì vậy, có thể lượng hoá thương hiệu thông qua định giá giá trị của thương hiệu. Một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả hay không, lợi nhuận thu được có cao hay không được thể hiện ngày càng rõ thông qua mức độ uy tín của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, liệu các doanh nghiệp nhỏ thường bị cho điểm thương hiệu thấp có thật sự hợp lý, hay một doanh nghiệp sở hữu nhiều thương hiệu thì sẽ tiến hành lượng hoá như thế nào? Hiện nay, việc định giá thương hiệu đối với các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa phát triển, do chưa có nhiều các chuyên gia có đủ khả năng để thực hiện công việc này. Vì vậy, Sở cần tăng cường nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các nước đang phát triển hoặc của các tổ chức xếp hạng chuyên nghiệp trên thế giới về vấn đề định giá thương hiệu.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC CHẤM ĐIỂM TÍN DỤNG TẠI SỞ GIAO DỊCH I – NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM (Trang 85 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w