Kiến nghị với Chính Phủ

Một phần của tài liệu Giải pháp tăng cường nguồn vốn huy động tại NHNo&PTNT Chi nhánh Bắc Hà Nội (Trang 76 - 77)

3.3.1.1 Tạo lập môi trường pháp lý đồng bộ và ổn định

Nhà nước với các cơ quan quyền lực, thông qua pháp luật phải xây dựng môi trường pháp lý đồng bộ và ổn định nhằm đảm bảo công bằng trong xã hội. Nền kinh tế nước ta đang phát triển theo cơ chế thị trường. Theo cơ chế này các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tự do cạnh tranh và phát triển. Hệ thống các NHTM cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các NHTM cũng phải được tự do cạnh tranh, tự do khẳng định mình, do đó các cơ quan nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của hệ thống ngân hàng mà cần tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng hoạt động tốt. Hệ thống ngân hàng được coi là mạch máu của nền kinh tế, vì vậy Nhà nước cần phải ban hành một hệ thống các quy định về hoạt động của các NHTM một cách thống nhất, đầy đủ và ổn định nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và hành lang pháp lý rõ ràng để các NHTM phát huy hết khả năng của mình đồng thời tạo niềm tin vững chắc trong lòng dân với hệ thống ngân hàng.

Hệ thống các văn bản pháp quy đó phải thống nhất nhưng không được chồng chéo, giúp cho các NHTM có thể áp dụng dễ dàng, thuận tiện. Hiện nay, hệ thống pháp luật nước ta vẫn đang trong giai đoạn sửa đổi, hoàn thiện, các văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau, còn chưa đầy đủ chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế làm phát sinh các quan hệ kinh tế mà pháp luật chưa điều chỉnh được. Do vậy, việc làm cần thiết hiện nay là Chính phủ nên tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng hệ thống các văn bản pháp quy vừa đầy đủ, vừa thống

nhất tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức kinh tế, tài chính, các NHTM hoạt động đạt kết quả cao.

3.3.1.2 Ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, môi trường chính trị – xã hội

Hoạt động của các NHTM bị chi phối rất nhiều bởi môi trường kinh doanh bên ngoài, nó có thể tạo điều kiện thuận lợi nhưng cũng có thể gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung cũng như hoạt động huy động vốn nói riêng. Ổn định kinh tế vĩ mô là thành quả của sự phối hợp nhiều chính sách như chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, chính sách đối ngoại…trong đó chính sách tiền tệ, tín dụng có vai trò quan trọng hơn cả đối với hoạt động ngân hàng.

Ở nước ta hiện nay, một trong những nội dung của việc tạo lập, ổn định kinh tế vĩ mô chính là việc chống lạm phát, ổn định tiền tệ, ổn định tỷ giá…Đây là điều kiện cần thiết cho việc thực hiện các giải pháp huy động vốn một cách hiệu quả. Việc người dân sử dụng tiền nhàn rỗi để mua vàng, ngoại tệ hay đầu tư vào bất động sản phần lớn do sự tác động của nền kinh tế vĩ mô (giá vàng tăng, nội tệ_VNĐ giảm giá, đất đai đắt đỏ…). Điều đó dẫn tới hạn chế lượng vốn chảy vào ngân hàng. Vì vậy, Nhà nước tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định: ổn định giá cả hàng hoá, giá trị đồng nội tệ và ổn định tỷ giá là cần thiết. Đồng thời đảm bảo an ninh, chính trị, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đưa ra các biện pháp tăng tích luỹ, vận động tiết kiệm trong dân cư để họ gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn. Chính phủ cũng cần nâng mức vốn tự có của các NHTM quốc doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM trong nước nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, yếu tố tâm lý xã hội, trình độ văn hoá, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng đất nước cũng ảnh hưởng đến công tác huy động vốn của NHTM. Nhà nước cần có các chương trình giáo dục, tuyên truyền trên phạm vi toàn quốc nhằm làm thay đổi quan điểm của người dân đối với việc giữ tiền mặt trong nhà, xoá bỏ tâm lý e ngại, thích tiêu dùng hơn tích luỹ. Qua đó tạo thuận lợi cho công tác huy động vốn của hệ thống ngân hàng.

Một phần của tài liệu Giải pháp tăng cường nguồn vốn huy động tại NHNo&PTNT Chi nhánh Bắc Hà Nội (Trang 76 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w