2.1. Môi trường vĩ mô.
* Môi trường kinh tế
Trong thời gian vừa qua, mặc dù nền kinh tế thế giới có nhiều biến động lớn làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn được coi là một trong những thị trường an toàn, có triển vọng trong khu vực Đông Nam á. Điều này đã giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững trước những thay đổi đáng lo ngại của tình hình kinh tế thế giới. Công ty Nhựa cao cấp Hàng không cũng đã được thừa hưởng lợi thế này. Công ty vẫn ổn định việc sản xuất kinh doanh của mình trong khi tình hình thị trường luôn có biến động. Tuy nhiên, nguyên liệu của công ty là nhập ngoại, do đó, nó chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu á. Tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền Việt Nam và nước ngoài thay đổi khiến cho giá nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến giá đầu ra của các sản phẩm thuộc
về ngành nhựa tăng lên tương ứng làm giảm khả năng cạnh tranh và giảm lợi nhuận của Công ty.
* Môi trường công nghệ.
Ngày nay, không ai phủ nhận được vai trò của khoa học kỹ thuật đối với một lĩnh vực của đời sống. Vốn và công nghệ kỹ thuật đã trở thành yếu tố cạnh tranh và thúc đẩy cạnh tranh, với việc khuyến khích đầu tư nước ngoài của các ngành sản xuất kinh doanh đang dần lớn mạnh, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, khoa học kỹ thuật còn tác động đến bản thân công ty bằng việc đưa các công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng.
Công ty Nhựa cao cấp Hàng không đã được các cơ quan chức năng tạo điều kiện, đặc biệt là cục Hàng không quan tâm giúp đỡ vốn và các trang thiết bị máy móc... Công ty Nhựa cao cấp Hàng không đã mạnh dạn đầu tư vào khâu này nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trong giai đoạn tới, cụ thể là Công ty vừa mới nhập về thêm một số máy móc mới rất hiện đại. Hiện nay, Công ty đang quản lý các công nhân có tay nghề cao, đội ngũ nhân viên phòng kỹ thuật sáng tạo có thể áp dụng được khoa học kỹ thuật vào thực tiễn.
*Môi trường luật pháp.
Đây là môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các hoạt động của một doanh nghiệp. Chính phủ ta đã có một số chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển loại hình kinh doanh thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau như: cải cách thủ tục hành chính, thay đổi luật đầu tư và kinh doanh, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, thay đổi các mức thuế... Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải luôn theo dõi tình hình biến động của luật pháp Việt Nam về lĩnh vực liên quan để có những biệp pháp thích nghi phù hợp kịp thời.
Do đặc điểm của ngành sản xuất sản phẩm nhựa là có sự ô nhiễm môi trường nên các công ty phải xem xét mức độ ô nhiễm trong quá trình làm việc một cách thường xuyên. Công ty đã đảm bảo các quy trình xử lý ô nhiễm trong quy trình sản xuất đúng như luật pháp về môi trường quy định.
Ngoài ra, các công ty cần quan tâm, theo dõi các chính sách, đường lối của Đảng và nhà nước để có chiến lược phù hợp với những thay đổi mang tính chất quốc gia đó. Đặc biệt đối với
Công ty Nhựa cao cấp Hàng không trong quá trình sản xuất các nguyên vật liệu chủ yếu là lấy từ nước ngoài.
2.2. Môi trường vi mô.
Hoạt động kinh doanh của công ty còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng lớn trong đó có các đối thủ cạnh tranh với tiềm lực rất mạnh và rất nhiều như: Tổng công ty Nhựa Việt Nam, các nhà máy nhựa của Trung ương và địa phương. Ngoài ra còn có các cơ sở tư nhân và các công ty trách nhiệm hữu hạn. Nói về chất lượng và giá cả của các đối thủ cạnh tranh thì thực sự hoàn toàn không thua kém, nhưng họ là những đối thủ mạnh vì họ là những người đi trước với nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường. Đặc biệt, họ có đội ngũ Marketing dày dạn kinh nghiệm, mạng lưới phân phối rộng lớn và linh hoạt. Ngoài ra, họ còn sử dụng tốt các công cụ giao tiếp, khuyếch trương, còn đối với Công ty Nhựa cao cấp Hàng Không mới chỉ được thành lập được 13 năm, là một công ty còn non trẻ, mặt khác công ty cũng chỉ chú trọng đến thị trường ngoài ngành một vài năm trở lại đây.
Vì các sản phẩm nhựa ngày nay không chỉ phục vụ các nhu cầu tiêu dùng mà còn phục vụ cho mọi ngành kinh tế nên kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy tốc độ tăng trưởng ngành phù hợp là 2 – 3% khi nền kinh tế tăng trưởng 1%.
ở Việt Nam, ngành nhựa đã xuất hiện từ thập kỷ 50 nhưng mãi đến đầu những năm 90 mới thực sự phát triển. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm trong thời kỳ này là 25%, nhưng do xuất phát điểm thấp nên con số đó không phản ánh được thực trạng ngành nhựa nước ta. Sản lượng nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay là 6 kg/ năm, do vậy thị trường ngành nhựa còn rất nhiều tiềm năng.
Hiện nay việc phân bố sản xuất các sản phẩm nhựa trên toàn quốc như sau:
- Trung tâm phát triển ngành nhựa của cả nước hiện nay là thành phố Hồ Chí Minh với sản lượng chiếm 70% sản lượng ngành nhựa cả nước với sản phẩm đa dạng, công nghệ tiên tiến.
- ở miền Trung chủ yếu tập trung ở Quảng Nam – Đà Nẵng chiếm 8%. - ở miền Bắc chủ yếu là ở Hà Nội và Hải Phòng chiếm 22%.
Tuy nhiên, sự phát triển còn đặt cho ngành nhựa những vấn đề cần quan tâm về cơ cấu phát triển: trong khi tỷ trọng các ngành quốc doanh chỉ là 30% còn 70% sản lượng thuộc về
lĩnh vực tư nhân và loại hình doanh nghiệp khác. Hầu hết các cơ sở sản xuất nhựa đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp lớn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, do vậy khả năng đầu tư trên quy mô lớn cho các sản phẩm kỹ thuật cao rất hạn chế.
Hiện nay, Việt Nam đang phải nhập gần như 100% nguyên liệu, hóa chất cho ngành nhựa; máy móc thiết bị phải nhập hoàn toàn. Để đạt mục tiêu 16 kg/năm vào năm 2005, gấp khoảng 2,7 lần hiện nay và sản lượng là 1,5 triệu tấn thì ngành nhựa cần một số vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD.
Chiến lược của ngành nhựa Việt Nam trong những năm tới là hiện đại hóa quy trình công nghệ, thiết bị, đa dạng hóa các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao cung cấp cho các ngành xây dựng, khai thác…., đồng thời phân bố lại cơ sở sản xuất hợp lý hơn.
Việt nam hiện có khoảng 700 doanh nghiệp sản xuất nhựa, trong đó khoảng 250 doanh nghiệp là có quy mô trung bình trở lên; 80% là các doanh nghiệp tư nhân. Hầu hết các công ty nhựa tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh. Các đối thủ cạnh tranh nước ngoài thì chủ yếu là Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia với lợi thế về công nghệ, giá cả, chủng loại sản phẩm và màu sắc... Nói chung, các doanh nghiệp sản xuất nhựa của Việt nam hiện nay không đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài, và như đã nói ở trên, cạnh tranh trong ngành nhựa chủ yếu là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau. Mức độ cạnh tranh cũng không đồng đều giữa các loại sản phẩm nhựa: cạnh tranh cao ở các sản phẩm hàng gia dụng có mức độ đầu tư thấp và hạn chế ở các sản phẩm chuyên dụng và có mức đầu tư cao.
Sản phẩm nhựa ở nước ta hiện nay được chia làm 4 nhóm chính là: nhựa công nghiệp, nhựa gia dụng, vật liệu xây dựng và bao bì. Tuy nhiên, các nhóm sản phẩm đó không có sự phân bố đồng đều, mức độ tập trung cao ở các sản phẩm nhựa gia dụng (chiếm hơn 50%) và ít chú ý đến các sản phẩm nhựa công nghiệp, kĩ thuật đòi hỏi quy trình sản xuất phức tạp, vốn đầu tư lớn. Nguyên nhân của tình trạng này là do giá thành thiết kế khuôn cho các sản phẩm công nghiệp có giá cao và năng lực công nghệ kém. Thêm vào đó, tỷ lệ các công ty có quy mô lớn ở Việt Nam là rất ít. Đây chính là nguyên nhân khiến cho mảng thị trường này vẫn còn trống, chưa có nhiều công ty khai thác. Điều này hứa hẹn nhiều triển vọng cho các công ty nhựa có quy mô lớn trong nước mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực còn trống này. Một đặc trưng nữa của sản phẩm nhựa trên thị trường hiện nay đó là mức độ tinh vi thấp. Việc thay đổi cơ cấu và mức độ
phức tạp của sản phẩm chính là yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm nhựa hiện nay.
1II. Thực trạng hoạt động marketing-mix và tiêu thụ sản phẩm ở Cty Aplaco.