Trong điều kiện đang chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, nguồn nhân lực luôn được tất cả các tổ chức kinh tế đề cao và coi đó là nhân tố có tính quyết định để chiến thắng trong cạnh tranh. Có thể nói, nguồn lực là nguồn tài nguyên số một của bất cứ quốc gia nào. Nhưng nguồn lực chỉ đóng được vai
trò có tính quyết định trong mọi quá trình hoạt động khi nó đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng. Với hệ thống NHCSXH, do hoạt động có tính đặc thù, không vì mục tiêu lợi nhuận, nên yếu tố cạnh tranh thị trường có vẻ không được đề cao. Tuy nhiên, do hoạt động để thực hiện nhiệm vụ chính trị rất quan trọng là đầu tư vốn ưu để giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách từng bước thoát nghèo, nên yếu tố con người lại càng cần phải được đề cao. Nếu đội ngũ cán bộ, nhân viên không đủ về số lượng, năng lực chuyên môn và trình độ kinh tế tổng hợp thì sẽ rất khó khăn để ngân hàng thực hiện được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Với việc định biên NHCSXH như hiện nay phải chăng thực chất Chính phủ chỉ quan niệm hoạt động của hệ thống NHCSXH là giúp giải ngân vốn tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác hơn là chú ý hỗ trợ cho các hộ nghèo thông qua công cụ đòn bẩy tín dụng của NHCSXH. Nếu như vậy thì chỉ cần tồn tại mô hình một loại Quĩ cho vay ưu đãi như trước đây là đủ, không cần có sự ra đời và hoạt động của một hệ thống NHCSXH. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đã được đề ra trong Nghị định 78/2002/NĐ- CP thì cần phải tăng biên chế cho toàn hệ thống. Đi đôi với tăng số lượng cán bộ nhân viên thì chất lượng cán bộ cũng phải được chú ý. Để NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình đòi hỏi trình độ năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ nhân viên phải cao, không chỉ ở trình độ chuyên môn trong ngành ngân hàng, mà còn ở trình độ kinh tế tổng hợp thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay trình độ của cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống nói chung còn khá nhiều bất cập, thiếu kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh tế tổng hợp. Chính điều này đã làm hạn chế khả năng tư vấn cho các hộ nghèo trong sản xuất kinh doanh và một phần sự phụ thuộc vào các Hội đoàn thể trong kiểm tra, kiểm soát vốn vay từ các hộ nghèo là tất yếu. Do vậy, hiện nay NHCSXH cần chú ý nâng cao năng lực
chuyên môn và trình độ kinh tế tổng hợp của cán bộ trong nh. Cách thức chủ yếu vẫn là tuyển dụng các cán bộ được đào tạo trong các trường kinh tế kỹ thuật sau đó qua các lớp đào tạo về chuyên môn tài chính - ngân hàng tại các trường Đại học, hoặc cũng có thể cử cán bộ của NH tham gia các khoá đào tạo về kiến thức kinh tế các ngành liên quan. Chỉ có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra và trên cơ sở đó chất lượng tín dụng của NHCSXH mới ngày càng được nâng cao. Quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng là các hộ nghèo và các đối tượng chính sách mới càng thêm vững chắc. NHCSXH mới thực sự là người bạn đồng hành trong chiến lược thoát nghèo của các đối tượng chính sách. Mặt khác, cũng cần chú trọng giáo dục ý thức đạo đức nghề nghiệp trong cán bộ nhân viên để họ có sự đồng cảm, quan tâm chia sẻ với hoàn cảnh các hộ nghèo và thay đổi lại quan niệm rằng người nghèo vẫn có thể tiết kiệm, tránh tình trạng thiếu lòng tin vào người nghèo làm cho quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng thêm xa cách.