Điểm đầu tiên dễ nhận thấy nhất đó là tác phẩm văn học và kịch bản phim truyện đều phải lấy ngôn từ tức là ngôn ngữ văn học làm chất liệu xây dựng hình tượng. Vì chuyển thể theo khá sát nguyên tác nên từ tên tác phẩm, cốt truyện đến hệ thống nhân vật, tư tưởng tác phẩm … trong truyện ngắn đều được nhà văn Võ Thị Hảo giữ lại tương đối nguyên vẹn trong kịch bản phim truyện của mình.
Hai kịch bản là hai câu chuyện khác nhau về cả không gian, thời gian và tình tiết. Con dại của đá khai thác câu chuyện về cuộc sống của những người Mông ở vùng cao nguyên đá. Sải, một cô gái người Mông xinh đẹp, có chồng sắp cưới là Hùng De. Một lần xuống phiên chợ, Cáo Tờ Quẩy- một kẻ đi buôn đã tặng Sải cụm san hô và từ đó “Sải đâm bị ám ảnh bởi mùi mặn nồng và xa lạ của biển”. Anh trai Cáo Tờ Quẩy chết, theo tục nối dây hắn phải lấy người chị dâu già - Giàng Sua làm vợ. Một ngày trên cao nguyên đá, Sải đã bị Cáo Tờ
Quẩy cưỡng bức. Trong đám cưới của mình, Sải đã bỏ trốn vì cô không muốn lừa dối Hùng De. Sải chạy đến nhà Cáo Tờ Quẩy và mong hắn đưa cô xuống biển, nhưng Cáo Tờ Quẩy đã lừa Sải, đưa Sải đến một quán rượu bán lấy tiền và Sải đã bị bọn người thú vật ở đó hãm hiếp. Hết hạn ba ngày, Cáo Tờ Quẩy đến đưa Sải về. Trên đường về, Sải đã giết Cáo Tờ Quẩy để trả thù. Sau đó cô chạy về nhà hắn và nói cho người vợ già biết sự tình. Giàng Sua không nỡ giết Sải và giúp cô trốn thoát. Trên cao nguyên đá, Sải đã buông mình xuống dòng thác dữ. Chỉ còn nghe thấy “tiếng nước gầm gào tung bọt trắng” và “tiếng rít tức tưởi của đàn chó săn…”.
Hệ thống nhân vật trong truyện ngắn và kịch bản phim truyện Con dại của đá không thay đổi. Nhà văn chọn Sải làm nhân vật chính- một cô gái xinh
đẹp nhất bản Tà Lùng nhưng lại gặp phải những tai ương và buộc cô phải tìm đến cái chết. Bên cạnh Sải là các nhân vật phụ làm nên như Giàng Sua, Cáo Tờ Quẩy, Hùng De. Nếu như Sải là nhân vật “nổi loạn” thì Giàng Sua lại là nhân vật “điển hình” cho mẫu người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục. Cáo Tờ Quẩy là một nhân vật phản diện đã đẩy Sải đến “bước đường cùng”. Hùng De là một nhân vật trung tính nhưng dã góp phần giúp Sải bộc lộ tính cách và thúc đẩy kịch tính câu chuyện.
Đọc truyện ngắn và kịch bản phim truyện Con dại của đá ta thấy rõ tư tưởng mà nhà văn gửi gắm, đó là sự tự do, dám nổi loạn, dám vượt qua những định kiến của người phụ nữ để tự giải phóng mình, để tìm một cuộc sống mới. Họ không chỉ đem lại tự do cho mình mà còn dâng tặng tự do cho người khác. Họ là những con người mạnh mẽ, không muốn chấp nhận số phận và những gì có sẵn. Họ biết khao khát tự do và sẵn sàng trả giá. Cuộc sống của họ chỉ như những ngôi sao băng, vụt bay và rực sáng…. Nhưng cuộc sống này cần những con người như thế.
Trong truyện Biển cứu rỗi, cốt truyện khởi đầu từ việc Hân - anh bộ đội trở về sau chiến tranh nhưng đã bị vợ phản bội. “Trong sự gớm ghét đàn bà và
nhân thể gớm gét luôn cả đồng loại” anh đã tìm đến một chân gác đèn trên một hòn đảo ở ngoài khơi xa vắng. Cuộc sống cô quạnh, không người ở đó đã khiến anh nhiều lần muốn cướp tàu để trở về đất liền nhưng không thành. Một ngày, người lái tàu đã đem đến cho anh một cô gái nhưng đó lại là một “gái điếm đã thiu, bị liệng ra bãi thải, ốm nhách và vô phương sinh sống”. Ngô, tên cô gái, muốn ra đảo để “rũ sạch bùn nhơ” , làm lại cuộc đời. Sự khinh bỉ, ghê tởm của Hân đối với Ngô đã bộc lộ không cần che giấu. Và Hân đã tìm cách “hắt mụ ta đi”. Hân nhờ một con tàu đánh cá tình cờ đi qua để thuê chở người đàn bà vào đất liền. Ngô hiểu rằng mình đã lầm khi “mong được anh mở lượng cưu mang”. Ngô đã lên tàu. Và “trong một cái dướn mình gần như kiêu sang”, Ngô đã “lặng lẽ buông mình xuống biển khơi” và “chìm êm ru dưới lớp sóng lừng lững quặn lên phía đuôi tàu”.
Trong cả truyện ngắn và kịch bản phim truyện Biển cứu rỗi, nhân vật chính là Hân - một người đàn ông đáng thương có trái tim “đen đúa vì thù hận”. Nhân vật này chính là nhân vật tư tưởng để bộc lộ ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm. Còn nhân vật Mận - vợ Hân, Ngô… những người đã đi qua cuộc đời Hân là những nhân vật phụ để thúc đẩy cốt truyện. Trong đó nhân vật Ngô được thể hiện khá sinh động, góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.
Võ Thị Hảo thuộc thế hệ chối bỏ cổ tích, không tin vào “thần thoại chiến trường”. Cô viết với một niềm tin về một xã hội “tan chiến nhưng chưa tàn chiến”. Trong Biển cứu rỗi, Võ Thị Hảo đã xoáy sâu vào những bi kịch thực sự sau chiến tranh, đó là những khổ đau, mất mát về tinh thần còn lớn hơn cả cái chết. Nhưng con người ta hay thường tự coi mình là những người thiệt thòi nhất, bởi vậy khó có lòng khoan dung với kẻ khác. Sự vô tình, thiếu độ lượng như vậy đã vô tình hãm hại cuộc đời biết bao con người. Đó chính là bi kịch của dân tộc Việt Nam thời hậu chiến. Và nếu không giải quyết được nó sẽ mãi là một hố đen trong tâm hồn mỗi con người. Mỗi chúng ta cần phải có ý thức “cứu rỗi” nó.
Qua kịch bản phim truyện Con dại của đá và Biển cứu rỗi, ta có thể thấy Võ Thị Hảo khá trung thành với nguyên tác của mình. Truyện ngắn của cô chính là “nguồn nguyên liệu trực tiếp” để xây dựng kịch bản phim. Nhưng việc chuyển thể tác phẩm văn học sang kịch bản phim truyện không chỉ đơn thuần là việc sao chép lại cốt truyện, nhân vật, tư tưởng, chủ đề… mà nó còn là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn từ cả hình thức đến nội dung.