4.2.1. Đặc điểm về thị trường lao động
Công ty đóng trên địa bàn Hà Nội, điều này tạo ra rất nhiều thuận lợi nhưng cũng tạo ra không ít những khó khăn cho hoạt động của công ty nói chung và công tác trả lương, trả thưởng nói riêng.
- Thuận lợi: Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn thứ hai của nước ta. Chính vì vậy hàng năm có một lượng lớn lao động từ ngoại tỉnh đổ vào Hà Nội. Hơn nữa rất nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề tập trung tại đây nên công ty có một nguồn cung lao động tương đối dồi dào, thuận lợi cho việc thu hút những lao động giỏi có trình độ tay nghề.
- Khó khăn: Ngành may là một trong những ngành phát triển mũi nhọn của nước ta nên số lượng các doanh nghiệp trong ngành may càng ngày càng tăng lên. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện rất nhiều tên tuổi lớn như công ty May 10, Công ty May Thăng Long, công ty Hanosimex…Ngoài ra còn rất nhiều công ty nhỏ mới hoạt động. Chính việc tăng lên về số lượng đã khiến cho sự cạnh tranh giữa các công ty tăng lên. Không chỉ về mặt thị trường, khách hàng mà còn về cả việc thu hút lao động có trình độ tay nghề. Nếu công ty không trả lương thỏa đáng cũng như tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động thì họ sẽ bỏ sang làm cho các công ty khác trong ngành với mức lương cao hơn. Điều này tạo ra một thách thức không nhỏ cho công ty trong công tác trả lương, trả thưởng để giữ chân người lao động. Nếu không có
chính sách trả lương hợp lý thì công ty sẽ tự đánh mất những người lao động hiện thời, thêm vào đó lại mất thêm một khoản chi phí khác để tuyển dụng và đào tạo lại người lao động mà năng suất làm việc vẫn không bằng.
Hơn nữa, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, hoạt động sản xuất của cả nền kinh tế nước ta được mở rộng. Cho nên, công ty không chỉ gặp sự cạnh tranh về vấn đề lao động ở những công ty trong ngành mà còn cả các công ty ngoài ngành. Rất nhiều khu công nghiệp mọc lên, nhiều việc làm hơn cho người lao động lựa chọn. Họ có thể tìm đến những ngành nghề có doanh thu, lợi nhuận cao hơn ngành may và nếu không chú ý tới vấn đề này thì rất dễ xảy ra tình trạng thiếu nhân lực ở các doanh nghiệp dệt may. Khi thị trường lao động có nhiều biến động thì công tác tiền lương là nhân tố quyết định tới sự gắn bó của ngừoi lao động với công ty. Trả lương cao không những thu hút được lực lượng lao động mới có tay nghề tốt, mà còn tạo được động lực cho người lao động. Nhưng ngược lại, trả lương thấp chậm, người lao động sẽ không còn nhiệt tình với công việc nữa làm giảm năng suất lao động từ đó dẫn đến chậm tiến độ sản xuất, gia tăng chi phí, làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Là một đơn vị hạch toán kinh tế độc lập thì công ty phải quan tâm đến lợi nhuận. Nhưng với tư cách là một tế bào của xã hội, công ty lại phải quan tâm đến những vấn đề của xã hội đang xảy ra bên ngoài doanh nghiệp. Do đó, khi nghiên cứu về định mức tiền lương, công ty còn phải quan tâm đến các vấn đề lương bổng trên thị trường, chi phí sinh hoạt, các tổ chức công đoàn, xã hội, nền kinh tế và cả đến hệ thống pháp luật v.v... Chỉ riêng về yếu tố luật pháp, chính sách lương bổng cũng phải tuân theo luật lệ của nhà nước.
4.2.2. Luật pháp và các quy định của Chính Phủ
Công ty là một công ty cổ phần có số vốn góp chi phối của binh chủng Phòng Không- Không Quân nên mọi chế độ lương, thưởng trong công ty đều phải đảm bảo theo hướng dẫn của Nhà Nước và của binh chủng, từ đó vận dụng hệ thống này để xây dựng hệ thống tiền công cho công ty. Hiện nay, Nhà nước ta đang áp dụng trả lương theo hệ thống thang lương, bảng lương. Hệ thống này sẽ được sử dụng làm cơ sở để trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động và làm cơ sở để xác định giá trị đầu vào của sản phẩm. Do đặc điểm của công ty, lao động nữ chiếm đa số nên các chế độ chính sách với lao động nữ lại càng cần được thực hiện nghiêm túc như chế độ thai sản, trợ cấp hàng tháng, nghỉ ốm… bảo đảm quyền làm việc bình đẳng về mọi mặt đối với nam giới. Khi sinh con người phụ nữ được quyền nghỉ từ 4- 6 tháng và hưởng quyền lợi nghỉ thai sản. Đây là một khó khăn đối với công tác trả lương khi công ty sử dụng lao động nữ là chủ yếu.
Cách tính lương của công ty dựa vào thang bảng lương của Nhà nước sẽ tạo ra sự thống nhất, đơn giản dễ hiểu khiến cho công tác trả lương của người quản lý trở nên dễ dàng hơn và người lao động cũng có thể tự tính ra tiền lương tháng mà mình được hưởng.
Tuy vậy, nó còn bộc lộ nhiều bất cập: Có rất ít sự chủ động trong cách tính lương của công ty, phụ thuộc nhiều vào các quy định của Nhà nước. Trong những năm gân đây, Nhà nước liên tục tăng mức lương tối thiểu nhằm đảm bảo cho cuộc sống của người lao động từ 450.000 VNĐ năm 2007 lên tới 540.000 VNĐ rồi 620.000 VNĐ đầu năm 2008. Tuy nhiên, mức tăng này đã không có ý nghĩa trong điều kiện lạm phát như hiện nay.
4.2.3. Tình trạng của nền kinh tế
Sau khi trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO thì Việt Nam tăng trưởng khá mạnh với tốc độ tăng trưởng đạt 8.5%. Việt Nam đang trải qua giai đoạn bùng nổ kinh tế do dòng chảy ngoại tệ vào cộng thêm với đầu tư mạnh mẽ và lạm phát hàng hoá. Mức lạm phát này cũng đạt ở mức kỉ lục, cuối tháng 12 năm 2007 tỷ lệ lạm phát khoảng trên 12%. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác trả lương của công ty. Công ty cần chi trả một lượng lớn hơn cho công nhân của mình nhằm đảm bảo cho cuộc sống của người lao động.
Việt Nam mở cửa với thị trường quốc tế cũng khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty được mở rộng, công ty có thêm nhiều khách hàng với nhiều đơn hàng mới. Cầu về lao động của công ty tăng lên, công ty cần tuyển thêm nhiều lao động có trình độ tay nghề phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động nhằm đáp ứng các đơn hàng. Do đó, công ty cũng phải trả lương cao hơn nhằm thu hút lao động đến với công ty và giữ chân được những lao động lành nghề ở lại công ty.
CHƯƠNG II