Quan điểm hoàn thiện cơ chế tín dụng ĐTPT của Nhà nước trong gia

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TÍN DỤNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ NƯỚC (Trang 60 - 61)

trong giai đoạn tới

Để thực hiện cho được những mục tiêu đầu tư nói chung, các chính sách về quản lý tín dụng đầu tư của Nhà nước trong thời gian tới cần thể hiện những quan điểm sau:

Thứ nhất, tín dụng ĐTPT của Nhà nước là hình thức đầu tư trong thời kỳ quá độ chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Quan điểm này xuất phát từ việc nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước hạn hẹp, trong khi nhu cầu vốn đầu tư của Nhà nước trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế lại rất lớn. Chính vì lẽ đó nên nếu chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách thì rất thiếu, cho nên trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế đòi hỏi phải sử dụng nguồn tín dụng ĐTPT của Nhà nước để phát triển kinh tế xã hội.

Khi nền kinh tế đã phát triển đến mức độ cao, các định chế của thị trường hoạt động hoàn hảo thì tín dụng ĐTPT của Nhà nước sẽ thu hẹp dần để chuyển sang hình thức cho vay thương mại theo cơ chế thị trường.

Thứ hai, tín dụng ĐTPT của Nhà nước góp phần thực hiện chủ trương xóa dần bao cấp trong đầu tư.

Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa bao cấp trong đầu tư, đối tượng được đầu tư trực tiếp bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước được thu hẹp và mở rộng dần đối tượng được đầu tư thông qua nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước. Hình thức cho vay ĐTPT khiến nhà đầu tư phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng khi đầu tư để đảm bảo dự án mang lại hiệu quả và khả năng trả nợ cao. Tín dụng ĐTPT thực hiện hỗ trợ một phần vốn đầu tư, một phần lãi suất vốn vay, nhà đầu tư vẫn phải tự chủ một phần nguồn vốn. Khi các nhà đầu tư đã thực sự đứng vững trên thị trường thì việc hỗ trợ sẽ giảm dần và tiến tới xóa bỏ bao cấp trong đầu tư.

Thứ ba, tín dụng ĐTPT của Nhà nước chỉ hỗ trợ những dự án thuộc các ngành, các vùng Nhà nước ưu đãi.

Vốn cho vay ĐTPT của Nhà nước chỉ hỗ trợ đối với những dự án quan trọng, then chốt của nền kinh tế nhằm tạo tiền đề, cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của nền kinh tế, hoặc các dự án thuộc các ngành, các vùng có tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng rất cần thiết cho sự phát triển cân đối của nền kinh tế đất nước. Bản chất của nguồn vốn tín dụng ĐTPT là hỗ trợ để phát triển, do vậy, tín dụng ĐTPT của Nhà nước không đầu tư dàn trải mà chỉ tập trung vào những khâu then chốt có tính chất xung yếu của nền kinh tế.

Thứ tư, cơ chế cho vay nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước phải linh hoạt và năng động.

Lãi suất tín dụng ĐTPT của Nhà nước là lãi suất ưu đãi, thấp hơn so với lãi suất của thị trường nhằm kích thích đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, những vùng cần khuyến khích đầu tư. Do vậy, lãi suất tín dụng ĐTPT của Nhà nước phải linh hoạt, thay đổi theo từng thời kỳ, phù hợp với từng lĩnh vực, từng vùng thuộc đối tượng ưu đãi.

Việc sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước phải đảm bảo có hiệu quả, đúng mục đích, chống lãng phí, thất thoát và tiết kiệm. Do công tác cho vay tín dụng ĐTPT của Nhà nước gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên hiệu quả trực tiếp của đầu tư cần đặc biệt coi trọng lợi ích xã hội. Việc sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước không những phải trả được vốn vay mà còn phải sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm.

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TÍN DỤNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ NƯỚC (Trang 60 - 61)