THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUỐC TẾ TẠI VIETINBANK
2.1.2.3 Thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ
Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là phương thức TTQT ưu việt hơn cả trong TTQT, đảm bảo quyền lợi một cách tương đối cho cả người mua và người bán. Do đó, phương thức này được sử dụng nhiều nhất trong hoạt động TTQT tại VietinBank, chiếm khoảng 65%-70% giá trị thanh toán. Trong những năm qua, hoạt động TTQT theo phương thức tín dụng chứng từ tại VietinBank ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Doanh thu từ hoạt động này ngày càng tăng trong tổng doanh thu của ngân hàng.
Bảng số liệu 2.6 cho thấy tình hình hoạt động phát hành và thanh toán thư tín dụng nhập khẩu tại VietinBank.
Bảng 2.6: Tình hình hoạt động Phát hành và Thanh toán L/C nhập khẩu tại VietinBank (2006-2009)
Chỉ tiêu
Phát hành L/C nhập khẩu Thanh toán L/C nhập khẩu
Số món thực hiện Giá trị (1000 USD) Số món thực hiện Giá trị (1000 USD) 2006 9.882 2.371.242 11.448 2.412.294 2007 10.884 3.162.599 13.971 2.857.126 2008 9.253 3.563.615 13.218 3.786.191 2009 11.701 3.632.795 16.241 4.809.765
(Nguồn: Báo cáo tổng kết hoạt động VietinBank 2006-2009)
So với năm 2006, năm 2007, số lượng L/C phát hành và thanh toán nhập khẩu đều cao hơn. Trong đó giá trị phát hành L/C tăng 33%, giá trị thanh toán L/C tăng 18%.Tuy nhiên, trong năm 2008, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hoạt động của ngành ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn như: Khó khăn về thanh khoản, hạn chế tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không được vượt quá 30%, ngoại tệ biến động trái chiều trong thời gian ngắn, tỷ giá thay đổi mạnh và nhu cầu tiêu dùng ở nước ngoài giảm. Những khó khăn này đã làm cho hoạt động thư tín dụng nhập khẩu giảm mạnh so với năm 2007. Mặc dù số lượng L/C phát hành và thanh toán nhập khẩu đều giảm nhưng giá trị lại cao hơn so với năm 2007. Giá trị phát hành L/C tăng 13%, giá trị thanh toán tăng 32,52% so với năm 2007. Đến năm 2009, số lượng cũng như giá trị L/C phát hành và thanh toán đều tăng trở lại và đạt doanh số cao nhất trong giai đoạn 2006-2009 với con số 4.809.765 nghìn USD giá trị thanh toán L/C nhập khẩu, tăng 16% so với năm 2008.
Bảng 2.7 cho ta thấy tình hình hoạt động thông báo và thanh toán L/C xuất khẩu của VietinBank trong giai đoạn 2006-2009.
Bảng 2.7: Tình hình hoạt động Thông báo và Thanh toán L/C xuất khẩu tại VietinBank (2006-2009)
Chỉ tiêu
Thông báo L/C xuất khẩu Thanh toán L/C xuất khẩu
Số món thực hiện Giá trị (1000 USD) Số món thực hiện Giá trị (1000 USD) 2006 5.654 502.653 10.450 732.704 2007 6.102 628.609 8.263 446.836 2008 5.633 785.662 7.801 613.103 2009 5.823 790.525 8.215 751.206
Xu hướng phát triển của hoạt động này không ổn định và có nhiều biến động hơn so với hoạt động nhập khẩu. Năm 2007, số lượng và giá trị thông báo L/C xuất khẩu tăng 25% so với năm 2006 nhưng số lượng và giá trị thanh toán lại giảm 40%. Sang năm 2008, mặc dù số món thông báo và thanh toán L/C xuất khẩu giảm nhưng giá trị thông báo và thanh toán lại cao hơn 37,21% so với năm 2007. Năm 2009, nền kinh tế trong nước dần hồi phục góp phần nâng cao số lượng cũng như giá trị thông báo và thanh toán L/C xuất khẩu của VietinBank. Số món thông báo L/C tăng 3,3%, giá trị tăng 0,6%, số món thanh toán L/C đạt 8.215 tăng 5,3%, giá trị tăng 22,5% so với năm 2008. Hoạt động thư tín dụng xuất khẩu dần khởi sắc góp phần nâng cao doanh thu hoạt động TTQT của ngân hàng.
Qua đó ta có thể thấy, tuy số lượng và giá trị L/C xuất khẩu có chiều hướng tăng nhưng lại luôn nhỏ hơn so với L/C nhập khẩu. Đó là vì sự mất cân đối trong cán cân thương mại - chủ yếu là nhập siêu.
Từ biểu đồ 2.1 ta có thể thấy được tỷ trọng giá trị của L/C nhập lớn hơn nhiều so với tỷ trọng của L/C xuất trong trị giá thanh toán bằng L/C và đang có xu hướng ngày càng tăng tỷ trọng L/C nhập và giảm tỷ trọng L/C xuất.
Biểu đồ 2.1: Tỷ trọng giá trị thanh toán L/C nhập và xuất khẩu của VietinBank (2006-2009)
(Nguồn: Báo cáo tổng kết hoạt động VietinBank 2006-2009)
Năm 2006, thanh toán L/C xuất khẩu chiếm 23% nhưng đến năm 2007 và 2008 đã giảm xuống 14%, năm 2009 lại giảm tiếp xuống 13%. Điều đó được giải thích do tình hình kinh tế 2007 tăng trưởng mạnh, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao trong năm này. Còn đến năm 2008, tuy suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến kinh tế nước ta, làm cho nhu cầu mua hàng nhập khẩu giảm nhiều nhưng thanh toán xuất khẩu vẫn chiếm 14%. Năm 2009, dù hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu của ngân hàng đã có khởi sắc nhưng hoạt động thanh toán L/C xuất khẩu vẫn không tăng do kinh tế trong nước cũng như trên thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng.