I. Tình hình đầu tư vào tài sản vô hình theo nội dung đầu tư
2. Đánh giá tình hình đầu tư nghiên cứu và triển khai các hoạt động khoa
học và công nghệ.
Thiếu vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ. Có thể nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều đang gặp những vướng mắc trong quá trình huy động vốn để đầu tư đổi mới công nghệ. 90% các doanh nghiệp Việt Nam là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, 86,2% số doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng (tương đương 32 triệu USD) chưa phải là lớn nhưng cũng chỉ chiếm gần 0,4% (cả nước có 260 doanh nghiệp ở thời điểm 01/01/2003). Thực trạng đó, ngoài nguyên nhân do tiềm lực của các nhà đầu tư chưa mạnh, nhưng có nguyên nhân quan trọng là thị trường vốn chưa hoàn chỉnh, chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Qua số liệu về cơ cấu vốn đầu tư tăng thêm của năm 2004 cho thấy vốn vay tín dụng chỉ chiếm 38% trong tổng vốn đầu tư tăng thêm trong năm, vốn tự có trên 49%, vốn từ ngân sách nhà nước 4% và các nguồn huy động
khác gần 9%. Trong 38% vốn tín dụng thì doanh nghiệp nhà nước chiếm 56,4%, trong số đố 63,4% là vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước, như vậy nguồn vốn tín dụng đã thấp, nhưng quá nửa dành cho doanh nghiệp nhà nước, còn lại ưu thế thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chịu khó khăn nhiều hơn khi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và luôn phải kinh doanh trong tình trạng thiếu vốn.
Trong tổng số vốn hiện có của các doanh nghiệp, vốn đầu tư vào tài sản cố định khoảng gần 60%. Vốn dùng cho đầu tư mở rộng sản xuất chủ yếu là doanh nghiệp phải tự huy động bằng nguồn vốn tín dụng của ngân hàng và các tổ chức kinh tế khác. Quy mô vốn tự có của các doanh nghiệp đều rất nhỏ, không đủ sức tài trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh có chất lượng và hiệu quả cao, đặc biệt đối với những doanh nghiệp muốn mở rộng, phát triển quy mô hoạt động và đổi mới, nâng cao chất lượng thiết bị công nghệ.
Công nghệ còn lạc hậu, không đồng bộ, chỉ yếu nhập ngoại. Thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Phần lớn các doanh nghiệp nước ta đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2 - 3 thế hệ, 80 - 90% công nghệ chúng ta đang sử dụng là công nghệ ngoại nhập trong đó 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ 1960 - 1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao.
Tính chung cho các doanh nghiệp, mức độ thiết bị hiện đại chỉ có 10%, mức trung bình 38%, lạc hậu và rất lạc hậu chiếm 52%. Đặc biệt ở khu vực sản xuất nhỏ, thiết bị ở mức lạc hậu và rất lạc hậu chiếm 70%. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đổi mới công nghệ ở mức thấp, tính ra chi phí chỉ khoảng 0,2 - 0,3% doanh thu. Con số này ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%. Đánh giá của Bộ Khoa và & Công nghệ thì năng lực đổi mới công nghệ là “loại năng lực yếu nhất” của các doanh nghiệp Việt Nam.
Một thực tế khác là các máy móc nhập ngoại hiện nay đều là những dây chuyền công nghệ đã khấu hao hết ở các nước sở tại nhưng do không nghiên cứu, đánh giá công nghệ kĩ càng trước khi nhập nên các doanh nghiệp đến khi
mua về và bước đầu đưa vào sản xuất, phải cạnh tranh trên thị trường thì mới nhận ra rằng công nghệ vừa mua quá lạc hậu so với thế giới. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng đối với doanh nghiệp Nhà nước, tuy nhiên hiện nay nó cũng đang xảy ra phổ biến ở các doanh nghiệp tư nhân vì thiếu thông tin. Một số trường hợp công nghệ lúc mua là loại tiên tiến nhất, nhưng do xác định công suất quá lớn so với khả năng nguyên liệu lúc bấy giờ, cho nên 10 - 15 năm sau vẫn chưa thu hồi được vốn, không có tiền đổi mới công nghệ nên lại trở thành lạc hậu.
Các DN chưa đầu tư hợp lí cho hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D). Nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới công nghệ đối với sự tồn tại và tăng trưởng của doanh nghiệp hiện nay còn non kém, tư duy về công nghệ còn lỗi thời nên việc đầu tư đổi mới công nghệ còn chưa được chú trọng. Theo một cuộc khảo sát 100 doanh nghiệp ở Hà Nội và Tp.HCM thì mức đầu tư cho đổi mới thiết bị - công nghệ của các doanh nghiệp này chỉ chiếm trung bình 3% doanh thu của cả năm, đa số đang sử dụng công nghệ của những năm 80 của thế kỷ trước.
Có thể nói rằng, ý thức về tầm quan trọng của công nghệ, thiết bị đối với sự sống còn của doanh nghiệp hiện nay còn chưa cao. Sau hơn 4 năm Luật doanh nghiệp ra đời và hàng chục ngàn doanh nghiệp được thành lập nhưng mức đầu tư cho thiết bị mới vẫn gần như không thay đổi.
Theo kết quả điều tra mới đây của 2 tổ chức Swiss Contact (Thụy Sĩ) và GTZ (Đức) tiến hành trên 1.200 doanh nghiệp tại Việt Nam, chỉ có khoảng 0,1% doanh nghiệp có sử dụng tư vấn khi đầu tư mua sắm công nghệ.
Trình độ của đa số công nhân kỹ thuật trong các doanh nghiệp hiện mới chỉ hạn chế ở năng lực tiếp thu và vận hành những công nghệ sẵn có một cách thụ động. Hiện nay trong đầu tư các doanh nghiệp chỉ chú ý đến thiết bị mà quên rằng công nghệ hàm chứa cả 4 yếu tố là: thiết bị, con người, thông tin và thiết chế. 4 yếu tố này có đồng bộ thì mới phát huy được tác dụng của công nghệ. Vì không thấy được các yếu tố phần mềm của công nghệ (thông tin, con
người, thiết chế) cho nên các doanh nghiệp rất coi nhẹ chuyển giao công nghệ. Hiện tại có tới 95% chuyển giao là do các công ty mẹ ở nước ngoài chuyển cho các công ty con đầu tư ở Việt Nam. Số tiền chi phí chuyển giao công nghệ từ các công ty Việt Nam trả cho công ty nước ngoài là rất ít.
Quyền sở hữu trí tuệ chưa được thực thi nghiêm túc. Việc quyền sở hữu trí tuệ chưa được coi trọng ở Việt Nam cũng đã trở thành một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp khi họ muốn bỏ vốn vào đầu tư nghiên cứu và triển khai công nghệ. Sở dĩ như vậy vì một công ty khi bỏ hàng tỷ đồng để nghiên cứu sản xuất một loại sản phẩm mới hay cải tiến, nâng cấp một loại sản phẩm cũ đã có trên thị trường thì khi sản phẩm này ra đời, lại có nguy cơ bị các doanh nghiệp khác làm giả, làm nhái, hay sử dụng bí quyết công nghệ mà doanh nghiệp đã dày công nghiên cứu mà không tốn bất cứ một chi phí nào.
Chính điều này đã triệt tiêu động lực cho các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu công nghệ. Theo thống kê của Cục SHTT Việt Nam, số lượng doanh nghiệp Việt Nam nộp đơn xác lập các quyền SHTT chiếm tỷ lệ thấp so với doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ, cho đến hết năm 2005, đơn đăng ký sáng chế chỉ là 9,24%, giải pháp hữu ích là 60,13%, kiểu dáng công nghiệp là 84,32%, nhãn hiệu hàng hoá là 58,12%...Và số lượng văn bằng được cấp, sáng chế chỉ là 4,5%, giải pháp hữu ích là 60%, kiểu dáng là 86%, nhãn hiệu hàng hoá là 53%...